Home / Tin tức / Mô hình kinh tế

Những Mô Hình Nông Nghiệp Bền Vững

Những Mô Hình Nông Nghiệp Bền Vững
Publish date: Friday. August 15th, 2014

Có những mô hình nông nghiệp dù không cần diện tích lớn, nhưng giúp nông dân làm giàu và “ăn chắc mặc bền” qua nhiều năm.

Ổn định cuộc sống với nghề trồng hoa

Gia đình chị Bùi Thị Ánh Nguyệt, ở ấp Phương Thạnh, xã Phương Bình, huyện Phụng Hiệp, 6 năm nay ổn định cuộc sống với nghề trồng cúc vàng.

Chị Nguyệt cho biết: “Trước khi bắt tay trồng hoa, tôi phải sang tận Đồng Tháp để xem mô hình, học kinh nghiệm do người bác ruột truyền lại”. Sau khi đã tích lũy được kiến thức kha khá, chị bắt tay vào cải tạo đất, lên liếp cho 1 công đất duy nhất của gia đình.

Mỗi liếp cao 2-3 tấc, ngang 5 tấc, rồi trồng hoa trên luống để tránh ngập nước. Thời gian từ khi trồng đến khi hoa nở khoảng 4 tháng. Mỗi luống trồng được khoảng 300 bụi hoa. “Với 16 luống, nhẩm tính, trừ chi phí đầu tư và hao hụt, tôi lãi gần 10 triệu đồng/vụ” - chị Nguyệt khoe.  
Mô hình trồng hoa của chị Nguyệt cho thu nhập ổn định hàng năm.

Theo chị Nguyệt, trồng hoa này không tốn công chăm sóc nhiều, không phải tưới nước thường xuyên, chỉ cần chú ý theo dõi kỹ dấu hiệu của sâu bệnh. Chỉ cực khâu tuyển hoa (mỗi nhánh cho nhiều hoa, phải tuyển chừa lại 1-2 hoa để to, đẹp - PV). Khi thấy cây ra nụ là bắt đầu tuyển.

Vào đợt tuyển hoa, có khi cả gia đình phải thức cả đêm để làm cho kịp. Nếu để trễ, hoa nở nhiều, gây mất sức cây. Bên cạnh đó, chị sử dụng phân rơm bón kèm thường xuyên với phân hóa học để tạo độ tơi xốp cho đất, hạn chế được dịch bệnh, chi phí chăm sóc chị chia sẻ bí quyết.

Được biết, nhờ có bí quyết trồng hoa nên mặt hàng của chị được rất nhiều bạn hàng trong và ngoài huyện ưa chuộng, vì rẻ mà tươi so với hoa nhập từ thành phố Đà Lạt về. Hoa của chị chủ yếu cung cấp cho các sạp những dịp lễ, cúng rằm và Tết Nguyên đán.

“Mấy năm trước, tôi còn đi bán lẻ tại các chợ như Vị Thanh, Vị Thủy, Ngã Bảy. Vì là hàng độc quyền nên hút hàng lắm. 2 năm nay, do nhu cầu trong huyện tăng thêm, hoa không đủ cung nên tôi chỉ bán ở đây và cho khách vãng lai. Vậy mà cũng đủ lời và khỏe hơn so với đi xa. Hướng tới, tôi định mở rộng quy mô và chủng loại hoa để có thể cung cấp hàng đa dạng và quanh năm cho địa phương” - chị Nguyệt cho hay.

Trồng hành lá 1 vốn 4 lời

Ông Bùi Tấn Na, ở ấp Trầu Hôi, xã Thạnh Xuân có 1.300m2 đất trồng hành lá. Ấy vậy mà mỗi năm ông thu lãi hơn 100 triệu đồng từ đây. Đó cũng là thành quả mà ông đeo đuổi nghề trồng hành lá 5 năm qua. Thời gian trước, ông làm ruộng nhưng bỏ nghề do ít đất sản xuất, giá lúa bấp bênh. Sau khi tìm hiểu về hiệu quả của các giống rau màu, ông quyết định trồng hành lá.

Theo ông Na, trồng hành lá 1kg giống cho ra 5kg hành thương phẩm. Với diện tích đất của ông, mỗi vụ trồng 600kg hành lá, sau 1 tháng 20 ngày là thu được 3.000kg. Mới đây, gia đình vừa thu hoạch được hơn 3 tấn hành lá, bán với giá 10.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, ông còn lãi gần 25 triệu đồng.

Mỗi năm, ông trồng được 5 vụ, mỗi vụ kéo dài gần 2 tháng, chỉ nghỉ 2 tháng mùa nước nổi. Ông Na cho biết: “Vào những tháng mùa khô, trồng hành lời cao hơn. 1kg hành giống sẽ cho khoảng từ 10-12kg hành thương phẩm vì nắng nhiều, cây quang hợp mạnh, lá dày, nặng ký. Còn mùa mưa, sản lượng giảm một nửa”.

Được biết, hành lá là mặt hàng rau gia vị, sử dụng được nhiều mục đích khác nhau, như làm hương liệu cho rất nhiều món ăn, nấu canh. Ngày nay, hành còn được sấy khô vào bịch gia vị của mì gói, hủ tiếu gói… mùi của hành rất thơm. Không chỉ là “rau sạch”, hành chăm còn là một vị thuốc giúp giải cảm nên ngày càng được nhiều người tiêu dùng.

