Home / Cây lương thực / Trồng lúa

Phòng trừ sâu bệnh cuối vụ

Phòng trừ sâu bệnh cuối vụ
Author: Ths. Phan Anh Thế
Publish date: Wednesday. May 29th, 2019

Lúa ĐX ở miền Bắc đang trong giai đoạn đòng - trỗ - chín sáp. Đây là giai đoạn tối ưu hóa và bảo vệ năng suất. Chúng ta cần chú ý đến một số đối tượng sâu bệnh có thể bùng phát cuối vụ.

Bệnh đạo ôn cổ bông

Bệnh khô vằn

Nên phòng trừ đạo ổn cổ bông trong các điều kiện sau: Ruộng từng nhiễm đạo ôn lá, thời tiết âm u, thiếu nắng, có mưa hoặc sương mù, nhiệt độ từ 20 - 30 độ C hoặc ngày nắng nóng nhưng tối se lạnh và sáng sớm có sương mù.

Các vùng bán sơn địa, chân đất sâu trũng, cát pha, ruộng cạnh bờ sông, ruộng bón nhiều đạm. Và trên các giống nhiễm BC15, AC5, Khải phong 1…

Đối với đạo ôn cổ bông chỉ có phòng chứ không thể trừ, vì khi cổ bông đã nhiễm bệnh thì bông lúa đó không còn cho năng suất. Nên xử lý khi bông lúa chưa trỗ ra khỏi bao lá (lúc có một số bông trổ lác đác trên ruộng).

Trường hợp lúa đã trỗ hoàn toàn mà chưa phòng, thì kiểm tra lá cạnh bông nếu có vết bệnh mới thì chúng ta mới phun. Khi đã có biểu hiện bông bạc tốt nhất không nên phòng trừ nữa, vì nấm bệnh xâm nhiễm trước khi bông bạc 7 - 10 ngày.

Sử dụng các thuốc để phòng hiệu quả như Filia 525SE (0,4 - 0,5 lít/ha), Amistar Top 325SC (0,3 - 0,4 lít/ha). Lượng nước phun từ 400 - 600 lít/ha.

Bệnh vàng lá chín sớm, khô vằn, lem lép hạt

Bệnh lem lép hạt

+ Bệnh vàng lá chín sớm do nấm gây ra, bệnh gây hại mạnh nhất ở giai đoạn này. Lá bị vàng từ khoảng giữa lá đến chóp lá, ảnh hưởng lớn đến khả năng quang hợp của cây lúa.

+ Bệnh khô vằn phát sinh, phát triển mạnh nếu thời tiết nắng nóng (dưới 35 độ C), ruộng có độ ẩm cao, ngập nước. Phần gốc lúa thường nhiễm trước, sau đó lây lan lên bẹ lá, phiến lá, làm hỏng bẹ lá và cắt đứt mạch dẫn làm lá chết và gãy gục.

+ Bệnh lem lép hạt là bệnh gây ảnh hưởng năng suất rất lớn, biểu hiện ở 3 dạng là lép trắng và lép xanh xảy ra chủ yếu trong quá trình phân hóa đòng. Và lép đen chủ yếu do nấm bệnh (> 90%) gây ra giai đoạn sau trỗ - kết hạt.

Để phòng trừ các bệnh trên sử dụng một trong các thuốc: Nevo 330EC (0,3 - 0,4 lít/ha), Ridomil Gold 68WG (1 - 1,5 Kg/ha), Titl Super 300EC (0,3 - 0,4 lít/ha), Anvil 5SC (0,8 lít/ha), Score 250EC (0,4 lít/ha), Amistar Top 325SC (0,3 - 0,4 lít/ha).

Bệnh bạc lá lúa

Biểu hiện các triệu chứng như khô bạc lúa, cháy bìa lá, bệnh nặng toàn bộ lá có thể bị khô trắng. Thời kỳ mới nhiễm nếu thời tiết khô thì ít có biểu hiện bạc lá mà chỉ có biểu hiện đỏ đuôi hoặc các sọc vàng gợn sóng dọc theo gân lá.

