Nhân Rộng Những Mô Hình Nuôi Tôm Hiệu Quả
Sở Khoa học và Công nghệ Cà Mau đã triển khai thành công Dự án Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hoá của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh Cà Mau. Qua 2 năm triển khai, năng suất tôm công nghiệp đạt 12-18 tấn/ha.
Dự án được triển khai trên 2 lĩnh vực: Sản xuất tôm giống chất lượng và nuôi tôm công nghiệp (NTCN). Mô hình sản xuất tôm giống cho năng suất cao hơn 30% so với quy trình bình thường; về TCN năng suất tăng trên 50% trên cùng diện tích ao nuôi.
Hoàn thiện quy trình
Dự án triển khai công nghệ lọc nước hiện đại để sản xuất tôm giống. Mô hình triển khai cho 6 cơ sở sản xuất tôm giống tại thị trấn Năm Căn, cho sinh sản so với bể lọc truyền thống thì năng suất tăng trên 30%; chất lượng bảo đảm yêu cầu, khi xuất bán đều đạt các chỉ tiêu xét nghiệm.
Ông Châu Văn Thọ, Phó Giám đốc Sở KH&CN, cho biết, dự án được triển khai năm 2012, đến nay qua 2 vụ sản xuất trên tôm giống đã thành công. Sở đang chuẩn bị bàn giao cho Chi cục Nuôi trồng thuỷ sản tiến hành hội thảo, nhân rộng. Dự án nhằm từng bước nâng cao chất lượng con giống sản xuất trong tỉnh để đáp ứng một phần con giống chất lượng cho người nuôi tôm tỉnh nhà.
Trên mô hình NTCN, Sở KH&CN triển khai tại các huyện: Đầm Dơi, Cái Nước, Năm Căn, Trần Văn Thời, Ngọc Hiển. Riêng huyện Đầm Dơi triển khai trên 3 mô hình, năng suất nuôi tăng trên 50% so với các mô hình nuôi khác.
Chị Lâm Kim Huệ, ấp Tấn Ngọc, xã Ngọc Chánh, vừa thực hiện xong mô hình, cho biết, 4-5 năm nay chị đã nuôi tôm nhưng năng suất không cao vì môi trường ngày càng ô nhiễm, dịch bệnh luôn xảy ra. Tôm nuôi chỉ đạt kích cỡ trên dưới 100 con/kg, kéo giá bán thấp nên tiền lãi không cao. Thực hiện đúng quy trình của dự án khép kín trên diện tích ao 4.000 m2, nếu như những vụ trước chị Huệ chỉ thu hoạch 2 tấn, thì nay đạt gần 7 tấn.
Anh Phạm Văn Tuấn, ấp Trà Là, xã Trần Phán, vừa thu hoạch được 16 tấn tôm thẻ loại 48 con/kg, lãi trên 1 tỷ đồng.
Anh Tuấn cho biết: “Do mô hình thực hiện có thêm diện tích ao vèo nên trong tháng đầu tôm được chăm sóc tốt hơn, ít tốn công hơn và hạn chế được bệnh chết sớm trên tôm. Sau khi chuyển tôm ra ao nuôi rất mau lớn nên sản lượng và lợi nhuận cao hơn rất nhiều so với cách làm trước đây. Nhà nước đầu tư 30% chi phí ban đầu, cùng yêu cầu có ao ương, ao nuôi và có điện 3 pha thì người dân có thể an tâm thực hiện mô hình này”.
Đây là mô hình của sự liên kết giữa Nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp và nông dân hiệu quả nhất hiện nay. Sự hỗ trợ không những mang lại hiệu quả cho vụ nuôi theo quy trình mới VietGAP mà còn hướng cho người nuôi tôm phát triển mô hình NTCN theo quy trình mới, hiệu quả bền vững, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu vào những thị trường khó tính.
Cần nhân rộng mô hình
Trước sự thành công của mô hình trên tôm giống và NTCN, Sở KH&CN tiếp tục tuyên truyền, phổ biến về Chương trình quốc gia về năng suất chất lượng và Dự án Nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hoá tỉnh Cà Mau; tăng cường công tác tuyên truyền để người dân và doanh nghiệp hiểu được tầm quan trọng của dự án để cùng tham gia thực hiện tốt dự án.