Đậu rồng trồng trên nọc cây

Tình cờ phát hiện một dây đậu trồng leo trên nọc cây cho trái nhiều hơn so với leo giàn, ông Hồ Văn Nhiều, ở ấp Thạnh Lợi A, xã Tân Phú Thạnh, huyện Châu Thành A đã quyết định thay đổi cách làm. Từ 1 công đất trồng dưa leo theo giàn, ông đã cặm nọc trồng đậu rồng thêm 2 công đất nữa.

Ông Nhiều nói: “Hồi trước, tôi trồng đậu rồng chỉ vài dây để ăn. Những lúc ăn không hết, bán ở chợ cũng có giá (10.000 đồng/kg). Nhận thấy trồng đậu rồng vừa dễ, ít sâu bệnh, không đòi hỏi công chăm sóc như trồng dưa leo. Tôi mạnh dạn trồng thử theo cách mới, chỉ cặm 1 cây nọc tre rồi tỉa hạt cho dây leo, vừa khỏe lại khỏi tốn công làm giàn”.

Ông Nhiều chọn giống đậu rồng Tứ Quý, cho trái quanh năm. Thời gian trồng từ tháng giêng âm lịch, chỉ sau 2 tháng là có thể thu hoạch kéo dài đến tết. Khi cây tàn (hết trái), ông trồng xen các loại hoa màu khác như đậu bắp, cà phổi, rau cải để kiếm thêm thu nhập. Ông chờ đến vụ sau, củ đậu rồng trong đất tiếp tục mọc rễ, đâm chồi mới, bón phân tưới nước, cây phát triển lại và cho trái.

Ông Nhiều chia sẻ: “Đậu rồng tuy dễ tính, nhưng phải biết “tẩy” của nó thì mới “có ăn”. Thứ nhất, không nên làm giàn vì giàn rộng, đậu chỉ “lo” leo, hiệu quả cho trái sẽ kém. Thứ hai, khi thu hoạch, chỉ hái trái vào trước 9 giờ sáng để cây nghỉ, không bị nắng gắt gây héo cùi. Nhờ kinh nghiệm đó mà 3 năm nay, đậu rồng luôn mang về thu nhập ổn định cho ông chủ khéo léo này.

Với 3 công đất, ông Nhiều trồng được 900 dây đậu rồng. Tổng chi phí đầu tư chỉ khoảng 3 triệu đồng/công, thu hoạch được 2 năm mới phải đầu tư lại. Bây giờ đậu rồng mới cho trái, cứ cách ngày, ông hái được khoảng 200kg đậu rồng. Vào vụ rộ, mỗi ngày ông hái trung bình được 100kg. Hiện tại, với giá bán tại nhà 10.000 đồng/kg. Nếu giá ổn định, dự kiến năm nay ông thu về gần 100 triệu đồng.


Related news

4 Nhiệm Vụ Trọng Tâm Tái Cơ Cấu Ngành Lâm Nghiệp 4 Nhiệm Vụ Trọng Tâm Tái Cơ Cấu Ngành Lâm Nghiệp

Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải - Trưởng Ban chỉ đạo Nhà nước về Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011 - 2020 tại cuộc họp lần thứ 7 của Ban Chỉ đạo.

Wednesday. October 22nd, 2014
Ban Hành Quy Chế Quản Lý Khai Thác Thủy Sản Ban Hành Quy Chế Quản Lý Khai Thác Thủy Sản

Nội dung quy định nêu rõ, đối với tàu cá hoạt động tại các vùng khai thác, tàu cá lắp máy có tổng công suất máy chính từ 90 CV trở lên khai thác thủy sản tại vùng khơi và vùng biển cả, không được khai thác thủy sản tại vùng biển ven bờ và vùng lộng.

Wednesday. October 22nd, 2014
Không Có Chuyện Cấp Phép Kiểm Dịch 40 Nghìn Tấn Mật Ong Trong 6 Năm Không Có Chuyện Cấp Phép Kiểm Dịch 40 Nghìn Tấn Mật Ong Trong 6 Năm

Tại Diễn đàn doanh nghiệp của Bộ NN-PTNT tổ chức vào ngày 15/10/2014, Hội Nuôi ong Việt Nam đã nêu những bức xúc trong việc kiểm dịch mật ong và ong mật, phải cấp giấy phép kiểm dịch cho 40 nghìn tấn mật ong với thời gian 6 năm và mỗi giấy phép chỉ có thời hạn 1 ngày.

Wednesday. October 22nd, 2014
Sản Lượng Thủy Sản Nuôi Trồng Ở Khánh Hoà Đạt 10.903 Tấn Sản Lượng Thủy Sản Nuôi Trồng Ở Khánh Hoà Đạt 10.903 Tấn

Trong khi đó, nhờ tình hình thời tiết tương đối thuận lợi, các chính sách hỗ trợ cho ngư dân được thực hiện kịp thời nên khuyến khích ngư dân vươn khơi bám biển. Từ đầu năm đến nay, sản lượng thủy sản do ngư dân trên địa bàn tỉnh khai thác đạt 72.874 tấn, tăng 3,14% so với cùng kỳ năm trước.

Wednesday. October 22nd, 2014
Thu Nhập Khá Nhờ Trồng Rau VietGAP Thu Nhập Khá Nhờ Trồng Rau VietGAP

Trước đây, gia đình ông có 6.000 m2 đất chủ yếu trồng lúa và luân canh rau màu theo thời vụ, thấy loại nào giá cao trồng ngay loại đó. Năm 2006, HTX Rau an toàn Gò Công ra đời, ông mạnh dạn tham gia vào HTX và chuyển 1.500 m2 đất lúa sang chuyên canh rau an toàn.

Thursday. October 23rd, 2014