Nông Dân Bến Tre Trúng Mùa Tôm

Trúng mùa, trúng giá, nhiều hộ nông dân nuôi tôm tại vùng ven biển Bến Tre đang rất phấn khởi với vụ vừa thu hoạch.
Năng suất và giá tôm đều tăng
Những ngày này, nhiều nông dân ở huyện Bình Đại đang vui niềm vui được mùa tôm thẻ chân trắng. Anh Lê Hoàng Vũ ngụ xã Bình Thới (huyện Bình Đại) cho biết, gia đình anh vừa thu hoạch ao tôm rộng 3.000 m2, sản lượng đạt 2,7 tấn. Với giá bán 132.000 đồng/kg, anh Vũ thu về gần 360 triệu đồng. Trừ chi phí đầu tư, cải tạo ao nuôi các loại, anh Vũ lời hơn 170 triệu cho gần 3 tháng chăm sóc con tôm.
Cũng theo anh Vũ, nếu như năm trước, hầu hết người nuôi tôm thất bát vì dịch bệnh, tôm chết liên tục thì năm nay nhiều hộ nuôi tôm trong vùng trúng mùa, trúng giá. Tỷ lệ nuôi tôm thành công trong vụ này ở mức 7 – 3.
Tức 10 người nuôi tôm thì có đến 7 người trúng vụ, 3 người còn lại vì không xử lý ao nuôi tốt, không kiểm soát dịch bệnh cẩn thận nên tiếp tục thua lỗ. “Trong khi năm trước, tỷ lệ tôm chết luôn ở mức cao, cứ 10 người nuôi tôm thì phải đến 8 người thất bát, không có thu hoạch vì tôm chết khi vừa thả giống chưa được bao lâu” - anh Vũ cho biết.
Hơn nữa, theo anh Vũ, giá tôm nguyên liệu từ đầu năm đến nay liên tục tăng khiến nông dân phấn khởi, hiện đang ở mức từ 132.000 – 142.000 đồng/kg tùy kích cỡ, cao hơn khoảng 10.000 – 15.000 đồng/kg so với cùng kỳ 2012. Anh Lưu Thanh Nghĩa – một người chuyên nhận nuôi tôm cho các chủ ao khu vực ĐBSCL cũng hào hứng cho biết, anh vừa cùng chủ ao thu hoạch 3 ao tôm thẻ với sản lượng gần 6 tấn. Với cỡ tôm hiện nay, chủ ao bán được giá 140.000 đồng/kg.
Cũng theo anh Nghĩa, sau khi trừ vốn đầu tư ban đầu, với đợt thu hoạch lần này, chủ ao thu lời hơn 600 triệu đồng. “Nhờ nuôi tôm tốt nên tui được chủ ao thưởng công 25 triệu đồng, cộng với tiền lương 3 tháng làm công khoảng 9 triệu nữa, nghe cũng mát lòng mát dạ!” - anh Nghĩa cười vui vẻ. Nhiều hộ nông dân tại các huyện Thạnh Phú, Bình Đại, Ba Tri… cũng đang vui niềm vui được mùa tôm thẻ, bù lại phần nào sau nhiều vụ nuôi thất bại vì dịch bệnh.
Dịch bệnh vẫn chưa “êm”
Dù được đánh giá là đã “dễ thở” hơn trước nhưng tình hình dịch bệnh trên tôm nuôi tại các huyện ven biển Bến Tre vẫn đang diễn biến phức tạp. Nhiều chuyên gia nông nghiệp khuyến cáo người nuôi tôm cẩn trọng khi thả nuôi vụ mới.
Ông Nguyễn Văn Buội – quyền Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Bến Tre cho biết, từ đầu vụ đến nay, tổng diện tích tôm nuôi trong tỉnh bị thiệt hại ước khoảng trên 1.100ha, chiếm khoảng 20% tổng diện tích thả nuôi.
Những tháng đầu năm 2013, nông dân nuôi tôm gặp nhiều khó khăn do xâm nhập mặn, thời tiết nắng nóng, mưa nhiều gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe tôm nuôi. Đến nay, tình hình có dịu bớt, tuy nhiên, diễn biến thời tiết vẫn khắc nghiệt, chênh lệch nhiệt độ lớn, tôm dễ mắc bệnh. Trong khi đó, anh Lê Hoàng Vũ cho biết, vẫn còn một lượng lớn ao tôm trong vùng nhiễm bệnh khiến tôm chết.
Người nuôi tôm do đó cần cẩn thận với nguồn nước thải từ những ao tôm bệnh, tránh để virus gây bệnh lây lan sang các ao khác. “Nuôi tôm rất dễ bệnh ở giai đoạn đầu mới thả nên nông dân phải xử lý ao thật cẩn thận. Hơn nữa, độ mặn nước hiện tại chênh lệch từ 10/1.000 – 12/1.000 nhưng rất dễ thay đổi vào những tháng cuối năm” - anh Vũ cho biết thêm.
Ông Buội khuyến cáo bà con nông dân phải tuân thủ các nguyên tắc phơi, lắng ao, làm vệ sinh ao nuôi cẩn thận trước khi thả vụ mới. Nếu bà con nông dân đã thả giống, phải thường xuyên kiểm tra độ pH, độ kiềm, lượng oxy hòa tan trong nước, sức khỏe tôm nuôi... để xử lý kịp thời.
Related news

