Nhãn muộn Hoài Đức sắp xuất Mỹ
Người dân trồng nhãn chín muộn ở các huyện Hoài Đức, Quốc Oai (Hà Nội) rất lạc quan vì giống nhãn này liên tục được mùa, được giá. Một tin vui nữa lại vừa đến khi có doanh nghiệp ngỏ ý đưa nhãn Hoài Đức sang Mỹ.
Những ngày này, không khí tại các vườn nhãn huyện Hoài Đức rất rộn ràng, bởi chỉ còn 1 tuần nữa những trái nhãn đầu tiên sẽ thu quả ngọt. Bà Thắm, nông dân tại thôn An Thượng, xã Song Phương, huyện Hoài Đức cho biết, năm nay năng suất nhãn chín muộn cao. Một số hộ nông dân cho biết, năm nay thời tiết khá thuận lợi nên tỷ lệ đậu quả của nhãn muộn cao hơn năm ngoái, báo hiệu một vụ mùa bội thu.
Thời gian thu hoạch nhãn dự kiến bắt đầu từ tháng 9, do muộn hơn chính vụ nên đầu ra của nhãn khá thuận lợi, không bị cạnh tranh nhiều. Ông Trần Văn Bảy, thôn Ba Lương ước tính, với diện tích trồng 2 ha nhãn chín muộn, bình quân sản lượng nhãn thu được của gia đình đạt 20 - 25 tấn.
Hiện nay Hoài Đức đang trồng hai loại nhãn: HTM1 (quả méo) và HTM2 (quả tròn). Đặc điểm của hai giống này là quả sai, to, vỏ mỏng, ăn có vị ngọt thanh và đặc biệt là chín muộn hơn các giống nhãn khác từ 30 đến 45 ngày. Trong đó, giống HTM1 quả to, màu vàng sáng, vỏ mỏng, năng suất khoảng 300-350kg/cây 7-8 năm tuổi. Còn giống HTM2 màu hơi sẫm, cùi dày, ăn giòn, dai hơn giống HTM1, năng suất khoảng 200-250kg/cây.
Các loại sản phẩm nhãn chín muộn được chứng nhận VietGap đều phải tuân thủ quy định trồng chặt chẽ: Nước tưới cho cây trồng phải sạch, chỉ sử dụng phân hữu cơ, các loại thuốc bảo vệ thực vật chủ yếu bằng sinh học và phun thuốc trước thời kỳ thu hoạch từ 1,5 đến 2 tháng.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Hiến, Trưởng phòng Kinh tế huyện Hoài Đức cho biết, không chỉ được mùa, được giá, nhãn Hoài Đức đã được doanh nghiệp tìm đến ngỏ ý xuất Mỹ để thăm dò thị trường. Tuần tới, Phòng Kinh tế sẽ trực tiếp vào vườn, kiểm tra, lựa chọn những lô nhãn đủ tiêu chuẩn xuất khẩu.
Sau đó sẽ đóng gói mang vào Bình Dương chiếu xạ rồi xuất Mỹ. Ông Hiến cũng cho biết thêm, năm 2011, “Nhãn chín muộn Hoài Đức” đã được đăng ký nhãn hiệu với diện tích 125ha, với 57 hội viên. Hiện diện tích nhãn chín muộn đã đạt 200 ha, sản lượng khoảng 2.000- 2.200 tấn quả, đem lại doanh thu hàng chục tỷ đồng. “Tuy đây chỉ là lô nhãn mang tính thử nghiệm, nhưng cũng là tín hiệu đáng mừng cho nhãn hiệu nhãn muộn của huyện Hoài Đức”, ông Hiến nói.
Ông Vương Duy Hướng, Bí thư Huyện ủy Hoài Đức cho biết, nhãn chín muộn là một mô hình rất thành công ở Hoài Đức, được nhân dân tại các xã vùng bãi phát triển mạnh cả về diện tích và sản lượng. Huyện đang đề nghị thành phố chỉ đạo và hỗ trợ để nhãn Hoài Đức được xuất khẩu ra thị trường quốc tế.
Related news
Thời gian gần đây, giá heo tại Bà Rịa - Vũng Tàu nói riêng, vùng Đông Nam bộ nói chung, đã tăng mạnh do thương lái ồ ạt thu mua heo mỡ. Giá heo tăng làm cho người chăn nuôi phấn khởi sau một thời gian dài lỗ nặng, tuy nhiên cũng tiềm ẩn không ít rủi ro nếu như thương lái ngừng mua.
Hải Lăng (Quảng Trị) có diện tích nuôi trồng thủy sản khá lớn với hơn 500 ha diện tích ao hồ. Trong đó diện tích nuôi tôm trên cát ven biển ở hai xã Hải An và Hải Khê chiếm gần 100 ha. Nhiều năm qua nhờ phát triển nuôi tôm nên nhiều hộ gia đình đã trở nên giàu có, tuy nhiên do nằm sát với bờ biển nên rất dễ bị thiên tai tàn phá. Trước thực trạng đó, để đảm bảo an toàn ao hồ nuôi trồng thủy sản trong mùa mưa bão năm 2013, huyện Hải Lăng đang tiến hành triển khai nhiều biện pháp hữu hiệu nhằm giúp người nuôi tôm bảo vệ tốt tài sản của mình.
Những năm gần đây, nuôi ngao thực sự là nghề “nóng” của người dân ven biển huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An), bởi nó mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên hiện nay, giá bán ngao thương phẩm đang giảm mạnh, thị trường tiêu thụ gặp rất nhiều khó khăn. Người dân phát triển nuôi ngao ồ ạt, tự phát, không theo quy hoạch sẽ khó tránh khỏi những hệ lụy xấu...
Đã qua rồi thời hỗn loạn, người thì nuôi, kẻ khai thác tranh giành nguồn lợi từ con nghêu của bãi bồi Đất Mũi (Cà Mau). Sau khi sắp xếp lại một cách toàn diện, vùng nuôi nghêu bãi bồi đang dần đi vào ổn định.
Thời gian gần đây do nuôi tôm thẻ chân trắng được mùa, lợi nhuận cao nên một số hộ dân ở Bình Đại (Bến Tre) tự phát đào ao, khoan giếng nước mặn nuôi tôm biển trong vùng qui hoạch, có lúc lên đến trên 1.000 giếng khoan. Để khắc phục tình trạng trên, Ban Thường vụ Huyện ủy Bình Đại đã ban hành Chỉ thị số 05, UBND huyện Bình Đại có Kế hoạch số 2184 nhằm khắc phục những bất hợp lý vừa qua.