Nỗ lực vượt khó
Nhờ vậy nhiều hộ gia đình làm giàu từ mô hình này.
Tuy nhiên, đợt mưa lụt lịch sử cuối tháng 7 vừa qua, xã Bản Sen đã gánh chịu nhiều thiệt hại.
Đặc biệt là toàn bộ diện tích nuôi trồng thuỷ sản (NTTS) của hàng chục hộ dân trên địa bàn gần như mất trắng.
Hiện tại, chính quyền địa phương và nhân dân Bản Sen đang nỗ lực vượt qua khó khăn để sớm khôi phục sản xuất và vực dậy thế mạnh NTTS của xã đảo này.
Thời điểm này, các hộ NTTS ở xã Bản Sen đang tích cực thu toàn bộ dây hàu, vớt vát lượng hàu thương phẩm còn lại và chuẩn bị xuống giống vụ mới.
Đối với những người dân NTTS ở Bản Sen, đây là vụ NTTS không vui đối với họ bởi đợt mưa lụt tháng 7 vừa qua đã khiến gần như toàn bộ diện tích nuôi trồng của họ bị mất trắng.
Anh Phạm Văn Tuyển, thôn Nà Sắn cho biết: “Gia đình tôi có 120 bè nuôi hàu, ngoài ra còn có một phần diện tích để thả nuôi tu hài và ngao.
Đợt mưa lụt vừa qua, gia đình tôi mất trắng toàn bộ tu hài và ngao còn các bè nuôi hàu thì tỷ lệ hàu thương phẩm thu được lúc này chỉ đạt 10%, thiệt hại ước tính khoảng 600 triệu đồng.
Do đó việc thu hoạch hàu bây giờ chỉ là vớt vát được chút nào hay chút ấy, chủ yếu là để giải phóng dây hàu cũ chuẩn bị treo giống vụ mới”.
Tương tự hộ gia đình anh Tuyển, 80 lồng bè nuôi hàu của gia đình ông Phạm Văn Vời thôn Nà Sắn cũng gần như mất trắng.
Hiện gia đình ông đã thu hoạch xong toàn bộ dây hà cũ và chuẩn bị cho vụ mới.
Ông Vời chia sẻ: “Mặc dù thiên tai làm mất trắng vụ hàu vừa rồi nhưng chúng tôi vẫn tiếp tục đầu tư 400 triệu đồng với 4,8 vạn dây hàu cho vụ nuôi mới.
Đầu tư để duy trì nghề NTTS đã phát triển được hơn chục năm.
Đây cũng là nghề mà chúng tôi xác định là hướng phát triển kinh tế lâu dài, ổn định và có thể vươn lên làm giàu được”.
Theo ông Vời, trung bình mỗi bè NTTS cần khoảng 13 triệu đồng đầu tư cơ sở vật chất và con giống, nếu được mùa, sau khi trừ mọi chi phí có thể thu về 7 - 8 triệu đồng/bè.
Đây là nguồn thu nhập tốt hơn gấp nhiều lần so với đi biển và trồng lúa.
Hiện toàn xã đã có hơn 60 hộ dân NTTS nước mặn với trên 500 lồng bè, trong đó hộ nhiều nhất có trên 100 bè nuôi các loài nhuyễn thể, như hàu, ngao, tu hài và một số lồng bè nuôi cá.
Để tạo điều kiện cho lĩnh vực NTTS ở Bản Sen phát triển, những năm qua, huyện Vân Đồn đã hỗ trợ người dân tiếp cận được nguồn vốn vay ngân hàng phục vụ phát triển sản xuất.
Cùng với đó, quan tâm mở nhiều lớp tập huấn cho nhân dân về NTTS.
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Lê Hồng Phương, Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch UBND xã Bản Sen, cho biết: “Bản Sen là xã đảo có tiềm năng NTTS rất lớn với diện tích mặt nước phục vụ NTTS lên tới hàng ngàn ha, tập trung chủ yếu ở thôn Nà Sắn và khu vực Đá Hoi.
