Những lưu ý bón phân cho lúa mùa
Điểm cơ bản của vụ lúa mùa tại đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) là gieo cấy vào thời kỳ nhiệt độ cao nhất trong năm (giữa tháng 6 đầu tháng 7) và sử dụng các giống có thời gian sinh trưởng ngắn.
Vụ mùa, nhiệt độ không khí cao, dẫn đến nhiệt độ trong nước và trong đất cao, làm cho hiệu suất sử dụng phân bón thường thấp hơn vụ xuân. Do đó phải có những điều chỉnh trong bón phân để phát huy cao nhất hiệu quả sử dụng.
Đây chính là những lý do tại sao liều lượng phân bón cho lúa mùa tại ĐBSH thường thấp hơn vụ xuân khoảng 20 - 25% và hiệu suất sử dụng, nhất là phân đạm cũng thường thấp hơn vụ xuân.
Phần lớn vụ mùa đều được cấy trên nền lúa vụ xuân nên thời gian giữa hai vụ rất ngắn. Tại những vùng có vùi rơm rạ vào đất, rất cần xử lý bằng các chế phẩm vi sinh vật thúc đẩy nhanh quá trình phân hủy hữu cơ, tránh ngộ độc hữu cơ.
Khi vùi rơm ta cần tăng thêm lượng phân đạm bón khoảng 10% ngay khi bón lót để tăng nguồn thức ăn cho vi sinh vật phân giải hữu cơ, nếu không, chúng sẽ cạnh tranh với lúa khiến lúa có thể bị thiếu đạm ngay trong thời kỳ đầu. Nếu ruộng không được trả lại rơm rạ thì không cần tăng lượng đạm bón.
Bón phân chuồng cần lưu ý: Do nhiệt độ cao nên tốc độ phân hủy hữu cơ cũng nhanh hơn. Thêm vào đó, một phần phân chuồng bón từ vụ xuân không thể phân hủy hết do nhiệt độ trong suốt vụ không cao, nên quá trình phân hủy sẽ tiếp tục trong vụ mùa. Do vậy, hiệu quả bón phân chuồng cho lúa trong vụ mùa thường cao hơn vụ xuân. Nếu bón phân chuồng tươi thì tình trạng ngộ độc hữu cơ dễ xảy ra và cũng cần bón bổ sung khoảng 10% phân đạm trước khi cấy.
Lưu ý, khi bón phân chuồng từ 8 - 10 tấn/ha có thể giảm lượng kali bón khoảng 25 - 30% vì lượng kali có trong phân chuồng rất dễ cung cấp cho lúa.
Các nghiên cứu cho thấy lượng lân tồn dư trong đất thường rất cao vì trong vụ xuân lúa không hút được nhiều lân do nền nhiệt độ thấp, ảnh hưởng đến quá trình oxy hóa/khử oxy. Do vậy, bón phân lân cho lúa mùa cũng nên thấp hơn vụ xuân 30 - 50% mà không ảnh hưởng đến năng suất trên các loại đất phù sa, đất bạc màu. Trên đất phèn và đất phù sa úng trũng thì lượng phân lân chỉ nên giảm 10 - 15% so với vụ xuân.
Vụ mùa cũng lưu ý do lượng đạm mất có thể rất lớn theo các con đường khác nhau. Mưa lớn dễ làm nước tràn bờ nên cần lựa chọn thời điểm bón phân phù hợp để đạm không bị trôi theo nước mặt. Một lượng phân đạm rất lớn (có thể trên 30%) bị mất do bay hơi ở dạng NH3 khi nhiệt độ mặt nước cao, quá trình chuyển hóa đạm thành NH3 xảy ra mạnh, việc bón phân phân giải chậm và bón vùi sâu là giải pháp hiệu quả.
Do vậy, bón phân cho lúa mùa nên chia bón ít lần tùy theo điều kiện thời tiết. Tối đa cũng chỉ nên bón 3 lần là: Bón lót, bón thúc 1 (thúc đẻ), bón thúc 2 (đón đòng). Thông thường, bón lót toàn bộ phân hữu cơ, phân lân; 20% phân đạm. Tuy nhiên, nếu vào giai đoạn mưa nhiều, nhiệt độ cao có thể chỉ bón lót phân hữu cơ và phân lân. Phân đạm để bón thúc sớm. Trên đất bạc màu, đất cát biển và với lúa lai nên bón lót khoảng 20% phân kali.
Bón thúc đẻ khoảng 30 - 40% lượng phân đạm và khoảng 30% lượng phân kali. Lượng phân bón còn lại dùng để bón đón đòng. Riêng trên đất thành phần cơ giới nhẹ như đất bạc màu, đất cát biển thì cần dành một lượng 20% đạm và kali để bón nuôi đòng, do các loại đất này khả năng giữ dinh dưỡng kém, nên cây lúa dễ bị thiếu dinh dưỡng giai đoạn cuối làm tỉ lệ hạt lép, lửng tăng lên.
Tóm lại, bón phân cho lúa mùa cần lưu ý:
- Hiệu lực phân bón trong vụ mùa thường thấp hơn trong vụ xuân, giống lúa vụ mùa cũng ngắn ngày hơn, do vậy lượng bón nên thấp hơn vụ xuân: 20% với đạm, 30 - 50% với lân (trừ đất phèn và đất chua) và 20 - 25% kali (trừ đất cát biển và đất bạc màu).
Lượng bón trung bình cho lúa là 70 - 80 kg N (hay 150 - 165 kg urea/ha); 60 -65 kg P2O5 (hay 370 - 385kg supe lân/ha) và 50 - 60kg K2O (hay 90 - 100kg Kali/ha. Với lúa lai, lượng phân đạm và phân kali bón cần tăng hơn so với lúa thuần khoảng 20 - 25%.
- Tỉ lệ mất đạm trong vụ mùa cao hơn vụ xuân do rửa trôi và bay hơi NH3, do vậy rất cần sử dụng các loại phân bón chậm tan và bón phân cân đối để hạn chế. Hiện nay có phân urea bọc Agrotain (đạm vàng) hạn chế mất đạm 20 -30% đạm và các sản phẩm chuyên dùng cho lúa của Cty CP Phân bón Bình Điền rất thích cho cây lúa miền Bắc như Đầu Trâu bón lót dùng bón lót; Đầu Trâu L1 hay Đầu Trâu bón thúc bón giai đoạn cây con; Đầu Trâu L2 hay Đầu Trâu bón đòng - nuôi củ quả chuyên bón đón đòng cho lúa.
- Nếu lúa mùa được gieo cấy trên nền đất trồng cây màu vụ xuân, nhất là lạc xuân, thì trong cơ cấu này, lúa vụ mùa có thể giảm lượng đạm và lân bón thêm khoảng 5 - 10% nữa.
Related news
Lúa ĐX ở miền Bắc đang trong giai đoạn đòng - trỗ - chín sáp. Đây là giai đoạn tối ưu hóa và bảo vệ năng suất. Chúng ta cần chú ý đến một số đối tượng sâu bệnh
Để lúa mùa phát triển khoẻ, chống chịu tốt, cho năng suất lúa cao chúng tôi xin lưu ý với bà con 1 số vấn đề sau:
Với vụ mùa năng suất bị ảnh hưởng khá nhiều bởi yếu tố mưa bão và sâu bệnh, nhất là giai đoạn lúa trỗ làm cho hạt lúa bị đen, lép và giảm năng suất