Nở rộ nhiều tỷ phú hoa ở Hà Nội
Nở rộ nhiều tỷ phú
Xuất phát điểm từ một gia đình nông dân nghèo, bản thân anh Bùi Tuấn Hải ở thôn Tháp Thượng, xã Song Phượng, huyện Đan Phượng (Hà Nội) phải tha phương làm thuê khắp nơi. Sau nhiều năm làm vất vả vẫn không thoát khỏi nghèo đói, năm 2010 nhờ mai mối từ một người bạn ở Đà Lạt, anh Hải quyết định đầu tư thuê đất ở địa phương để trồng hoa ly.
Trong quá trình trồng, anh Hải liên tục bắt xe vào Đà Lạt để học kỹ thuật và kinh nghiệm trồng. Có kiến thức, ngay vụ đầu trồng, anh Hải đã Thắng lớn hàng trăm triệu đồng. Tiếp đà thắng lợi, năm 2012, anh Hải mạnh dạn đầu tư thuê thêm 3 mẫu đất, tổng diện tích đất trồng hoa ly của anh lên đến trên 5 mẫu. “Từ năm 2012 đến nay, mỗi năm duy trì khoảng trên 5 mẫu hoa, thị trường đầu ra cũng dễ nên mỗi năm gia đình tôi đều thu lãi hàng tỷ đồng từ hoa ly” – anh Hải chia sẻ.
Không chơi hoa ly, ông Nguyễn Đỗ Thế Cường ở xã Hương Ngải, huyện Thạch Thất (Hà Nội) lại được biết đến là một tỷ phú hoa lan rừng. Trò chuyện với chúng tôi, ông Cường bảo: “Nhiều người nghe nói tôi ở thành phố mà trồng được hàng trăm loại lan rừng quanh năm xanh tốt, ra hoa đúng vụ, họ nói không tin nhưng khi đến thăm vườn mới thấy bất ngờ đấy”.
Trong thời gian tới, đặc biệt là trong giai đoạn 2016-2020, Hà Nội sẽ tiếp tục đầu tư mở rộng sản xuất, dự kiến đến năm 2020 sẽ phát triển 3.500ha hoa, cây cảnh tập trung các loại, trong đó, diện tích hoa khoảng 2.300ha, cây cảnh đạt 1.200ha...
ThS Vũ Thị Hương - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội
Đến thăm vườn lan rừng trị giá tiền tỷ của ông Cường, chúng tôi mới thấy được cách trồng lan bài bản của ông, các giò lan được treo thành hàng lối đều tăm tắp, mái được che bằng lưới cước cẩn thận.
“Mình trước đây cũng chơi nhiều loại lan rừng, nhưng từ đầu năm 2010 đến nay được Trung tâm Khuyến nông Hà Nội hỗ trợ mình đã chuyển ra ngoài đất bãi xây dựng thành trang trại làm bài bản hơn, nên thu nhập cũng tốt hơn”.
Ông Nguyễn Tuấn Anh – Chủ tịch UBND xã Thượng Mỗ, huyện Đan Phượng cho biết: “Nghề trồng hoa ở Thượng Mỗ phát triển mạnh trong mấy năm trở lại đây, nếu tính các hộ có thu nhập từ hàng trăm triệu đồng đến hàng tỷ đồng thì có đến hàng chục hộ, trong đó chủ yếu là các hộ trồng hoa ly chất lượng cao”.
Còn nhiều hạn chế
Theo ThS Vũ Thị Hương - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội, cũng như ở Việt Nam, nghề sản xuất hoa, cây cảnh ở Hà Nội có từ lâu đời. Tuy nhiên, nó cũng chỉ được coi là một ngành kinh tế và có giá trị hàng hoá từ những năm 1980.
Theo thống kê, diện tích canh tác hoa, cây cảnh của Hà Nội năm 2005 khoảng 610ha, đến năm 2014 đã tăng lên 2.650ha (tăng hơn 4 lần), trong đó có 68,9% diện tích phân bổ ở 42 vùng tập trung (mỗi vùng có quy mô trên 20ha) tại 18 xã của 5 quận, huyện (Nam, Bắc Từ Liêm: 631,5ha; Mê Linh: 464,5ha; Tây Hồ: 212,5ha; Đan Phượng: 104,1ha và Thường Tín: 130,8ha). Còn lại là các diện tích trồng phân tán tại các xã, phường, sản xuất nhỏ lẻ, một số mới được chuyển đổi từ diện tích các cây trồng kém hiệu quả hoặc sản xuất 1 vụ trong năm.
