Nông Dân Lao Đao Vì Giá Mía Đầu Vụ Quá Thấp

Hiện nay, nông dân ở huyện Long Mỹ (Hậu Giang) bắt đầu thu hoạch mía. Tuy nhiên, giá mía hiện nay đang ở mức thấp kỷ lục từ trước đến nay, làm cho người nông dân phải lao đao. Bán cũng không được mà để lại cũng không xong, vì mía đã đến ngày thu hoạch mà chi phí bỏ ra cả năm trời chỉ trông chờ vào số mía này.
15 công mía của gia đình bà Bùi Thị Trắng, ở ấp 7, xã Vĩnh Viễn A, huyện Long Mỹ đã đến ngày thu hoạch nhưng khi thương lái vào mua chỉ trả 650 đồng/kg với lý do mía của gia đình bà chữ đường không cao nên chỉ mua đến giá đó mà thôi.
Tiếc của, tiếc công, bà Trắng quyết định thuê nhân công đốn mía rồi tự mướn ghe mang ra nhà máy đường để cân với hy vọng giá mía sẽ được cao hơn để bù lại bao công sức, chi phí mà gia đình bà đã bỏ ra suốt cả một năm trời. Bà Trắng nói: “Mía năm ngoái gia đình tôi bán được 850 đồng/kg nhưng năm nay giá quá thấp, thấp hơn tới 200 đồng/kg. Thương lái vào mua chỉ nói chữ đường năm nay thấp quá chỉ 6 đến 7 chữ nên phải mua rẻ trừ hao. Nói là nói vậy chứ người nông dân chúng tôi đâu có biết nên đành mướn ghe chở ra nhà máy bán thôi, được bao nhiêu thì mình hưởng bấy nhiêu”.
Hiện nay, nông dân huyện Long Mỹ mới bắt đầu bước vào thu hoạch mía, tuy nhiên giá mía đang ở mức thấp kỷ lục làm cho người trồng mía không khỏi đau xót. Thương lái đến mua mía của dân chỉ dao động từ 650 đến dưới 700 đồng/kg, so với năm 2012 thì thấp hơn 200 đồng/kg.
Với giá như vậy người nông dân phải cầm chắc phần thua lỗ. Anh Lê Chí Nguyện, ở ấp 9, xã Vĩnh Viễn A, cho biết: “Gia đình chỉ có 4 công đất mía, nhưng là đất phèn nên chỉ trồng được mía Sufat 7. Tuy năng suất có cao nhưng chữ đường thì thấp. Nếu tính mướn hết nhân công là lỗ, còn gia đình tôi toàn lao động nhà nên còn dư chút đỉnh, nhưng chỉ đủ chi phí chứ không có lời là bao”.
Vụ mía năm 2013, huyện Long Mỹ trồng được 380ha mía, trong đó tập trung nhiều nhất ở 2 xã Vĩnh Viễn và Vĩnh Viễn A. Do thích hợp với các điều kiện thổ nhưỡng nên cây mía từ lâu đã được người dân ở các xã này chọn là cây trồng chính thay thế cho các loại cây trồng khác. Tuy nhiên 2 năm trở lại đây, cây mía đã làm cho người trồng phải lao đao. Nguyên nhân được cho là do bà con nông dân chọn những giống mía có chữ đường thấp như Sufat 7, R570, K92 nên thương lái chê, mua giá thấp.
Mặt khác, năm nay mưa nhiều nên cũng ảnh hưởng không nhỏ đến chữ đường. Giá thấp, sản xuất không có lời đã làm cho người trồng mía nản lòng. Bà Trắng ngậm ngùi nói: “Tính đốn xong số mía này là tôi sẽ ban ra để trồng lúa. Trồng lúa cực nhưng nhanh thu hồi vốn, còn mía giá cả bấp bênh mấy năm nay làm không có lời”.
Ông Trịnh Bạch Duyên, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Viễn A, cho biết: Toàn xã Vĩnh Viễn A có khoảng 230ha mía. Năm nay, năng suất so với năm ngoái tương đương nhưng giá thì thấp hơn rất nhiều. Tình trạng này kéo dài bà con sẽ ban đất trồng mía rất nhiều. Nếu không có chính sách hỗ trợ của trên cũng như giá mía cứ ở mức thấp như hiện nay thì xã cũng khuyến khích người dân chuyển đổi cây trồng cho phù hợp để giảm bớt rủi ro cho người nông dân.
Đối với những người nông dân đã đầu tư công sức, tiền bạc vào cây mía suốt một năm trời không ai nghĩ rằng kết quả nhận được lại là sự thua lỗ. Nếu giá mía cứ tiếp tục ở mức thấp như hiện nay thì những người gần cả đời gắn bó với cây mía như bà Trắng cũng đành phải từ bỏ cây mía mà thôi.
Related news

Vụ mùa năm nay, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Yên Dũng (Bắc Giang) phối hợp với Trung tâm Chuyển giao công nghệ và Khuyến nông (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam) xây dựng mô hình thâm canh tổng hợp 20 ha giống lúa lai Syn 6 tại xã Nham Sơn.

Câu hỏi niên vụ mía đường năm nay đắng hay ngọt vẫn còn là ẩn số. Ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch Hiệp hội mía đường Việt Nam (VSSA), cho biết: Quyết tâm của Hiệp hội cũng như đảng bộ, chính quyền các tỉnh, thành vùng ĐBSCL là làm sao không để nông dân bị thiệt đơn, thiệt kép trong sản xuất mía.

Từ cây bưởi tổ, nhiều năm nay, giống bưởi Quế Dương đã ăn sâu bén rễ ở vùng đất xã Cát Quế, huyện Hoài Đức (Hà Nội) với diện tích ngày một tăng, trở thành cây ăn quả có thế mạnh.

Theo các cơ quan chuyên môn, sau nhiều năm thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cải tạo vườn tạp, hiện nay, diện tích cây lâu năm trên địa bàn tỉnh ước đạt 36.676 ha, tăng 2,97% so với cùng kỳ.

Khi mới lập gia đình, anh được bên vợ cho 2.400 m2 đất sản xuất. Lúc đầu trồng lúa nhưng do thu nhập thấp nên anh chuyển sang trồng cây màu. Nhờ “có tay” trồng màu, nên anh mạnh dạn thuê 1,5 ha đất, mỗi năm trồng 4 vụ màu, chủ yếu là dưa leo và khổ qua. Nhờ được chăm sóc tốt nên các vụ rau màu đều cho năng suất cao và bán có giá.