Home / Tin tức / Mô hình kinh tế

Nông Dân Điêu Đứng Vì Cây Ớt Bị Bệnh Lạ

Nông Dân Điêu Đứng Vì Cây Ớt Bị Bệnh Lạ
Publish date: Thursday. October 2nd, 2014

Trong cơ cấu cây trồng vụ đông, nhờ năng suất và giá thu mua cao nên cây ớt luôn chiếm một vị trí quan trọng, được trồng đại trà tại nhiều địa phương. Tuy nhiên, ngay từ những ngày đầu bắt tay vào sản xuất vụ đông, nhiều hộ nông dân ở xã Thái Nguyên (Thái Thụy - Thái Bình) đang gặp nhiều khó khăn vì cây ớt bị bệnh lạ.

Cây ớt đưa vào cơ cấu giống cây trồng vụ đông tại xã Thái Nguyên đã được 5 năm, góp phần đáng kể tăng thu nhập cho bà con nông dân trong xã. Riêng vụ đông năm 2013, diện tích ớt của xã Thái Nguyên là 40 ha, với giống ớt An Ðiền, thu nhập trung bình đạt từ 6 - 7 triệu đồng/sào, cá biệt có những hộ như hộ anh Ðàm Văn Tuấn, Ðàm Văn Quịn (thôn Ngọc Thịnh) thu hơn 10 triệu đồng/sào.

Với thắng lợi từ những vụ sản xuất trước, vụ đông năm nay bà con nông dân xã Thái Nguyên rất phấn khởi và tin tưởng cây ớt sẽ mang lại thu nhập cao. Ngay từ cuối tháng 7/2014, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu An Ðiền phối hợp với Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp xã tổ chức hội thảo, hướng dẫn kỹ thuật trồng hai giống ớt Red Ruby 101 và AD 202.

Ðến nay, gần 40ha ớt đã được phủ xanh trên những cánh đồng màu của xã. Tuy nhiên, từ khi gieo trồng đến nay, hơn 50% diện tích ớt này phát triển không bình thường với những biểu hiện: Ớt vào giai đoạn cứng lá, lá vàng rụng, thân cây héo rũ từ phần non trở xuống dẫn đến chết cây.

Những ngày đầu, nhiều hộ nông dân nhầm tưởng do cây bị thiếu dinh dưỡng nên nhổ bỏ để trồng cây mới, kết hợp phun thuốc bảo vệ thực vật, tuy nhiên đến nay đã có những nhà nhổ đi, trồng lại đến 3 lần, tốn rất nhiều tiền mua thuốc phòng trừ mà cây vẫn chết.

Chị Ðàm Thị Hiện (xóm 1, thôn Ngọc Thịnh) đang phun thuốc bảo vệ thực vật cho ớt, tâm sự: Mọi năm trồng cây ớt cho thu nhập rất cao, nhưng đến thời điểm này gia đình tôi bỏ rất nhiều công sức và tiền của vào cây ớt mà chưa thấy có triển vọng. Cán bộ Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp cùng nhiều người dân đã đi tham khảo nhiều nơi nhưng chưa tìm được thuốc đặc trị.

Nếu tình trạng này còn tiếp diễn, gia đình chị chưa biết tìm cây gì thay thế để có thể bù đắp những chi phí đã bỏ ra. Ðây không chỉ là những trăn trở của riêng chị Hiện mà còn là những khó khăn trong sản xuất nông nghiệp của nhiều hộ nông dân khác trong xã.

Ông Ðàm Văn Ðương, Chủ nhiệm Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp thôn Ngọc Thịnh cho biết: Ngay khi phát hiện hiện tượng ớt kém phát triển, rụng lá, gẫy đốt và chết, ông và các cán bộ nông nghiệp trong xã đã bám sát ruộng đồng, tham khảo thông tin nhiều nơi, tìm nhiều loại thuốc đặc trị, tuy nhiên đến thời điểm này ớt ở thôn Ngọc Thịnh nói riêng và của xã Thái Nguyên nói chung chưa được chữa trị.

Trong khi đó, với những hộ nông dân có ớt bị chết, riêng tiền hạt giống mua của Công ty TNHH Xuất nhập khẩu An Ðiền là 90.000 đồng/gói 50g; nếu không mua hạt về tự gieo, người dân sang những cơ sở ươm giống tại các xã Thái An, Thụy Liên… để mua, giá sẽ cao hơn nhiều.

Người dân Thái nguyên cho rằng, cây ớt bị vàng lá, héo rũ và chết có thể do giống ớt, do chất đất, do thời tiết… Nếu nguyên nhân do giống ớt, đến nay, dù người dân và cán bộ xã Thái Nguyên đã có kiến nghị với Công ty TNHH Xuất nhập khẩu An Ðiền nhưng Công ty vẫn chưa có câu trả lời, hay thể hiện trách nhiệm về việc hỗ trợ sản xuất cho bà con nông dân.

