Home / Tin tức / Mô hình kinh tế

Nhiều Cái Khó Ở HTX Nông Nghiệp

Nhiều Cái Khó Ở HTX Nông Nghiệp
Publish date: Tuesday. October 7th, 2014

Ở Hậu Giang, kinh tế tập thể đã thể hiện một phần vai trò tích cực trong cơ cấu nền kinh tế, giải quyết việc làm, giảm nghèo của địa phương. Tuy nhiên, trên thực tế cho thấy, hiện còn nhiều hợp tác xã yếu kém, rất cần những giải pháp hỗ trợ thiết thực từ ngành chức năng.

Toàn tỉnh có hơn 190 hợp tác xã (HTX), trong đó HTX nông nghiệp chiếm hơn 66% và đa phần đều đang gặp khó khăn về năng lực lẫn nguồn vốn, dẫn tới quy mô của các HTX còn nhỏ lẻ, sản phẩm làm ra tuy có chất lượng nhưng thị trường chưa mở rộng,...

Theo kế hoạch, năm 2013, Liên minh HTX tỉnh phấn đấu số HTX hoạt động loại giỏi đạt từ 25%, loại khá đạt từ 40%, giảm số lượng HTX yếu kém dưới 10%. Nhưng qua thực tế bình xét vào cuối năm rồi, số lượng HTX yếu kém đã vượt mức 10%. Nhiều HTX đã trì trệ, hoạt động cầm chừng hay đi đến giải thể vì nhiều lý do.

HTX “chết nhưng chưa khai tử”

Làm nông nghiệp luôn nhận lấy rủi ro cao nên HTX nông nghiệp cũng không tránh khỏi khó khăn khi chấp nhận kinh doanh trên lĩnh vực này. Đã có không ít HTX nông nghiệp điêu đứng hoặc chết lịm. HTX Nông nghiệp Hòa Tiến, thị trấn Búng Tàu, huyện Phụng Hiệp là một minh chứng.

Thành lập từ năm 1999, chỉ 4 năm sau, HTX ngưng hoạt động. Từ đó đến nay, HTX chỉ còn cái tên trên danh nghĩa. Theo chủ nhiệm HTX trước đây, ông Trương Hoàng Long, mục tiêu ban đầu của HTX là cung ứng phân bón, đem lợi nhuận cho xã viên.

Lúc đầu, ai cũng nghĩ HTX hình thành sẽ góp phần giúp cho xã viên “đi lên”, nào ngờ, qua thời gian hoạt động, do thời tiết không thuận lợi, xã viên sản xuất khó khăn, thất mùa, mất giá, dẫn đến thâm vốn, nợ nần. Số vốn góp ban đầu chưa đến 30 triệu đồng đã sử dụng hết, tiền nợ các công ty phân bón đã lên đến hàng trăm triệu đồng.

Lúc đó, HTX không còn vốn hoạt động, xã viên của HTX đa phần là hộ nghèo, không khả năng thanh toán. Bí quá, có hộ bỏ xứ ra đi, HTX tan rã. Ông Long chua chát nhớ lại: “Tôi là chủ nhiệm nên đứng mũi chịu sào, ra lãnh số nợ cho những hộ bỏ xứ. Từ đó đến nay, tôi phải bỏ tiền túi trả dần số vốn điều lệ đã góp lúc ban đầu cho những xã viên còn lại. Còn số tiền các xã viên nợ công ty, tôi không có khả năng chi trả!”.

HTX Thủy sản Hưng Điền gặp khó khăn về vốn ngay từ thuở mới “khai sinh”.

Cũng ở huyện Phụng Hiệp, HTX làm vườn Hưng Thạnh, ở xã Thạnh Hòa cũng giải thể hơn 1 năm nay. “Ban đầu, HTX làm ăn cũng có lãi, các thành viên cũng khấm khá, nhưng do trong quá trình hoạt động, Ban chủ nhiệm không có kinh nghiệm kinh doanh, không biết dự toán kinh phí trừ khấu hao máy móc (máy bơm tưới), tiền lãi mang chia hết cho xã viên.

Đến khi máy hỏng thì không ai chịu sửa vì nghĩ đây là “của chung” và kết quả là chiếc máy bơm tưới bị bỏ rỉ sét, tình cảm xã viên cũng bị rạn nứt. Đây là bài học kinh nghiệm cho nhiều người vì không biết hạch toán kinh doanh”, ông Nguyễn Chí Sung, Phó Chủ tịch UBND xã Thạnh Hòa cho biết.

Ngoài ra, tại huyện Phụng Hiệp còn có 2 HTX nông nghiệp là Thạnh Điền, Liên Hưng cũng trong tình trạng “chết chưa được chôn”. Hiện tại, có chủ nhiệm đã mất, có chủ nhiệm bỏ xứ đi nhưng vẫn chưa được giải thể.

