Home / Tin tức / Mô hình kinh tế

Nhìn Từ Chương Trình Sản Xuất Cây Lương Thực Hàng Hóa

Nhìn Từ Chương Trình Sản Xuất Cây Lương Thực Hàng Hóa
Publish date: Thursday. October 30th, 2014

Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XV Đảng bộ tỉnh đến nay, tổng diện tích lúa, ngô hàng hóa thực hiện được trên 62 nghìn ha, sản lượng đạt trên 207 nghìn tấn, tổng giá trị thu nhập gần 420 tỷ đồng. Bên cạnh giá trị kinh tế, việc sản xuất lúa, ngô hàng hóa đã và đang tạo sự thay đổi lớn về nhận thức, hành động của cán bộ, đảng viên và người nông dân.

Tại hội nghị sơ kết sản xuất lúa, ngô hàng hóa mới đây, ông Nguyễn Đức Vinh, Giám đốc Sở NN-PTNT khẳng định: Tỉnh ta nằm trong tốp những địa phương có diện tích lúa, ngô lớn, năng suất đứng thứ 3 khu vực miền núi phía Bắc.

Tuy nhiên, ông cũng thẳng thắn nêu thực trạng sản xuất còn rất manh mún, mang nặng tư duy tự cung tự cấp, chưa hình thành tư duy hàng hóa, sản phẩm nông nghiệp chủ yếu gieo trồng theo nhu cầu tiêu dùng của gia đình, khi dư thừa mới mang ra chợ bán... nên hiệu quả kinh tế chưa cao.

Nhằm tạo chuyển biến về tư duy, nhận thức, tiến tới thay đổi phương thức gieo trồng cây lương thực, Đại hội XV Đảng bộ tỉnh xác định sản xuất lúa, ngô hàng hóa tập trung gắn chế biến là một nội dung của “4 đổi mới, 8 đột phá, 15 chương trình trọng tâm”. Đây là quyết tâm chính trị rất lớn của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc trong tỉnh, đồng thời thể hiện mong muốn, khát khao đưa sản xuất nông nghiệp tiến lên nấc thang mới.

Với định hướng được xác định rõ, ngay từ đầu nhiệm kỳ, tỉnh đã ban hành, cụ thể hóa nhiều cơ chế, chính sách làm kim chỉ nam cho quá trình thực hiện.

Trên cơ sở cơ chế, chính sách của tỉnh, các huyện, thành phố ban hành 16 phương án, 4 kế hoạch với lộ trình, thời gian thực hiện cụ thể. Chỉ trong thời gian ngắn, trên địa bàn các huyện trọng điểm sản xuất lúa, ngô hàng hóa như Vị Xuyên, Quang Bình, Bắc Quang, Xín Mần... đã hình thành nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả.

Chẳng hạn như, huyện Xín Mần sớm chủ động quy hoạch vùng nguyên liệu ngô hàng hóa với diện tích trên 1.524 ha, xây dựng mối liên kết sản xuất ngô hàng hóa giữa Công ty Cổ phần phát triển Xín Mần với nhóm hộ, hộ nông dân, bao tiêu sản phẩm với giá cao hơn bình quân thị trường từ 300-500 đồng/kg ngô hạt; xây dựng 2 vùng nguyên liệu sản xuất lúa hàng hóa gồm nếp Quảng Nguyên gắn với HTX chế biến rượu, phát triển vùng sản xuất lúa Già Dui xã Thèn Phàng gắn với Công ty TNHH Gia Long bao tiêu sản phẩm.

Tại các huyện khác như Bắc Quang, Quang Bình đã, đang gieo trồng theo mô hình cánh đồng mẫu thâm canh, thí điểm đầu tư có thu hồi để tái cơ cấu với phương châm 5 cùng - cùng giống, cùng gieo trồng, cùng chăm sóc, cùng bảo vệ, cùng thu hoạch tiêu thụ sản phẩm.

Từ sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền tỉnh, sự năng động của ngành chuyên môn, tinh thần vào cuộc hưởng ứng quyết liệt của người dân, qua 4 năm triển khai, tổng diện tích lúa hàng hóa thực hiện được trên 29 nghìn ha, sản lượng đạt gần 114 nghìn tấn, tổng giá trị thu nhập đạt gần 213 tỷ đồng.

Còn đối với cây ngô hàng hóa, tổng diện tích gieo trồng đạt trên 33,4 nghìn ha, sản lượng trên 93,4 nghìn tấn, giá trị thu nhập gần 205 tỷ đồng.

Một trong những thành công của chương trình sản xuất lúa, ngô hàng hóa chính là các huyện đã chủ động lựa chọn được bộ giống phù hợp, đã thay đổi hoàn toàn bộ giống lúa lai sang lúa thuần chất lượng cao. Đối với cây ngô, việc sử dụng các giống lai tăng mạnh, đạt gần 20% trong giai đoạn 2011-2014.

Sản xuất lúa, ngô hàng hóa từ chủ trương đến hành động cụ thể, được triển khai vào thực tiễn đời sống đã giải quyết việc làm, tạo thu nhập ổn định cho người lao động, chuyển dần từ tư duy làm ăn nhỏ lẻ, manh mún sang tập trung, quy mô lớn.

Đồng thời, góp phần thay đổi nhận thức của cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tăng giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích canh tác.

Bên cạnh những mặt tích cực, chương trình sản xuất lúa, ngô hàng hóa gắn chế biến đã bộc lộ nhiều khó khăn, đòi hỏi phải có sự đổi mới.