Bệnh chỉ phòng mới có hiệu quả, còn trừ hiệu quả thấp. Phòng có thể phun Nevo 330EC từ lúc lúa làm đòng hoặc phun nước vôi trong sau mỗi lần mưa gió. Về trừ có thể sử dụng thuốc sát khuẩn Bronopol (Xantocin 40WP), thuốc kháng sinh kasugamicin (Kasumin 2SL).

Rầy nâu, rầy lưng trắng, sâu cuốn lá nhỏ, sâu đục thân

+ Trong điều kiện nhiệt độ cao, ẩm độ cao dễ có nguy cơ bùng phát rầy nâu, rầy lưng trắng và cháy rầy cuối vụ. Cần kiểm tra ruộng định kỳ 7 ngày 1 lần từ sau khi cây lúa kết thúc đẻ nhánh - chín sáp.

Chú ý ở các ruộng sâu trũng, xanh mướt, ruộng có tiền sử nhiễm rầy các vụ trước và các ruộng gieo cấy giống nhiễm. Phun phòng trừ khi mật độ rầy trên 500 con/m2.

Trong các trường hợp: Mật độ chưa đến 500 con/m2 nhưng có nhiều rầy chửa (bụng to, di chuyển chậm), hoặc có nhiều vết rách thâm nhỏ trên bẹ lá (ổ trứng rầy - mỗi ổ có 15 - 30 trứng), hoặc nhiều rầy cánh ngắn, thì bắt buộc phải phòng trừ. Vì nguy cơ bùng phát dịch cao.

Nên sử dụng các thuốc nội hấp, lưu dẫn như Actara 25WG (80 gam/ha), Chess 50WG (300 gr/ha), Alika 247ZC (0,2 - 0,4 lít/ha). Nếu sử dụng thuốc tiếp xúc khi phun phải rẽ lúa.

+ Giai đoạn này cũng có 1 lứa sâu cuốn lá nhỏ, sâu đục thân, cần chú ý diễn biến mật độ. Đây là giai đoạn cây lúa không thể mọc thêm lá, không thể đẻ thêm dảnh hữu hiệu. Nên mất đi lá nào, dảnh nào là mất đi lá đó, dảnh đó.

Đối với sâu cuốn lá có thể phun từ tuổi 1 - 3 (sau bướm rộ 4 - 12 ngày), nhưng đối với sâu đục thân thì chỉ nên phun khi sâu tuổi 1 (sau bướm rộ 6 - 10 ngày). Sang tuổi 2 sâu đã đục vào thân, lúc này phòng trừ sẽ làm tăng thêm dảnh vô hiệu. Vì khi đục vào thân sâu cắn hỏng đỉnh đòng, dảnh đó có sống cũng không còn cho bông, và con chỉ gây hại một dảnh duy nhất.


Related news

Một số biện pháp kỹ thuật đầu vụ vụ mùa Một số biện pháp kỹ thuật đầu vụ vụ mùa

Để chủ động giành vụ mùa thắng lợi trong mọi loại hình thời tiết bà con cần lưu ý một số biện pháp kỹ thuật như sau:

Tuesday. May 28th, 2019
Gieo thẳng lúa - giải pháp tăng hiệu quả trong sản xuất Gieo thẳng lúa - giải pháp tăng hiệu quả trong sản xuất

Thái Bình là một trong những tỉnh sớm nhất và đi đầu về áp dụng phương thức gieo thẳng trong gieo cấy lúa xuân.

Tuesday. May 28th, 2019
Cần chú ý một số biện pháp kỹ thuật khi chăm sóc lúa xuân Cần chú ý một số biện pháp kỹ thuật khi chăm sóc lúa xuân

Vụ đông xuân 2013-2014 là vụ sản xuất lớn trong năm, quyết định đến năng suất, sản lượng và giá trị sản xuất ngành nông nghiệp cả năm...

Wednesday. May 29th, 2019