Đến thời điểm này, về cơ bản huyện Thanh Sơn đã thu hoạch xong vụ chiêm xuân và bắt tay vào chuẩn bị sản xuất vụ mùa. Vụ chiêm xuân năng suất lúa của huyện đạt bình quân khoảng 58 tạ/ha, xấp xỉ năng suất bình quân chung toàn tỉnh. Vụ mùa năm nay, huyện Thanh Sơn có kế hoạch gieo cấy 3.470ha lúa, trong đó có 1.600ha lúa lai. Vụ mùa được tập trung chủ yếu vào 2 trà chính là trà sớm (48% diện tích) và mùa trung (50% diện tích).

Hiện nay, thời tiết diễn biến phức tạp, nắng nóng kéo dài khiến đàn gia súc, gia cầm dễ bị nhiễm bệnh và là điều kiện thuận lợi để các dịch bệnh như: Tiêu chảy, phó thương hàn, tụ huyết trùng... phát sinh, lây lan, gây thiệt hại lớn cho người chăn nuôi. Để duy trì và đảm bảo tổng số đàn vật nuôi, huyện Thanh Thủy đã chủ động nhiều biện pháp để phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm mùa nắng nóng. Nhờ vậy nhiều năm nay, trên địa bàn huyện không có dịch bệnh lớn xảy ra hay gia súc bị chết vì nắng nóng.

Đến nay Phú Thọ đã thu hoạch được hơn 37 nghìn ha lúa chiêm xuân, đạt 99,5% tổng diện tích gieo cấy, năng suất ước đạt 58,6 tạ/ha; ngô đã thu hoạch gần 5.000ha/5.900ha, năng suất ước đạt 46,6 tạ/ha; lạc đã thu hoạch hơn 3.100ha/ 3.469ha, năng suất ước đạt 18,9 tạ/ha; rau các loại đã thu hoạch hơn 4.000 ha/4.220ha, năng suất ước đạt 135,7 tạ/ha.
Hiện nay, nông dân huyện Yên Lập đang tập trung làm đất gieo cấy lúa vụ mùa. Anh Nguyễn Tiến Dần ở xã Hưng Long phấn khởi nói với chúng tôi: “Năm nay nắng nóng đầu vụ cứ lo mất mùa nhưng lúa năm nay được mùa các chị ạ. Mỗi sào lúa cũng phải được trên 2 tạ”. Từ kết quả vụ chiêm xuân, Yên Lập có thêm nhiều kinh nghiệm cho sản xuất vụ mùa.

Trước diễn biến phức tạp của tình trạng khô hạn dẫn đến nguy cơ thiếu nước tưới cho các vùng sản xuất, các địa phương trên địa bàn tỉnh đang đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên một số diện tích trồng lúa thiếu nước kém hiệu quả sang các loại cây trồng cạn, đặc biệt là cây bắp.