Thiếu vốn, thiếu cả năng lực

Ở xã Tân Phước Hưng, huyện Phụng Hiệp, HTX Thủy sản Hưng Điền (nuôi cá tra) cũng đang “thoi thóp” trước số nợ hàng tỉ đồng mà các thành viên đang vay ngân hàng. Từ khi thành lập đến nay đã được 3 năm, nhưng năm nào HTX cũng thua lỗ.

Lúc mới thành lập, các xã viên phải vay ngân hàng để có tiền đào ao, mua con giống, thức ăn. Tình hình thị trường biến động, giá cá giảm, tiền thức ăn cao là nguyên nhân khiến HTX ngày càng kiệt quệ. Dù vậy, để duy trì, hàng ngày, người nuôi vẫn phải bỏ bạc triệu (thức ăn) xuống ao để nuôi cầm chừng.

Ông Lê Văn Kiềm, Chủ nhiệm HTX cho biết: “Trong số 25 hộ nuôi thì đã có 16 hộ treo hầm, không dám nuôi nữa. Trong xã viên, có hộ đang nợ ngân hàng 3 tỉ đồng, mỗi tháng phải trả nợ vay cho ngân hàng gần chục triệu đồng.

Còn HTX mía Quyết Thắng, ở xã Hiệp Hưng, huyện Phụng Hiệp thành lập từ năm 2013 nhưng đến nay, tình hình hoạt động vẫn không mấy khởi sắc.

Suốt 12 tháng ròng hoạt động, số tiền lời mà HTX thu về chỉ vỏn vẹn hơn 3 triệu đồng. Số vốn điều lệ từ lúc khai sinh đến nay chỉ dừng lại ở mức 25 triệu đồng (trong khi đăng ký là 100 triệu đồng). Ngoài ra, HTX không hề có được tài sản cố định chung nào vì nguồn vốn góp ban đầu quá thấp.

Ông Trương Văn Hiền, Giám đốc HTX mía Quyết Thắng, trăn trở: “Tuy 100% diện tích đất trồng mía của xã viên HTX được Công ty Cổ phần Mía đường Cần Thơ ký hợp đồng bao tiêu, nhưng chúng tôi vẫn chưa vừa lòng.

Bởi, chúng tôi phải chịu khâu vận chuyển, phải thông qua thương lái. Nếu được ngành chức năng, địa phương hỗ trợ cho vay vốn, HTX sẽ đầu tư mua ghe chở mía cho xã viên, sản phẩm được đến tận nơi, tiêu thụ cũng dễ dàng, suôn sẻ hơn”.

Một số HTX đang hoạt động, dù có danh tiếng, có nhãn hiệu chứng nhận hàng hóa nhưng vẫn gặp rất nhiều khó khăn. Ở huyện Long Mỹ, HTX Quýt đường Long Trị, mặc dù tập hợp được lực lượng nông dân sản xuất giỏi, đang sản xuất một trong 10 nông sản có thế mạnh của tỉnh cũng thiếu vốn để mở rộng loại hình kinh doanh, dịch vụ. Hơn nữa, đầu ra cho sản phẩm quýt đường chưa được mở rộng, sản phẩm còn ít nên chưa giải quyết được việc làm, tăng thu nhập cho xã viên.

Bên cạnh nguồn vốn ít, những người đứng mũi chịu sào (chủ nhiệm và nay là giám đốc, thủ quỹ, kế toán - PV) HTX lại làm việc không trụ sở, không lương, không bảo hiểm xã hội. Đây cũng là nguyên nhân làm hạn chế sự nhiệt tình, chưa đặt cái tâm vào điều hành, quản lý đưa hoạt động HTX đi lên. Song song đó, nhiều HTX chỉ dựa trên kinh nghiệm sản xuất tự có, chỉ dừng lại ở quy mô hộ gia đình, thiếu tầm nhìn chiến lược.

Theo ông Nguyễn Văn Út, Giám đốc HTX Quýt đường Long Trị thì nguyên nhân lớn nhất là cán bộ quản lý HTX xuất thân từ nông dân, trình độ học vấn thấp, năng lực quản lý hạn chế, kém năng động. Bên cạnh đó, cơ sở làm việc, hội họp thường là nhà của xã viên, đa số xã viên còn khó khăn, họ vẫn còn tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào sự bao cấp của nhà nước…

Nhiều HTX vẫn chưa bắt kịp yêu cầu phát triển, chưa có phương hướng sản xuất kinh doanh rõ ràng, các thủ tục pháp lý chưa hoàn thiện nên là trở ngại trong sự phát triển kinh tế hợp tác. Vậy nên, không ít HTX giậm chân tại chỗ “sống qua ngày” rồi đi đến chết lịm.

