Home / Tin tức / Mô hình kinh tế

Niềm Vui Japonica Trên Mường Quế

Niềm Vui Japonica Trên Mường Quế
Publish date: Thursday. November 20th, 2014

Những ngày này, khắp vùng Mường Nọc, Châu Kim, Tiền Phong, Tri Lễ... của huyện Quế Phong (Nghệ An), hầu như nhà nào cũng thơm lừng cơm gạo mới. Tiếng đồn về hương vị thơm ngon của thứ gạo chịu lạnh, chịu hạn đã đến với cả những vùng miền xa nhất trong huyện, làm cho nhà nhà đều muốn tìm mua để nấu nồi cơm mới mừng thành quả vụ mùa bằng thứ sản vật thơm ngon sớm “bén đất, mến người”.

Và chúng tôi, đặt chân đến vùng đất nổi tiếng từ xa xưa bởi hương quế, lại được đắm mình trong câu chuyện về một sản vật mới đang làm cho cán bộ và bà con dân bản ở đây vô cùng phấn chấn…

“Ngày trước, bản ta tổ chức uống rượu cần đến mấy vò, mấy chum cũng không đủ. Mấy năm gần đây chỉ một cái vò năm hào (vò nhỏ) mà cả bản uống mãi không nhạt. Có chi mô, ở nhà kiếm không ra tiền nên họ đi làm thuê hết. Nhưng mà năm nay có giống lúa mới, người già phải gọi họ về để làm thôi. Trồng cây lúa mới gạo nhiều, gạo ngon, bán đắt tiền, lễ “làm páng” (cúng mừng cơm mới) năm nay ta lại phải uống rượu vò chum rồi...” - ông Lương Văn Trung, Trưởng bản Chổi, xã Châu Kim (Quế Phong) hồ hởi nói.

Không còn tiếng cồng, tiếng chiêng theo tục lệ cũ trong lễ cúng cơm mới, nhưng bữa cơm mới cúng tổ tiên trời đất của vụ mùa năm nay lại rộn rã tiếng nói, tiếng cười, bản làng lại í ới mời gọi nhau hẹn hò những bữa liên hoan gần gũi, thân mật. Không khí ấy có được nhờ đất “mường Quế” có thêm một sản phẩm mới không chỉ góp phần nâng cao đời sống kinh tế, mà còn tác động đến phong tục, tập quán, hứa hẹn tạo nên những chuyển động âm thầm mà mãnh liệt trong đời sống miền rẻo cao này, sản vật đó là thứ gạo mới có tên gọi Japonica…

Trên cánh đồng vùng Mường Nọc, nhìn những khóm lúa vàng mẩy hạt dày bông, ánh mắt chị Kim Thị Hậu đong đầy niềm vui mùa vụ. Chị Hậu còn vui hơn khi thấy quyết định trở về quê của mình hoàn toàn đúng. Làm ăn khó, nghe lời người ta rủ rê, chị đã cùng chồng là anh Lô Văn Đức (Châu Kim) đi sang Quảng Tây (Trung Quốc) theo diện “xuất khẩu chui” để tìm việc làm. Từ tháng 1 đến tháng 5 năm nay, nơi đất khách quê người, kiếm được đồng tiền đâu sung sướng gì.

Tiếng không biết, giấy tờ không có, sướng khổ, sống chết phó mặc vào tay chủ. Nhận được tin người nhà điện báo vụ mùa này cả vùng Mường Nọc trồng giống lúa mới cần bận rộn đầu tư công sức, áp dụng nhiều tiến bộ kỹ thuật để cho năng suất và hiệu quả cao, phải có người trẻ về làm.

Thế là từ tháng 6, chị trở về cùng với dân bản xuống đồng làm vụ mùa với giống lúa mới Japonica. Nay đến vụ thu hoạch, lúa tuốt bán ngay dưới chân ruộng cũng được 10.000 đồng – 12.000 đồng/kg, năng suất không thua kém các loại lúa lai, lúa thuần khác, trong khi các loại lúa lai, lúa thuần khác giá bán chỉ 6.000 đồng/kg lúa khô mà cứ khó bán.

Nhà chị Hậu trồng được hơn 3 sào, tiền mua giống và phân bón được Nhà nước hỗ trợ, chỉ bỏ công sức, mà được thu gần 11 triệu đồng. Cùng với chăn nuôi, trồng hoa màu, con đường sinh nhai của nhà chị Hậu thế là đã rõ hướng.

Chị cho biết đã gọi cho chồng là anh Lô Văn Đức đi làm ăn xa trở về để mùa sau nhận trồng lúa giống mới nhiều hơn, chăm sóc cho tốt hơn. Được biết trong bản còn 2 người khác cũng đi lao động “chui” ở Trung Quốc cũng vừa được gia đình vận động trở về chuẩn bị làm vụ đông xuân!