Chính vì vậy, tại hội nghị sơ kết nội dung này, các đại biểu nêu ý kiến, sản xuất nông nghiệp của tỉnh có nhiều cái độc đáo được hình thành từ sự khác biệt về khí hậu, thổ nhưỡng, tập quán canh tác... Người nông dân chịu thương, chịu khó canh tác theo đúng tinh thần “mùa nào thức ấy”, đều có những đặc sản từ nông nghiệp được người tiêu dùng săn đón.

Nhưng để cái độc đáo đó thực sự trở thành hàng hóa, cung cấp ổn định cho thị trường cũng còn nhiều khó khăn, chứ chưa nói gì đến những đơn đặt hàng với số lượng lớn, thời gian giao hàng chuẩn xác. Những ý kiến trên hoàn toàn có cơ sở, chính người viết cũng nhận được nhiều chia sẻ của đồng nghiệp, khi lên Hà Giang, họ rất ngạc nhiên, thích thú với các sản vật nông nghiệp và đặt mua làm quà. Những người may mắn được dùng đều đánh giá cao, nhưng khi đặt mua số lượng lớn, cung cấp ổn định thì người dân không đáp ứng được.

Ngoài ra, mặc dù đã có chương trình, kế hoạch cụ thể nhưng đến nay vẫn chưa quy hoạch được vùng sản xuất lúa, ngô hàng hóa tập trung; chưa đầu tư nguồn lực theo hướng liên kết sản xuất, mới chỉ quan tâm hỗ trợ vùng nguyên liệu nên chưa thu hút được doanh nghiệp trong việc liên doanh, liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm.

Qua tìm hiểu thực tế hoạt động gieo trồng của người nông dân cho thấy, sản xuất chủ yếu theo nhu cầu gia đình, số lượng sản phẩm lúa, ngô đưa ra thị trường, trở thành hàng hóa chưa nhiều nên công nghiệp chế biến chưa phát triển.

Từ thực tế triển khai chương trình thời gian qua, tỉnh tiếp tục chủ trương ổn định diện tích lúa hàng hóa với quy mô 8 nghìn ha trở lên, sản lượng đạt từ 35 nghìn tấn trở lên; diện tích ngô ổn định trên 12 nghìn ha, sản lượng khoảng 32 nghìn tấn. Trong đó, tập trung duy trì, phát triển giống lúa đặc sản Khẩu Mang (Đồng Văn), Già Dui (Xín Mần)... gắn liên kết “4 nhà” với diện tích từ 350-400 ha, sản lượng từ 2.000-2.400 tấn, giá trị sản phẩm đạt 35-50 tỷ đồng.

Ở khía cạnh chế biến sản phẩm nông nghiệp, việc ưu tiên nhất là hoàn thiện hệ thống điện lưới đến các thôn, bản vùng sâu, vùng xa, tạo điều kiện thuận lợi để người dân đầu tư, xây dựng các cơ sở sản xuất, chế biến lúa đặc sản; thúc đẩy hợp tác, kêu gọi đầu tư của các doanh nghiệp vào lĩnh vực chế biến sâu sản phẩm lúa, ngô.

Hy vọng những vướng mắc, hạn chế của giai đoạn đầu thực hiện chương trình sản xuất lúa, ngô hàng hóa tập trung gắp chế biến sớm được tháo gỡ, yếu tố tích cực được phát huy... để sản phẩm nông nghiệp của tỉnh thực sự có thương hiệu trên thị trường.


Related news

Đa Dạng Hoá Mô Hình Sản Xuất Đa Dạng Hoá Mô Hình Sản Xuất

Nhiều năm qua, nghề nuôi thuỷ sản truyền thống như độc canh, luân canh và gần đây là nuôi tôm quảng canh gặp khó khăn do dịch bệnh phát sinh, năng suất không cao.

Tuesday. February 25th, 2014
Đồng Bằng Sông Cửu Long Gia Tăng Sản Lượng Xuất Khẩu Rau Quả Đồng Bằng Sông Cửu Long Gia Tăng Sản Lượng Xuất Khẩu Rau Quả

Ngay từ đầu năm 2014, vùng nguyên liệu rau quả xuất khẩu lớn ĐBSCL đã bắt nhịp tăng trưởng mới, hứa hẹn nhiều triển vọng tiếp tục 1 năm xuất khẩu thuận lợi.

Tuesday. February 25th, 2014
Trúng Vụ Cá Ngừ Đại Dương Trúng Vụ Cá Ngừ Đại Dương

Từ đầu tháng 3/2014 đến nay, những chuyến đi biển của ngư dân phường 6, TP Tuy Hòa hầu hết đều trúng đậm cá ngừ đại dương.

Tuesday. March 25th, 2014
Sản Xuất Nhang Sạch Từ Lá Thông Sản Xuất Nhang Sạch Từ Lá Thông

Lâm Đồng là một trong những địa phương có diện tích rừng lớn của cả nước và trong tổng diện tích 579.669ha rừng của tỉnh hiện nay có gần 133.000ha rừng thông tự nhiên.

Tuesday. February 25th, 2014
Mùa Tôm… Mùa Tôm…

Những ngày giữa tháng Giêng, trong khi các ngành nghề khác tranh thủ vào vụ sản xuất mới thì những người nuôi tôm ở xã Tịnh Khê (Sơn Tịnh - Quảng Ngãi) bước vào vụ thu hoạch.

Tuesday. February 25th, 2014