Nỗi Buồn Ông Chủ Trại Thỏ
Cho đến thời điểm trung tuần tháng 4, trại nuôi thỏ với quy mô khá lớn của anh thanh niên 27 tuổi, Nguyễn Phát Đạt ở ấp 4, xã Suối Dây, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh đã bước sang năm thứ hai. Tổng số thỏ nuôi trong trại gần 500 con, trong đó có khoảng 300 con thỏ thịt nặng trung bình 2,5 kg, còn lại là thỏ giống.
Trại nuôi thỏ |
Năm 2008, lúc mới ra quân, Đạt xin vào làm công nhân nông trường cao su theo nghề của cha. Sau vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, cha bệnh chết chỉ còn lại hai mẹ con, Đạt về nhà lo kinh tế gia đình. Anh chọn nghề nuôi thỏ vì thấy thỏ sinh trưởng nhanh, vốn đầu tư ít. Thời gian đó có một ông tên Tuyến quê ở Long An, có cơ sở chăn nuôi thỏ ở thành phố HCM tìm lên Tân Châu vận động bà con nông dân nuôi thỏ thịt, điều kiện ưu đãi kèm theo là sẽ được hỗ trợ vốn và bao tiêu đầu ra. Nguyễn Phát Đạt như “buồn ngủ gặp chiếu manh”, mạnh dạn đầu tư, làm ngay một trại thỏ với 16 con thỏ cái sinh sản và 4 con thỏ đực. Đàn thỏ của Đạt phát triển khá nhanh. Nhưng đáng buồn là sau đó, ông Tuyến trả lời rằng không vay được tiền ngân hàng để hỗ trợ vốn cho nông dân, ai có thỏ thịt thì bán ông ta mua nhưng phải số lượng lớn. Bà con nuôi thỏ đành… bó tay, kể cả trại thỏ của Phát Đạt. Thỏ của anh lúc đó đã bán được, nhưng không đủ số lượng giao. Không nản lòng, anh tiếp tục đầu tư tiền của mở rộng chuồng trại, nuôi tiếp. Đến khi số lượng thỏ đáp ứng được yêu cầu của bên mua thì họ lại đưa ra cái giá thấp hơn giá hợp đồng ban đầu. Đạt tính toán, chở hàng từ Tân Châu xuống thành phố, phải chịu phí vận chuyển, độ an toàn không cao mà chỉ bán được 40.000 - 45.000 đ/kg thỏ hơi (trong khi giá bán tại Tây Ninh là 70.000 đ/kg). Nếu mua bán kiểu đó, chỉ làm giàu cho lái còn mình thì lỗ nên anh tìm lối ra khác.
Khách hàng tìm đến trại thỏ của Đạt khá nhiều, đó là những người tìm mua thỏ giống. Người thì một hai cặp, nhiều lắm là năm cặp mang về nuôi với quy mô nhỏ. Mỗi cặp thỏ giống bán chỉ với 80.000 đồng, mỗi con nặng chừng nửa ký. Bỏ công sức đi các khu vực quanh huyện Tân Châu, Đạt giới thiệu nguồn thịt thỏ của mình với các quán ăn, nhà hàng và kiếm được 3 hợp đồng bỏ mối cho ba nhà hàng. Cứ 10 ngày giao thịt (thỏ đã mổ sẵn) một lần khoảng 30 ký, giá mỗi ký 100.000 đ. Mỗi tháng giao ba đợt, Đạt cũng thu được khoảng 10 triệu đồng. Nay do số hộ nuôi nhỏ lẻ, giành bớt mối thị trường nên hàng của Đạt tiêu thụ chậm lại. Một số quán ăn tuy có nhận thịt thỏ của anh nhưng cũng thất thường.
Số vốn bỏ ra xây chuồng trại đến nay đã xấp xỉ 50 triệu đồng, đàn thỏ phát triển mạnh. Số thỏ cái sinh sản nay đã 20 con, tháng nọ gối đầu tháng kia khoảng 180 thỏ con. Việc lo ăn cho thỏ làm hai mẹ con anh Đạt mệt phờ mà không dám mướn người làm vì hàng bán không đều, lấy đâu tiền trả lương cho họ. Chỉ có phân thỏ là có người bao tiêu lâu dài, với giá bán 20.000 đ/bao nhưng mỗi tháng chỉ gom được 20 bao là hết. Trong chuồng nhà Đạt hiện còn khoảng 700 kg thỏ hơi đã đến kỳ xuất hàng, vậy mà tín hiệu đầu ra chưa thấy gì. Đạt muốn sắp tới sẽ tìm đến các nhà hàng, quán ăn ở Thị xã. Chỉ cần 1 - 2 nhà hàng nhận bao tiêu là anh yên tâm mở rộng quy mô nuôi thỏ thịt. Phân thỏ anh cũng dự tính không bán nữa mà sẽ đào ao thả cá ngay cạnh chuồng thỏ, lấy phân thỏ nuôi cá, tăng thêm thu nhập.
Làm kinh tế thời này, nếu không tính toán đầu vào, đầu ra hợp lý, dễ dẫn đến trường hợp “lúng túng” như ông chủ trại thỏ kể trên. Thế nhưng tinh thần, nghị lực vượt khó, quyết chí vươn lên làm giàu của người thanh niên trẻ ấy thật đáng trân trọng. Hy vọng anh sẽ sớm vượt qua những khó khăn, trước mắt bằng chính sự năng động và chịu khó của mình.
Related news
Do giá hồ tiêu liên tục tăng cao trong vài năm gần đây nên nông dân vùng Đông Nam bộ đã ồ ạt phát triển diện tích canh tác.
Đời sống của nông dân Hậu Giang cải thiện đáng kể nhờ nguồn thu nhập từ 35 triệu đồng - hơn 100 triệu đồng/ha mía.
Liên kết, gắn sản xuất với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn (CĐL) là đòi hỏi, hướng đi tất yếu của ngành nông nghiệp nhằm khắc phục những hạn chế và yếu kém trong sản xuất cũng như tiêu thụ nông sản. Vậy nhưng, từ mô hình đến nhân rộng vẫn còn nhiều lực cản.
Vì quá tin tưởng vào cơ sở bao tiêu, những nông dân từng gắn bó với mô hình trồng nấm bào ngư, nấm mèo tại xã Thạnh Mỹ Tây (Châu Phú - An Giang) đã phải nhận “trái đắng”. Hiện, những cơ sở bao tiêu này đã gom hết số nấm nông dân bán cho họ và... không hẹn ngày trở lại.
Theo Trung tâm Khí tượng - Thủy văn Trung ương, do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, khu vực ĐBSCL - trong đó có Bạc Liêu sẽ xảy ra tình trạng xâm nhập mặn, thiếu nước ngọt sản xuất.