Theo bà Hương, giá trị thu nhập trung bình 1ha hoa, cây cảnh ở Hà Nội năm 1995 là 86 triệu đồng/ha/năm, đến năm 2014 đã lên đến 360 triệu đồng/ha/năm. Đặc biệt, trong những năm gần đây, một số giống hoa cây cảnh mới, cao cấp đã dần dần được chú trọng và đang có xu hướng tăng dần về số lượng và giá trị.
Tuy nhiên, bà Hương cho rằng, thực tế vẫn còn tình trạng chất lượng hoa không đồng đều ở các vùng sản xuất. Chất lượng hoa cắt cành còn thấp, tỷ lệ hoa đạt tiêu chuẩn loại 1 chỉ từ 20 - 50%, có sự chênh lệch rõ rệt giữa các vùng hoa, cây cảnh truyền thống và các vùng mới được mở rộng.
Hiện nay, việc ứng dụng công nghệ trong sản xuất hoa, cây cảnh đã được chú trọng nhưng chưa nhiều. Về giống hoa, Hà Nội chưa có hệ thống cung ứng giống hoa chất lượng cao. Những giống hoa đang trồng (hồng, cúc, thược dược) chủ yếu dựa vào kinh nghiệm và phương pháp nhân giống truyền thống (gieo từ hạt, trồng từ củ, mầm, nhánh). Các phương pháp này dễ ứng dụng, giá thành cây giống thấp nhưng chất lượng giống không cao, dễ bị thoái hóa, làm giảm chất lượng hoa. Vì vậy, Hà Nội thiếu giống hoa đẹp, chất lượng cao. Các giống hoa cao cấp thường nhập từ Trung Quốc, số lượng chỉ đáp ứng khoảng 30% nhu cầu.
Diện tích trồng hoa đại trà (khoảng 80%) chưa thực hiện đúng quy trình kỹ thuật về trồng, chăm sóc hoa và lúng túng khi gặp thời tiết bất thuận, chưa điều khiển cho nở hoa đúng vào thời điểm có nhu cầu tiêu dùng hoa tăng cao. Các vùng trồng hoa, cây cảnh tập trung chưa đầu tư đồng bộ về cơ sở hạ tầng (nhà lưới, nhà kính, hệ thống tưới hiện đại). “Hiện tại, các xã, huyện của Hà Nội có 39,5ha nhà lưới, nhà nylon xây dựng trong những mô hình diện hẹp, nhỏ lẻ tại một số vùng hoa chuyên canh (như quận Bắc Từ Liêm, Hoàng Mai, Mê Linh, Đan Phượng). Chưa ứng dụng các kỹ thuật hiện đại trong sơ chế, bảo quản hoa. Chủ yếu sơ chế đơn giản, đã ảnh hưởng tới chất lượng và thời gian sử dụng hoa” – bà Hương khẳng định.
Theo bà Hương, việc xây dựng mô hình chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật còn hạn chế, chỉ đáp ứng từ 1 - 2% nhu cầu sản xuất. Từ năm 2008 đến nay, mới chỉ có 3 dự án đầu tư sản xuất hoa, cây cảnh đã và đang triển khai thực hiện nhưng dự án quy mô nhỏ lẻ, có dự án đầu tư công nghệ cao thì gặp nhiều khó khăn nên chưa đi vào hoạt động.
Hiện nay, tại nhiều vùng chuyên canh hoa của Hà Nội xuất hiện nhiều mô hình cho thu nhập cao, đặc biệt là hoa ly, lan và cây cảnh chất lượng cao (thường có quy mô nhỏ từ 500 - 2.000m2), đạt thu nhập từ 120 - 500 triệu đồng/mô hình/năm. Tuy nhiên cũng có những diện tích không đạt hiệu quả kinh tế do người sản xuất không nắm được kỹ thuật, thiếu thông tin về thị trường và gặp bất thuận về thời tiết.
Related news
Không những được biết đến là một ND có nhiều năm tâm huyết sản xuất lúa giống, ông Từ Bá Đạt - hội viên Hội ND ấp Mỹ Bình, xã Thạnh Mỹ Tây, huyện Châu Phú (An Giang) còn được người dân trong vùng mệnh danh là “vua giống nếp”. Bởi ông là người đầu tiên ở Đồng bằng sông Cửu Long lai tạo thành công giống nếp thơm đặc sản.
Xuất ngũ về quê với thương tật ¾, bệnh tật, ốm yếu, nhưng ông Đoàn Trung Ngọc (xã Hưng Thịnh, huyện Trảng Bom, Đồng Nai) không chỉ nỗ lực và biết cách làm giàu cho chính mình mà còn giúp nhiều hộ cùng vươn lên khá giả.
Để xuất khẩu trái cây ra nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là thị trường khó tính, nhiều nông dân ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã “hợp tung” (liên kết) thành hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác (THT) sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn.