Những hạn chế của mô hình chăn nuôi heo bằng đệm lót sinh thái
Trong thời gian qua từ người chăn nuôi đến các nhà quản lý rất quan tâm đến mô hình chăn nuôi heo bằng đệm lót sinh thái. Trên các trang báo, tạp chí hay các buổi hội thảo đều nêu lên những mặt ưu điểm, tích cực của nó như: Giảm ô nhiễm môi trường; Giảm chí phí sản xuất; Giảm dịch bệnh và chi phí phòng, điều trị bệnh; Giảm thức ăn, rút ngắn thời gian nuôi và có lượng phân hữu cơ rất lớn để cung cấp cho cây trồng.
Tóm lại: chăn nuôi heo bằng đệm lót sinh thái đang làm những nhà chăn nuôi, quản lý rất quan tâm trong điều kiện chăn nuôi hiện nay. Tuy nhiên, mọi vấn đề đều có mặt hạn chế của nó mà hầu hết trên các báo, trong hội thảo ít được quan tâm tới. Vì vậy nếu chúng ta không tìm hiểu kỹ mà khuyến cáo người chăn nuôi, hoặc người chăn nuôi thấy cái lợi trước mắt đổ xô làm theo sẽ có thể gặp những bất lợi khó lường.
Trong khuôn khổ bài viết này, tôi chỉ có thể đưa ra một số mặt hạn chế của đệm lót sinh thái để bạn đọc quan tâm cùng phân tích, tìm hiểu trước khi quyết định thực hiện.
1. Với điều kiện môi trường đệm lót thuận lợi để men (VSV) phát triển để phân hủy phân gia súc thì cũng là môi trường thuận lợi để các loại VSV khác xâm nhập (từ không khí, đất, nước và bản thân vật nuôi thải ra) sẽ phát triển như: nấm mốc, vi khuẩn và vi rút (mầm bệnh). Thời gian sử dụng đệm lót càng lâu thì các VSV tồn tại càng nhiều như ổ bệnh trong chuồng nuôi.
2. Trong khi đó việc vệ sinh tiêu độc, khử trùng và phòng bệnh không thể thực hiện do men sẽ bị tiêu diệt làm đệm lót mất tác dụng khi sử dụng hóa chất, vôi và ngay cả kháng sinh sau khi điều trị vật nuôi thải ra.
3. Do nhiệt độ, độ ẩm cao nên vật nuôi thường phải hoạt động nhiều ( ủi tìm chỗ mát, tìm nước để nằm vừa tạo điều kiện xới trộn đệm lót) làm tiêu hao nhiều năng lượng. Vì vậy nếu nói nuôi heo bằng đệm lót sinh thái giảm thức ăn, rút ngắn thời gian nuôi phải chăng đã ngược lại với khoa học “làm mát môi trường chuồng nuôi”.
4. Với điều kiện mực nước ngầm cao, kết hợp nước lũ, nếu lớp đệm lót làm âm xuống dưới mặt đất từ 40-60cm, chắc chắn nước sẽ tràn vào gây chết men và đệm lót hoàn toàn không sử dụng được.
5. Chi phí làm đệm lót từ nguyên vật liệu, nhân công bình quân cho 1 heo thịt ( DT nuôi 1,2m2 sâu 50-60cm) ở thời điểm hiện tại từ 250.000 – 300.000đồng cho lứa thứ nhất, tăng thêm 150.000đồng/con nếu nuôi lứa thứ 2 ( do phải bổ sung nguyên vật liệu và nhân công). Như vậy cứ nuôi 100 heo thịt chi phí đầu tư ban đầu làm đệm lót từ 25- 30 triệu đồng. Đây là số tiền đầu tư không nhỏ cho các hộ chăn nuôi heo hiện nay.
6. Nguồn thu bán phân: Trên cơ sở diện tích đệm lót cho 1 heo có thể tận thu được 25 bao phân ( bao thức ăn GS). Theo giá hiện nay tại Ba Tri bán 12.000đ/bao thì người chăn nuôi thu được khoảng 300.000đ/heo. Nếu trừ chi phí 3.000đ/bao gồm(vỏ bao, nhân công) thì còn thu 225.000đ/heo. So với chi phí đầu tư ban đầu người nuôi còn phải bù 75.000đ/heo. Và nếu cùng lúc có hàng ngàn hộ ở Bến Tre nuôi theo mô hình này thì giá thành trấu, nguyên vật liệu khác tăng lên dẫn đến chi phí đầu tư cũng như khoản kinh phí bù thêm sẽ không phải là những con số trên. Trong khi đó lượng phân phải ra cùng một lúc có thể lên tới hàng ngàn bao, việc tiêu thụ không kịp thời có thể sẽ là nơi tồn trữ và phát tán mầm bệnh ( nhất là thời điểm sau 2-3 năm sử dụng đệm lót sinh thái để nuôi heo).
Từ những vấn đề nêu trên, người chăn nuôi nên nghiên cứu thêm những hạn chế của nó trước khi quyết định xây dựng chuồng trại theo mô hình đệm lót sinh thái để nuôi heo.
Related news
iện nay, tình hình dịch bệnh tai xanh trong nước đang có xu hướng phát sinh trở lại.
Bệnh Tai xanh hay còn gọi là Hội chứng rối loạn hô hấp và sinh sản (PRRS: Porcine Reproductive and Respiratory Syndrome) là một bệnh truyền nhiễm
Quy trình kỹ thuật để hướng dẫn người dân thực hiện nhằm phát triển ngành chăn nuôi của tỉnh nhà góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống nông dân