Ông Lâm Văn Lợi, ấp Cầu Ván, xã Quách Phẩm Bắc, tham quan mô hình, phấn khởi: “Mô hình khép kín này rất hiệu quả. Mấy năm qua bà con nuôi theo cách cũ thì có trúng, có thất. Chỉ với 4.000 m2 như thế này mà thu hoạch gần 7 tấn loại 48 con/kg thì năng suất quá cao. Chúng tôi sẽ học hỏi, nhân rộng mô hình này để làm giàu”.
Bí thư Chi bộ ấp Tấn Ngọc, xã Ngọc Chánh Đặng Hoàng Được cho biết: “Qua tìm hiểu, NTCN của bà con trong nhiều năm đa phần tự phát, làm theo quy trình, cách riêng của mình nên hiệu quả không cao. Với năng suất cao từ mô hình này, tôi mong rằng các ngành chức năng cũng như các công ty có sự quan tâm hỗ trợ và tuyên truyền cho người dân thực hiện mô hình này để sản xuất hiệu quả hơn”.
Nhiều hộ NTCN trên địa bàn huyện tham quan thu hoạch tôm tại các hộ thực hiện mô hình đều nhận thấy sự cần thiết phải làm theo mô hình trên để nâng cao thu nhập. Nhưng nhiều hộ nuôi tôm cho rằng, có quyết tâm làm nhưng đang khó khăn về vốn.
Ngoài mô hình nâng cao năng suất trong sản xuất tôm giống, NTCN, năm 2014, Sở KH&CN sẽ đầu tư thêm mô hình mới với công nghệ tuần hoàn nước xanh trên tôm sú, dự kiến trong tháng 5 sẽ thả giống tại xã Tân Trung, huyện Đầm Dơi.
Mô hình này rất an toàn, không sử dụng hoá chất mà chỉ sử dụng chế phẩm sinh học xử lý khép kín, trong quá trình nuôi không lấy nước từ bên ngoài… Vì thế sẽ hạn chế sự lây nhiễm mầm bệnh từ bên ngoài.
Để mô hình thuộc dự án tiếp tục mang lại hiệu quả cho người dân nuôi tôm, Sở KH&CN sẽ phối hợp với các doanh nghiệp cung cấp thức ăn, giống, chế phẩm sinh học, kỹ thuật nuôi để hỗ trợ nông dân nhân rộng các mô hình thành công vào sản xuất, góp phần vào việc hoàn thành mục tiêu phát triển nuôi tôm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Cà Mau.
Related news
Sáng 14.10, Trạm Khuyến nông huyện Hoài Nhơn (Bình Định) tổ chức hội thảo mô hình nuôi cá đối mục trong ao nuôi tôm suy thoái tại thị trấn Tam Quan. Mô hình triển khai từ tháng 3.2014, có 3 hộ dân tham gia thực hiện trên diện tích 12.000m2, thả nuôi 12.000 con giống nhập từ Trung tâm giống thủy sản Thừa Thiên - Huế.
Tôm chân trắng là một loài ngoại lai hiện được tiêu thụ lớn tại Hoa Kỳ, EU và Nhật Bản nhờ chi phí và hương vị phù hợp cũng như được sử dụng trong chế biến dễ dàng. Andhra Pradesh là khu vực XK hàng đầu về tôm chân trắng. Loài tôm này cũng được nuôi rộng rãi tại Bheemavaram và các vùng lân cận.
Sau hơn 20 năm làm nghề dẫn tinh viên, ông Võ Kỳ Nam, ở thôn Hòa Sơn, xã Bình Tường, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định giúp lai tạo, cho ra đời được vô số bò lai. Tốt nghiệp đại học năm 1990, với tấm bằng kỹ sư chăn nuôi - thú y, ông Nam về làm cán bộ thú y cơ sở tại địa phương. Năm 1995, ông đi học thêm lớp dẫn tinh viên phối giống bò tại Ba Vì (Hà Tây) và gắn bó với nghề này cho đến nay.
Cuối tháng 9 vừa qua, gia đình ông Phạm Văn Báo ở thôn Na Lang, xã Phong Minh (Lục Ngạn) có một con trâu thả rông trong rừng bị chết. Ông mang con trâu này về nhà thịt làm lây bệnh ra 3 con trâu và 6 con lợn của cả gia đình và các hộ cùng thôn.
Tại hội nghị đổi mới kinh tế hợp tác trong nông nghiệp do Bộ NN&PTNT tổ chức ngày 14/10, ông Phạm Quốc Ân, Chủ nhiệm HTX chăn nuôi Quý Hiền (huyện Bảo Thắng, Lào Cai) nêu ra một thực tế về thủ tục hành chính đang “hành” HTX.