Ông Trần Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND huyện Phụng Hiệp, cho biết: Trong quá trình hoạt động, hầu hết HTX chưa nhận thức đầy đủ và thấu đáo về bản chất, nguyên tắc và giá trị của HTX kiểu mới. Đội ngũ cán bộ của hầu hết các HTX đều có những hạn chế về trình độ, năng lực tổ chức quản lý, điều hành và nghiệp vụ chuyên môn nhưng mới chỉ được tập huấn bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ ngắn ngày. Hiệu quả hoạt động của HTX nông nghiệp còn thấp, giá thị trường bấp bênh, biến động.

Vả lại, phần lớn HTX không có khả năng tích lũy nội bộ để tái đầu tư, năng lực nội tại yếu kém cả về tài chính, cơ sở vật chất, kỹ thuật, công nghệ và quy mô hoạt động. Đa số HTX sản xuất theo lối thủ công là phổ biến nên nhiều HTX vẫn chưa tìm được mục tiêu mà mình hướng đến.


Related news

Bệnh Tuyến Trùng, Đốm Lá Gây Hại 170 Ha Tiêu Bệnh Tuyến Trùng, Đốm Lá Gây Hại 170 Ha Tiêu

Theo Chi cục Bảo vệ thực vật Phú Yên, hiện nay trên cây tiêu, bệnh tuyến trùng gây hại 150ha, tỉ lệ hại 5 đến 10% rễ; bệnh đốm lá gây hại 20ha, tỉ lệ bệnh 5 đến 15% lá, tập trung tại các xã Sơn Thành Đông, Sơn Thành Tây (huyện Tây Hòa, Phú Yên). Ngoài ra, bệnh thán thư và bệnh chết chậm còn xảy ra trên 10ha tiêu. Theo Sở NN-PTNT Phú Yên, đến cuối năm 2013, toàn tỉnh có 687ha tiêu, trong đó huyện Tây Hòa 573ha, năng suất bình quân 23 tạ/ha. Với giá bán dao động từ 150.000 đến 170.000 đồng/kg, mỗi héc ta tiêu đạt doanh thu 400 triệu đồng. Tuy nhiên, những năm qua việc trồng tiêu ở Phú Yên còn mang tính tự phát nên rất khó đầu tư và quản lý sản phẩm. Điều này dẫn đến trình độ thâm canh và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn hạn chế, nguy cơ xảy ra dịch bệnh trên cây trồng này ở mức cao.

Monday. July 14th, 2014
Hơn 400ha Mía Bị Nhiễm Sâu Bệnh Hơn 400ha Mía Bị Nhiễm Sâu Bệnh

Năm 2014, nông dân thành phố Vị Thanh (Hậu Giang) canh tác mía với diện tích 2.690ha, mía trong giai đoạn từ 5-6 tháng tuổi, chủ yếu ở các xã: Tân Tiến, Hỏa Tiến, Hỏa Lựu, Vị Tân và phường VII. Trong những ngày qua, mưa nhiều làm cho diện tích sâu bệnh trên cây mía tăng đáng kể.

Monday. July 14th, 2014
Chuối Già Hương Thuần Việt Xuất Ngoại Chuối Già Hương Thuần Việt Xuất Ngoại

Mô hình trồng chuối già hương tại Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (KNNUDCNC) An Thái, huyện Phú Giáo (Bình Dương) do Công ty Cổ phần Nông nghiệp U&I (Unifarm) làm chủ đầu tư đã phát huy hiệu quả.

Monday. July 14th, 2014
Quảng Nam Được Mùa Hải Sản Quảng Nam Được Mùa Hải Sản

Sáu tháng đầu năm 2014, sản lượng hải sản ngư dân tỉnh Quảng Nam đánh bắt được tăng so với cùng kỳ, trong đó nghề đánh bắt xa bờ cho sản lượng cao đã giúp ngư dân có thêm nguồn lực đầu tư bám biển.

Tuesday. July 15th, 2014
Hậu Giang Triển Khai Dự Án Tiêm Vắc-Xin Phòng Bệnh Thận Mủ Trên Cá Tra Hậu Giang Triển Khai Dự Án Tiêm Vắc-Xin Phòng Bệnh Thận Mủ Trên Cá Tra

Tổng kinh phí thực hiện dự án hơn 3,5 tỉ đồng. Trong đó, vốn sự nghiệp khoa học công nghệ hỗ trợ cho dân trên 157 triệu đồng, bao gồm 100% chi phí tiêm vắc-xin, 20% con giống và 1 cuộc tập huấn; còn lại là vốn đối ứng của dân hơn 3,36 tỉ đồng.

Tuesday. July 15th, 2014