Nở rộ phong trào cải tạo vườn tạp
Ông Trần Văn Lợi đặt nhiều hy vọng từ mô hình trồng cam.
Về ấp Bình Trung những ngày này, chúng tôi cứ tít mắt ngắm nhìn mảng xanh từ vườn cam của các hộ dân.
Theo lời kể của ông Hồ Văn Tạo, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Long Bình, hơn 2 năm trước, vùng đất này chỉ toàn là vườn tạp.
Do địa hình nơi đây là vùng trũng, đất phèn nên bà con ngán ngại trồng cây ăn trái, vì sẽ không đạt hiệu quả.
Trước đây, một số hộ dân trong ấp cũng có trồng quýt, nhưng do điều kiện thổ nhưỡng không thuận lợi nên thường bị sâu bệnh và cho hiệu quả kinh tế thấp.
2 năm trở lại đây, địa phương bắt đầu phát động phong trào cải tạo vườn tạp và chọn ấp Bình Trung làm thí điểm.
Có thể nói, nguồn Quỹ hỗ trợ nông dân là đòn bẩy quan trọng phát triển phong trào cải tạo vườn tạp của ấp.
Năm 2013, xã được hỗ trợ từ nguồn quỹ này với số tiền 200 triệu đồng cho 14 hộ dân ở ấp Bình Trung vay.
Ông Trần Văn Lợi, là một trong những hộ được tiếp cận nguồn vốn, cho biết: “Gia đình tôi được vay 15 triệu đồng.
Tôi đã bơm sình, đắp bờ để trồng cam xoàn.
Trên diện tích khoảng 2.000m2, tôi đã trồng được gần 500 cây cam.
Gia đình tôi đặt nhiều hy vọng vào vườn cam này.
Khoảng 2 năm tới, cam sẽ cho thu nhập ổn định”.
Vườn cam của ông Lợi đã được 1 năm tuổi.
Thông thường, phải mất thời gian khoảng 3 năm thì cây cam mới có thể thu hoạch.
Trong khoảng thời gian này, gia đình ông đưa đò để lo cuộc sống.
Cũng từ khi có được nguồn Quỹ hỗ trợ nông dân, Hội Nông dân xã đã thành lập CLB cải tạo vườn tạp ở ấp, đến nay có 20 thành viên.
Ông Nguyễn Thu Hồ, Phó Chủ nhiệm CLB cải tạo vườn tạp, cho biết: “CLB thường xuyên tổ chức sinh hoạt để trao đổi kinh nghiệm trồng trọt và làm cầu nối để các thành viên tiếp cận với sự hỗ trợ kỹ thuật từ cấp trên.
Nhiều nông dân ở ấp đã được tham gia lớp tập huấn hướng dẫn trồng cây có múi.
Nhờ vậy, bà con đã có kiến thức để chăm sóc vườn cây của mình, giảm thiểu rủi ro dịch bệnh trên cây trồng, nên bà con càng an tâm đầu tư cải tạo vườn tạp”.
Tuy nguồn vốn hỗ trợ với mỗi hộ dân còn ít ỏi, nhưng đó là “chất xúc tác” quan trọng để thúc đẩy bà con xắn tay vào xây dựng mô hình kinh tế gia đình.
Mới đầu, chỉ ít người đầu tư cải tạo vườn tạp.
Sau đó, người này thấy người kia làm hiệu quả nên cũng làm theo.
Thế mà giờ thành phong trào của cả ấp.
Hiện tại, ông Hồ đã cải tạo khoảng 8.000m2 đất vườn của mình để trồng cam xoàn.
Trong đó, có khoảng 3.000m2 đã cho thu hoạch 2 năm.
Chỉ riêng năm nay, gia đình ông đã thu được vài chục triệu đồng từ cây cam xoàn.
Ông Nguyễn Hồng Sáng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Long Bình, khẳng định: “Hầu hết hội viên nông dân ấp Bình Trung đã tham gia phong trào cải tạo vườn tạp.
Không chỉ được vay vốn từ Quỹ hỗ trợ nông dân mà người dân ở đây còn được tạo điều kiện tiếp cận với nguồn vốn vay ngân hàng.
Những năm qua, địa phương đã được các công ty, Trường Đại học Cần Thơ, Trung tâm Thông tin và Ứng dụng khoa học công nghệ của tỉnh hỗ trợ kỹ thuật.
Nhà vườn được hỗ trợ tập huấn sử dụng nấm tím để phòng bệnh rệp sáp và rầy chổng cánh, hướng dẫn tăng cường sử dụng phân sinh học để giảm thiểu ô nhiễm môi trường”.
Phong trào này cũng đã được Hội Nông dân xã nhân rộng sang ấp Bình Lợi.
Tuy nhiên, vấn đề khiến địa phương băn khoăn là cây trồng chưa có đầu ra ổn định và giá cả bấp bênh.
Ông Hồ Văn Tạo, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Long Bình, cho biết thêm: “Các hộ dân cải tạo vườn tạp đã được vay vốn trên 500 triệu đồng.
Cả ấp có 22ha vườn tạp được cải tạo trồng cây có múi.
Địa phương sẽ tiếp tục vận động các hộ dân còn lại cải tạo vườn tạp để tăng hiệu quả kinh tế.
Song, vấn đề đê bao để chống úng cho cây ăn trái vào mùa nước nổi đang là nỗi trăn trở của bà con.
Mặt lộ ở ấp Bình Trung còn thấp, chưa đảm bảo đê bao cho vùng cây ăn trái mùa nước nổi”.
Việc đầu tư xây dựng tuyến lộ ở ấp không chỉ có ý nghĩa lưu thông qua lại mà còn đóng vai trò là đê bao giúp người dân chủ động được lượng nước.
Địa phương mong sớm được hỗ trợ xây dựng tuyến lộ này để bà con có thể bám trụ với mô hình trồng cây ăn trái và có thu nhập ổn định hơn, phát triển kinh tế hộ gia đình và bộ mặt của xã.
Related news
Nghề chăn nuôi thú rừng ở xã Tam Lãnh (Phú Ninh) đến nay đã phát triển khá mạnh, quy mô về con giống. Mô hình nuôi kết hợp giữa chồn hương và chim công hiệu quả
Sau nhiều lần thất bại tưởng không thể vực dậy, sau 9 năm, anh Hoàng Quang Đông (Hưng Yên) kiếm được 3 tỷ mỗi năm nhờ nông sản quê hương.
Chỉ với sự tự học, không có bất kỳ trợ giúp chuyên môn nào nhưng ông Nguyễn Văn Thuần đã nghiên cứu, cho sinh sản nhân tạo thành công nhiều giống thủy sản quý.
Mô hình trồng nhãn Idor của ông Nguyễn Văn Phúc (SN 1957) ở ấp Vàm Lịch, xã Chánh An, huyện Mang Thít (Vĩnh Long) cho thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm.
Với 1.000m2 đất ươm trồng, mỗi năm vườn nho giống, nho cảnh của ông Nguyễn Trường Lang (phường Mỹ Hải - Ninh Thuận) cho thu nhập lên đến vài tỷ đồng