Ông Nguyễn Cảnh Dật, cán bộ phòng Nông nghiệp UBND huyện Quế Phong, cho chúng tôi biết: Giống lúa Japonica sau 3 năm từng bước thử nghiệm thành công, vụ mùa 2014 phát triển rộng ra diện tích 100 ha trồng tập trung ở Mường Nọc, Châu Kim, Tiền Phong, Tri Lễ và rải rác ở một số xã khác.

Điểm đáng chú ý là vụ mùa này tuy thời tiết không thuận bằng vụ đông xuân, nhưng cả 100 ha này đều được mùa, cho năng suất bình quân 60 tạ/ha. Và những ngày này, các hợp tác xã đang rất vất vả trong khâu thu mua vì tư thương lên mua tại ruộng rất nhiều. Chưa bao giờ có hiện tượng lạ như vậy đối với hạt lúa mới vụ mùa như năm nay, tại chân ruộng thì nguồn cung đã không đủ cầu!

Trao đổi với chúng tôi, ông Lô Hùng Cường – Phó trưởng phòng Công Thương huyện Quế Phong cho rằng, câu chuyện về giống gạo Japonica với đất Quế Phong chẳng khác gì “chuyện cổ tích giữa ban ngày”. Ông Cường tâm sự: Lâu nay chúng ta đã tìm rất nhiều con đường thoát nghèo cho miền núi, làm sao vừa làm giàu về kinh tế, vừa giữ được bản sắc, vừa lưu giữ và phát triển các phong tục, tập quán, và đã có rất nhiều giống cây trồng đã được đưa vào, vận động được người dân sản xuất, nhưng đến khi giống mới có sản lượng, chất lượng tốt, vẫn rất khó bán, giá thấp, tư thương ép giá, thu hoạch về chất đống, cán bộ khó ăn nói với người dân.

Những bài học về bước đi lận đận của cây mận Tam Hoa, cây mía, hay sản phẩm thổ cẩm của một số nơi khác vẫn còn nhãn tiền.

Còn với giống lúa Japonica thì triển vọng đầy hứa hẹn, bởi ai mà chả ăn cơm hàng ngày, và ai chẳng muốn ăn cơm ngon. Tự tin sau 3 năm thực nghiệm và phát triển giống lúa trên diện rộng, khẳng định chất lượng gạo thơm ngon, tại Hội chợ triển lãm Nông nghiệp và Thương mại Nghệ An 2014 tổ chức tại TP Vinh từ 19 - 26/6, Quế Phong đã đưa gạo Japonica đi “trình làng” với tư cách là một sản phẩm nông nghiệp thương mại mới của địa phương.

Ông Cường nhớ lại: “Tại hội chợ, khi thấy khách hàng vào mua gạo, ngày hôm sau họ trở lại khen nức nở và tìm hỏi mua để ăn hàng ngày. Những người đi trong đoàn đã đùa nhau, “Japonica” không còn là cô gái đẹp chỉ quanh quẩn ở miền núi nữa, bây giờ có thể “lấy chồng xa” được rồi!”.

Lần tìm nguồn gốc sản vật mới này, chúng tôi biết giống lúa Japonica được đem về thử nghiệm ở Quế Phong từ năm 2011. Trăn trở với vùng đồng đất còn chưa khai thác hiệu quả, lãnh đạo chủ trì huyện Quế Phong lúc đó là các ông Trần Quốc Thành – Bí thư Huyện uỷ, Lữ Đình Thi – Chủ tịch UBND huyện đã chia sẻ trăn trở với GS.TS Đỗ Năng Vịnh - Phó viện trưởng Viện Di truyền nông nghiệp. Sau một quá trình tìm hiểu, nhà khoa học này đã hỗ trợ huyện Quế Phong 200 kg giống lúa Japonica cùng với quy trình kỹ thuật riêng.

Đây là giống lúa thuần của Viện Di truyền nông nghiệp, được nghiên cứu và tạo ra dựa trên nguồn gốc giống lúa được sử dụng chủ yếu ở Nhật Bản vì có hình thức hạt gạo đẹp, chất lượng gạo thơm ngon, giàu dinh dưỡng. Khi nghe thuyết trình về hai đặc tính trội của giống lúa này là chịu hạn và chịu lạnh, các vị lãnh đạo huyện mừng như “vớ được vàng”, vì Quế Phong là huyện vùng cao, thường gặp hạn, mùa lạnh có vùng xuống đến 10 - 120C.

Ông Lữ Đình Thi (nay là Bí thư Huyện ủy Quế Phong) rất “mặn chuyện” với chúng tôi khi nói về “cái thuở ban đầu” đưa giống lúa mới về huyện. Năm 2011, đưa về 200 kg giống giao cho 3 hộ dân ở Tri Lễ gieo trồng trên diện tích 2.000m2, thì chỉ có 2 hộ thành công, còn 1 hộ sai quy trình nên thất bại.