Không chỉ là việc đền bù, hỗ trợ mà lớn hơn đó là chữ tín trong kinh doanh trên thị trường, chữ tín trong lòng mỗi người dân tại xã Thái Nguyên trong những vụ đông tới.

Nếu do chất đất hoặc do thời tiết…, nỗ lực của cán bộ nông nghiệp và của những hộ nông dân trồng ớt xã Thái Nguyên vẫn chưa đủ, rất cần sự vào cuộc của các cơ quan, đơn vị chức năng tìm biện pháp khắc phục cho bà con nông dân.

Tình trạng ớt héo rũ và chết kéo dài chắc chắn sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất vụ đông của xã Thái Nguyên nói chung và tâm lý sản xuất cũng như thu nhập của người nông dân nơi đây.

Bước vào mỗi vụ sản xuất người nông dân mang theo bao hy vọng về mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu… Hy vọng, sự chung tay vào cuộc của các ban, ngành, đoàn thể cùng nỗ lực của bà con nông dân, vụ đông năm nay cây ớt sẽ xanh cành, trĩu quả trên những cánh đồng màu xã Thái Nguyên.


Related news

Hiệu quả từ mô hình trồng màu kết hợp với nuôi bò vỗ béo Hiệu quả từ mô hình trồng màu kết hợp với nuôi bò vỗ béo

Đó là mô hình của nông dân Huỳnh Trung Tràng, sinh năm 1957, ấp Sóc Mới, xã Long Sơn, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh, doanh thu hàng năm đạt trên 200 triệu đồng, lợi nhuận đạt từ 100 - 120 triệu đồng/năm.

Tuesday. September 1st, 2015
Vươn lên từ nghề chăn nuôi heo Vươn lên từ nghề chăn nuôi heo

Ra riêng với 2 công ruộng trồng lúa của cha mẹ cho vào năm 1990, cuộc sống gia đình mới Nguyễn Nghĩa Dũng (ấp Nam, xã Dưỡng Điềm, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) rất khó khăn. Với bản tính ham mê chăn nuôi nhưng lại không có vốn, vợ chồng anh Dũng đã phải xin và được cha mẹ đồng ý cho bán đồ cưới để mua một con heo nái về nuôi.

Tuesday. September 1st, 2015
Hiệu quả mô hình nuôi gà thả vườn an toàn sinh học Hiệu quả mô hình nuôi gà thả vườn an toàn sinh học

Nhằm khuyến khích bà con nông dân phát triển chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, ổn định và bền vững, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Tuyên Quang phối hợp với Trạm Khuyến nông huyện Yên Sơn thực hiện mô hình nuôi gà thả vườn an toàn sinh học tại xã Mỹ Bằng (Yên Sơn). Đến nay bước đầu mô hình đã đem lại hiệu quả kinh tế thiết thực.

Tuesday. September 1st, 2015
Phát triển chăn nuôi bò vỗ béo - Hướng đi mới cho người chăn nuôi Phát triển chăn nuôi bò vỗ béo - Hướng đi mới cho người chăn nuôi

Trong những năm qua, nông dân trên địa bàn huyện Phú Bình (Thái Nguyên) đã áp dụng tiến bộ khoa học vào chăn nuôi bò vỗ béo nhưng với phương thức đơn giản như nuôi từ lúc bò mẹ đẻ ra đến lúc thịt, một số khác thì mua bò, bê về nuôi chăn thả, tận dụng nguồn cỏ tự nhiên và phụ phẩm của ngành trồng trọt, có bổ sung thức ăn tinh nhưng với một phần nhỏ, chủ yếu là ngô, cám gạo cho nên chưa khai thác hết tiềm năng tăng trọng của bò khi đưa vào vỗ béo. Hơn nữa, thời gian nuôi còn kéo dài nên hiệu quả chưa cao.

Tuesday. September 1st, 2015
Khơi dậy tiềm năng kinh tế của đất giồng cát Khơi dậy tiềm năng kinh tế của đất giồng cát

Tiểu Cần (Trà Vinh) là huyện có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp, chủ yếu là cây lúa, với diện tích đất tự nhiên trên 22.000ha, trong đó đất nông nghiệp có hơn 19.000ha, riêng đất trồng lúa trên 13.400ha. Ngoài ra trên địa bàn còn có một số diện tích đất giồng cát tập trung ở các xã Hiếu Tử, Hiếu Trung, Phú Cần và Long Thới. Nhân dân sinh sống trên đất giồng cát theo tập quán lâu đời thường tr

Tuesday. September 1st, 2015