Nơi Đầu Tiên Làm Lúa Sạch
Một số nông dân ở xã Tân Bình (huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai) đang tự mình xây dựng thương hiệu gạo sạch. Là những nông dân nhiều năm gắn bó với nghề trồng lúa, họ mong mỏi sẽ xây dựng được thương hiệu gạo sạch cho sản phẩm của mình.
Hộ lâu nhất đã làm được 6 vụ, hộ ít nhất cũng 2 vụ theo đuổi làm lúa sạch. Gặp họ rồi, chúng tôi khá bất ngờ vì những nông dân chân chất, suốt ngày gắn bó với đồng ruộng lại có những suy nghĩ rất... hiện đại.
Rủ nhau trồng lúa kiểu mới
Câu chuyện học cách trồng lúa thân thiện với môi trường, và xa hơn là làm lúa sạch của họ trải qua không ít truân chuyên. Bởi lâu nay, họ chỉ quanh quẩn trên cánh đồng, ít có cơ hội ra ngoài học hỏi những kỹ thuật hay kiến thức mới. Ấy vậy mà khi nghe ThS. Trần Thị Phương Chi, cán bộ Chi cục Bảo vệ thực vật Đồng Nai, quê ở Tân Bình kể chuyện làm lúa thân thiện với môi trường ở miền Tây, nhóm nông dân này đã rủ nhau góp tiền, nhờ Phương Chi đưa xuống tận nơi để học hỏi.
Ông Võ Văn Kìa (ấp Bình Lục, xã Tân Bình), một trong những người đầu tiên tham gia quy trình sản xuất lúa sạch, chia sẻ: “Cứ mỗi vụ lúa phải phun thuốc hóa học trừ sâu bệnh từ 6-8 lần, tôi thấy ngán quá. Tuy học ít, song tôi cũng biết phun thuốc nhiều, hạt gạo sẽ bị ngấm thuốc. Trước tiên, tôi và gia đình phải chịu ảnh hưởng, sau đó đến những người mua lúa gạo của mình”. Vì vậy, khi nghe có mô hình sản xuất lúa không phải dùng thuốc hóa học, năng suất vẫn cao và chi phí đầu vào lại giảm, ông theo học bằng được.
Ông Nguyễn Đình Trung ở ấp Bình Lục, xã Tân Bình thì kể: “Xuống miền Tây tham quan mô hình sản xuất lúa thân thiện với môi trường, tôi mê ngay. Vì họ chỉ dùng thuốc sinh học, không sử dụng thuốc hóa học mà lúa vẫn trĩu hạt. Tôi áp dụng theo đến nay đã khoảng 6 vụ, thấy năng suất tăng gần 1 tấn/hécta/vụ và chi phí đầu vào giảm 2-3 triệu đồng/hécta/vụ”.
Gạo sạch trình làng
Sau khi các hộ đã nhuần nhuyễn quy trình sản xuất lúa thân thiện với môi trường, ThS. Phương Chi là người giúp các hộ tiến thêm một bước nữa là ghi chép nhật ký đồng ruộng đầy đủ, giám sát kỹ để đạt được lúa sạch. Và chị cũng là người đứng ra làm đầu mối gom lúa sạch lại, xay xát đóng gói gạo sạch và mang đi chào hàng. ThS. Phương Chi cho hay: “Tôi lâu nay chỉ làm khoa học, hướng dẫn bà con các biện pháp sản xuất lúa sạch, giờ gánh thêm trách nhiệm giúp bà con tìm đầu ra cũng thấy lo lắng. Cũng may, người thân, bạn bè biết được ủng hộ, vì thế gạo sạch Tân Bình trình làng được một số bếp ăn tập thể thuộc các trường mầm non, đại lý tại thị trấn Vĩnh An (huyện Vĩnh Cửu), TP. Biên Hòa đặt mua số lượng lớn để tiêu thụ”. Nhờ đó mà hiện tại, đầu ra của gạo sạch khá thuận lợi.
Anh Mai Thành Tâm ngụ ấp Bình Lục, xã Tân Bình, nhận xét: “Tôi thấy mấy hộ trong ấp làm lúa sạch ít ảnh hưởng đến sức khỏe, đầu ra thuận lợi, giá bán cao hơn lúa thường gần 1 ngàn đồng/kg nên tôi đăng ký tham gia. Giờ thì gạo mình làm ra sử dụng hoặc bán cũng yên tâm”.
Hiện nay, gạo sạch Tân Bình loại dẻo thơm được bán với giá 14.000 - 14.500 đồng/kg. So với giá gạo bán lẻ trên thị trường thì gạo sạch Tân Bình chỉ bằng giá các loại gạo bậc trung. Về vùng sản xuất lúa sạch dịp này, bà con đang xuống giống vụ hè- thu, không chỉ tự hào kể về chuyện sản xuất lúa sạch, họ còn háo hức bàn bạc nay mai sẽ cùng nhau hùn hạp để đăng ký thương hiệu cho gạo sạch và thành lập trang web để quảng bá sản phẩm.
Lúc đầu, xã Tân Bình chỉ có gần 10 hộ tham gia với diện tích hơn 10 hécta, nhưng đến nay đã có trên 20 hộ tham gia với diện tích lên đến 40 hécta. Và tất cả các hộ đều tự nguyện tìm đến học hỏi lẫn nhau và đăng ký tham gia sản xuất lúa sạch.
ThS. Phương Chi cho biết, khoảng 1 tháng nữa những người quan tâm có thể ghé qua các cánh đồng trồng lúa của xã tham quan cảnh “ruộng lúa bờ hoa”. Bởi trên các bờ ruộng lúa vụ hè-thu năm nay, những nông dân làm lúa sạch đã trồng các loại hoa để giảm sâu bệnh cho cây lúa.
Related news
Gia đình ông Nguyễn Đình Phú, thôn 2, xã Hoằng Yến (Thanh Hóa) chăm sóc tôm he chân trắng nuôi vụ xuân - hè năm 2015.
Vào thời điểm này, trên khắp các vùng nuôi trồng thuỷ sản của TX Quảng Yên (Quảng Ninh), bà con nông dân và các doanh nghiệp đang khẩn trương thu hoạch thuỷ sản vụ xuân - hè. Theo đánh giá của Phòng Kinh tế thị xã, mặc dù trong vụ nuôi có xuất hiện dịch bệnh, song vụ nuôi này Quảng Yên vẫn được mùa tôm.
Nấm linh chi, loại nấm dược liệu, chữa được nhiều bệnh, đã được nông dân Hòa Vang (Đà Nẵng) sản xuất thành công.
Cây mắc ca là cây công nghiệp, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của Việt Nam, quả hạt vỏ cứng là nguyên liệu cho các cơ sở sản xuất bánh kẹo, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng.
Cây tiêu trồng trên đất đá ong ở xã Hoài Thanh (Hoài Nhơn, Bình Định) ít sinh dịch bệnh, cho năng suất cao, chất lượng ngon nên bán được giá.