Năm đó, vào ngày thu hoạch, huyện tổ chức hội nghị đầu bờ đánh giá về hướng đi của cây lúa Japonica cho tất cả các chủ tịch, phó chủ tịch xã, thị trong huyện. Dù qua rét đậm, rét hại, lại có khô hạn, nhiều giống lúa lai, lúa thuần khác tại đây sản lượng sụt giảm, nhưng cây lúa Japonica vẫn cho năng suất quân bình 60 tạ/ha. Thật quá bất ngờ! Đến trưa, huyện tổ chức ăn cơm mới cho toàn bộ cán bộ dự hội nghị, thì mùi thơm ngon của gạo mới đã “chinh phục” tất cả.

Ông Thi nói, lúc đó vấn đề đặt ra là muốn nhân rộng thì phải đáp ứng được các khâu kỹ thuật. Điểm mấu chốt khi làm giống lúa này là phải biết được phương pháp “phá ngủ nghỉ” của giống lúa chịu lạnh bằng cách ngâm giống lâu hơn.

Nếu giống thường chỉ ngâm 24 tiếng, thì giống Japonica phải ngâm 72 tiếng, trong trường hợp dùng giống liền vụ thì phải xử lý ngâm qua dung dịch chứa axit nitơric để “phá ngủ nghỉ”, có như thế hạt lúa mới mọc mầm. Sau 3 năm, từ 200 kg giống trên diện tích 2.000m2, vụ mùa 2014 đã sử dụng đến 5.000 kg giống trên diện tích 100 ha. Sự thắng lợi này còn đánh dấu một bước tiến mới của bà con dân bản trong việc áp dụng khoa học kỹ thuật để tăng năng suất trên đơn vị diện tích.

Theo nguyện vọng của bà con, huyện sẽ chỉ đạo nhân rộng giống lúa mới này, bây giờ xã nào có diện tích lúa nước người dân cũng đề nghị được hỗ trợ giống lúa Japonica rồi. Trong năm 2015 huyện sẽ chỉ đạo nhân rộng giống lúa Japonica lên khoảng 600 ha.

Lên với Quế Phong ngày mùa, hôm nào chúng tôi cũng được bà con dân bản mời về “ăn cơm mới”, “ăn cơm thăm” cùng gia đình theo tục lễ ngày mùa và đón khách lạ đến với người miền núi. Sau chén rượu và mâm cơm “làm páng” thành kính mời tổ tiên ông bà, nhà nhà quây quần đầm ấm bên nồi cơm gạo mới. Bản làng lại râm ran tiếng nói cười đoàn tụ, rộn rã tiếng chúc mừng những mùa sau tiếp tục nhân lên niềm vui mới ấy.


Related news

Có 173 Lồng Cá Nuôi Có 173 Lồng Cá Nuôi

Với diện tích nuôi thuỷ sản 130 ha, sản lượng cá nuôi cả năm đạt 348 tấn, trong đó sản lượng thu hoạch cá lồng đạt 111 tấn. Hiện, nghề nuôi thủy sản thu hút, tăng nguồn thu nhập cho hơn 140 lao động.

Saturday. December 14th, 2013
Hiệu Quả Kinh Tế Từ Nuôi Bò Chuyên Thịt Hiệu Quả Kinh Tế Từ Nuôi Bò Chuyên Thịt

Nhằm tạo điều kiện cho nông dân tăng thu nhập, phát triển kinh tế gia đình, Trung tâm Khuyến nông- Khuyến ngư tỉnh Quảng Ngãi phối hợp với Trạm Khuyến nông huyện Đức Phổ triển khai thí điểm mô hình "Nuôi bò thâm canh chuyên thịt" cho nông dân 2 xã Phổ Hòa và thị trấn Đức Phổ. Qua thời gian thực hiện, mô hình này bước đầu đã đem lại hiệu quả.

Saturday. December 14th, 2013
Khá Nhờ Nuôi Ếch Khá Nhờ Nuôi Ếch

Anh Cao Văn Phương ở xã Ninh Quang, thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa là hộ đầu tiên ở thị xã triển khai mô hình nuôi ếch đem lại lợi ích kinh tế chính đáng cho gia đình.

Monday. December 16th, 2013
Anh Khiêm Giàu Từ Trang Trại Nuôi Gà Anh Khiêm Giàu Từ Trang Trại Nuôi Gà

Từ một người nông dân lam lũ, anh Nguyễn Xuân Khiêm ở thôn Đồng Đò, xã Bình Khê (Đông Triều - Quảng Ninh) đã vươn lên làm giàu, nhờ sự tính toán năng động, đã đầu tư phát triển chăn nuôi theo mô hình trang trại mỗi năm cho thu nhập hàng trăm triệu đồng.

Monday. December 16th, 2013
Cá Chết Hàng Loạt Trên Thượng Nguồn Sông Bưởi Cá Chết Hàng Loạt Trên Thượng Nguồn Sông Bưởi

Khoảng hơn 1 tuần trở lại đây, người dân trên thượng nguồn sông Bưởi (Thanh Hóa), đã vớt được hàng tấn cá các loại chết trắng sông. Theo người dân, có thể nguyên nhân cá chết là do Nhà máy chế biến tinh bột sắn ở Hòa Bình gây ra.

Monday. December 16th, 2013