Những lưu ý khi canh tác lúa sạ theo khóm bằng máy
Máy sạ khóm là thiết bị có dàn sạ làm bằng nhựa để chứa lúa giống, dàn sạ này nối với đầu kéo (cấu tạo giống như đầu kéo của máy cấy) trên một trục để kéo. Gieo hạt giống bằng máy, khi máy chạy thì lúa giống rơi qua những lỗ của hộp đựng giống xuống mặt ruộng thành các hàng riêng biệt song song nhau, lúa sẽ mọc lên thành cụm /khóm theo hàng.
Lợi ích khi canh tác lúa sạ theo khóm bằng máy:
- Tăng năng suất lao động trên 50% so với tập quán nông dân sử dụng công cụ sạ hàng kéo tay.
- Giảm chi phí đầu tư về giống so với sử dụng công cụ sạ hàng kéo tay 50% và giảm 2/3 chi phí giống so với sạ lan truyền thống.
- Ít sâu bệnh do đó giảm lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trên đồng, giảm thiểu ô nhiễm môi trường do ứng dụng đồng bộ gói tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất lúa giúp cây lúa sinh trưởng tốt.
- Hạn chế cây lúa bị đỗ ngã do điều kiện thời tiết bất lợi, thuận lợi cho thu hoạch bằng cơ giới.
Những lưu ý khi sạ lúa theo khóm bằng máy:
- Giống: do mật độ gieo sạ rất thấp nên tốt nhất sử dụng lúa giống từ cấp xác nhận trở lên.
- Cỏ dại, ốc bưu vàng và chuột: Quản lý tốt ngay từ đầu vụ để đảm bảo mật độ gieo sạ.
- Chuẩn bị đất: Ruộng sạ theo khóm phải đảm bảo bằng phẳng, bùn mềm và đặc biệt không bị lún nhưng cũng không bị khô. Những khu vực nhận thấy đất quá lún không nên áp dụng biện pháp sạ máy để tránh hiện tượng máy bị lún, gây khó khăn và chậm trễ việc gieo sạ cho cả cánh đồng.
- Chuẩn bị giống: Hạt giống chỉ cần ngâm nước 36 giờ, để ráo nước, sau đó ủ 12 giờ cho nứt nanh, đảm bảo mầm lúa dài 1 – 2 mm là đạt.
- Mật độ gieo sạ: từ 50 – 60 kg/ha, máy sạ sẽ định sẵn cây cách cây 14 -16 cm, hàng cách hàng 25 cm, mỗi khóm rơi 5-10 hạt lúa giống. Tuyệt đối không tăng quá nhiều lượng giống vì trong cùng 1 khóm lượng hạt lúa rơi xuống nhiều, khi đó mỗi khóm lúa sẽ có rất nhiều cây, khả năng nảy chồi của khóm sẽ giảm, từ đó sẽ tăng số chồi vô hiệu.
- Bón phân: Sử dụng phân vô cơ kết hợp phân hữu cơ, nên bón lót trước sạ phân lân và phân hữu cơ để bộ rễ cây lúa phát triển tốt ngay từ đầu vụ. Công thức phân bón khuyến cáo tính trên 1 ha (tùy theo vùng đất): 80 Kg N + 60 kg P2O + 60 kg K2O + 500 kg phân hữu cơ sinh học. Chia làm 4 lần bón như sau:
+ Bón lót: (50 -100%) lân + 100% hữu cơ sinh học.
+ Thúc đợt 1 (07-10 NSS): (0-50%) lân + 35% đạm + 20% kali.
+ Thúc đợt 2 (18-20 NSS): 35% đạm + 20% kali.
+ Thúc đợt 3 (45-48 NSS): 30% đạm + 60% kali.
- Quản lý nước: Áp dụng phương pháp tưới ngập khô xen kẽ giúp hạn chế chồi vô hiệu, tập trung dinh dưỡng nuôi chồi hữu hiệu, giúp rễ lúa phát triển tốt ăn sâu hút nhiều dinh dưỡng, lúa cứng cây, hạn chế đỗ ngã, thuận tiện cho việc thu hoạch. Nên giữ nước ngập trong ruộng ở mức 3 – 5 cm ở các thời điểm: làm đất, sau khi xử lý thuốc cỏ, bón phân, lúa làm đòng đến chín sáp. Rút cạn nước ruộng chỉ để đất đủ ẩm ở các thời điểm: lúa đẻ nhánh kín hàng, bón phân đón đòng, rút cạn nước đến khô mặt ruộng trước thu hoạch 7-10 ngày.
- Quản lý dịch hại bằng biện pháp tổng hợp (IPM):
Thường xuyên thăm đồng để theo dõi sự xuất hiện và phát triển của sâu, bệnh hại.
Hạn chế phun thuốc bảo vệ thực vật trong giai đoạn đầu 40 ngày sau khi sạ, các giai đoạn sau đó chỉ phun xịt thuốc khi thật sự cần thiết, kết hợp phòng trừ sâu bệnh bằng các biện pháp sinh thái, sinh học nhằm bảo vệ thiên địch và tiết kiệm chi phí.
Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc 4 đúng.
- Thu hoạch: để tránh làm giảm tỷ lệ gạo nguyên và tăng tỷ lệ hao hụt nên thu hoạch đúng độ chín khi có 85 – 90 % số hạt trên bông chín vàng, số còn lại đã vào chắc.
Related news
Rầy phấn trắng (còn gọi rầy cánh phấn, bọ phấn trắng), do cơ thể bao phủ một lớp phấn trắng, được ghi nhận dịch hại đầu tiên trên lúa năm 1966 tại Santaram
Vụ lúa đông xuân 2021-2022 ở ĐBSCL đang ở giai đoạn đòng trổ rất quan trọng vì ảnh hưởng lớn đến năng suất cuối vụ nên được nông dân luôn quan tâm.
Bệnh lem lép hạt lúa có thể do vi khuẩn, hoặc do nhện gié, bọ xít hôi chích hút… nhưng chủ yếu vẫn là do nhiều loại nấm gây ra.