Giai đoạn 2010 - 2015, bình quân mỗi năm sản lượng NTTS của xã đạt từ 500 - 700 tấn.
Nhờ giá trị kinh tế cao, NTTS đã góp phần cải thiện rõ rệt đời sống người dân xã đảo, tạo sức bật để nâng mức thu nhập bình quân đầu người của xã từ 4 triệu đồng/người (năm 2010) lên trên 18 triệu đồng/người/năm như hiện nay.
Trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2015 - 2020 và chương trình hành động của UBND xã trong 5 năm tới, lĩnh vực NTTS tiếp tục được xã Bản Sen xác định là một trong những hướng phát triển kinh tế mũi nhọn”.
Cũng theo đồng chí Bí thư Đảng uỷ kiêm Chủ tịch UBND xã Bản Sen, mặc dù là nghề mang lại thu nhập cao song NTTS phụ thuộc nhiều vào yếu tố thiên tai, dịch bệnh, thị trường…
Đặc biệt là từ năm 2010 đến nay, nghề NTTS của bà con Bản Sen bị ảnh hưởng rất lớn bởi nhiều thiên tai, dịch bệnh, mới đây nhất là thiệt hại nặng nề do mưa lụt kéo dài khiến nhiều hộ mất trắng, tổng thiệt hại lên tới hàng chục tỷ đồng.
Theo thống kê của UBND xã Bản Sen, đợt mưa lụt vừa qua đã làm thiệt hại trên 520 vạn giống tu hài, gần 77.500 lồng nuôi tu hài; 50 vạn hàu giống, 44 bè nuôi hàu; 87 vạn ngao, 45.500 lồng nuôi ngao.
Đứng trước những rủi ro, thiệt hại do thiên tai gây ra, UBND xã đã chỉ đạo nhân dân trên địa bàn tạm ngừng việc thả nuôi loài nhuyễn thể hai mảnh vỏ có giá trị kinh tế lớn như tu hài để tránh rủi ro, thiệt hại lớn cho đến khi môi trường nuôi ổn định trở lại.
Đồng thời chủ động thu hoạch các loại hải sản hàu, ngao, cá, ốc… đã thành thương phẩm để chuẩn bị xuống giống vụ mới.
Cùng với đó, chính quyền địa phương cũng đã xác minh, rà soát, hoàn thiện hồ sơ của các hộ NTTS bị thiệt hại do mưa lụt tháng 7-2015.
Đó là cơ sở để người dân được xem xét hưởng chính sách hỗ trợ của Nhà nước và phần nào giúp các hộ NTTS ở Bản Sen sớm khắc phục khó khăn, khôi phục lại sản xuất.
Related news
Chi cục BVTV Hà Nội sẽ thành lập Ban điều phối hệ thống đảm bảo có sự tham gia (PGS) trong công tác SX và tiêu thụ RAT trên địa bàn thành phố.
Đó là cái “bắt tay” giữa Hà Nội và Tiền Giang, Vĩnh Long trong việc đảm bảo chất lượng, truy xuất nguồn gốc hàng hóa nông sản…
Tình hình diễn biến thời tiết khí hậu năm nay nắng nóng khô hạn phức tạp nên rất thuận lợi cho sâu bệnh hại lúa giai đoạn mạ, nhất là bọ trĩ sẽ gây hại nặng trên các trà lúa.
Cây sắn (Manihot esculenta Crantz) là cây lấy củ được du nhập vào nước ta từ đầu thế kỷ 19. Sắn là cây lương thực chính của cư dân nhiều vùng, nhất là các vùng đồi núi.
Từ khi dự án Hỗ trợ nông nghiệp các bon thấp (LCASP) được triển khai về xã Tân Dĩnh (huyện Lạng Giang, Bắc Giang) đã có khoảng 350 hộ gia đình xây, lắp công trình khí sinh học, môi trường sống được đảm bảo.