Nhà Vườn Võ Văn Bé Năm Chí Thú + Sáng Tạo = Làm Giàu
Với 8.000 m2 đất vườn trồng vú sữa và bưởi, có lúc phải lao đao vì bệnh thối rễ do nấm bệnh tấn công, nhưng nông dân Võ Văn Bé Năm (Phú Quới, Phú Phong, Châu Thành, Tiền Giang) không chịu đầu hàng mà quyết tâm nghiên cứu tìm ra giải pháp hữu hiệu để chữa trị. Kết quả vườn cây ăn trái của anh đã được phục hồi và phát triển xanh tốt, mỗi năm mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng.
Nói về những gian truân trong quá trình lựa chọn để chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho phù hợp, anh Năm cho biết: Nhận thấy canh tác cây mía không mang lại hiệu quả, đầu năm 1991 anh quyết định trồng nhãn tiêu trên toàn bộ diện tích đất hiện có. Sau đó, nhận thấy việc canh tác cây nhãn không mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với một số cây trồng khác, đến năm 1996 anh lại quyết định đốn bỏ hết nhãn và chuyển sang trồng vú sữa.
Tiếp theo đó, anh đặt bưởi da xanh và bưởi lông xen vào. Từ đó đến nay 8 công đất vườn mang lại cho anh cuộc sống tốt hơn.
Qua theo dõi, chăm sóc anh nhận thấy, khoảng 5 năm trở lại đây, trên cây vú sữa và cây bưởi xuất hiện một số loại nấm gây bệnh thối cổ rễ. Dịch bệnh này rất nguy hiểm, nếu không có giải pháp phòng trị kịp thời, cây sẽ suy kiệt dần (do bộ rễ không hút được dinh dưỡng từ đất để nuôi cây) rồi chết.
Qua theo dõi thông tin trên báo, tivi…anh biết được bệnh thối rễ gây hại trên cây ăn trái do 3 loại nấm bệnh gây ra gồm: nấm Pythium, nấm Phitopthora và nấm Fusathium. Lúc đầu anh sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để phun xịt thì bệnh có giảm nhưng do sử dụng thuốc đơn nên xảy ra tình trạng nấm bệnh kháng thuốc. Sau đó anh tiến hành nghiên cứu phối hợp thuốc để phun xịt (sử dụng 2 - 3 công thức phối hợp và tổ chức xịt xen kẽ) nhằm khắc phục tình trạng nấm bệnh kháng thuốc và kết quả mang lại rất khả quan.
Đối với cây vú sữa, nấm bệnh thường tấn công vào các rễ lớn nằm sát mặt đất. Khi kiểm tra, thấy bề mặt rễ xuất hiện các mảng bị đổi màu (màu sậm đen hơn bình thường) do nấm tấn công, anh tiến hành đào xung quanh gốc với độ sâu từ 20 - 30cm, bán kính từ 0,4-0,5 mét (tùy gốc lớn, nhỏ), dùng dao cạo bỏ bề mặt rễ bị bệnh (đối với những rễ bị nặng thì dùng cưa cắt bỏ), sau đó tiến hành phun thuốc.
Đối với gốc bệnh, mỗi tháng anh xịt 2 lần; đối với gốc phát triển tốt, mỗi tháng anh xịt ngừa một lần. Sau khi tiêu diệt nấm bệnh, rễ cây sẽ dần dần hồi phục; các rễ bị cắt bỏ trước đây cũng bắt đầu mọc ra các chùm rễ nhỏ để bám vào đất và tiếp tục nuôi cây.
Bên cạnh đó, để đảm bảo cho đất luôn tơi xốp, được bổ sung đầy đủ dưỡng chất để nuôi cây cũng như giúp cho đất không bị bạc màu do sử dụng phân hóa học, anh còn nghiên cứu làm cá thủy phân để tưới cho cây rất hiệu quả.
Nguyên liệu gồm cá tra (bị ngộp, bị chết được anh thu mua từ các trại chăn nuôi, các bè cá với giá chỉ 2.000 đồng/kg) ngâm với 10 lít nước ấm (khoảng 50 độ C), bổ sung nấm đối kháng Trycoderma, 1 kg chế phẩm EM và 0,5 kg Protase. Sau khi cá phân hủy, anh bổ sung 4 kg phân NPK, phân vi lượng và bổ sung thêm nước với thể tích phù hợp và có thể sử dụng để tưới cho cây trong 10 ngày tiếp theo.
Theo anh Năm, việc sử dụng cá thủy phân ngoài việc tăng cường dinh dưỡng cho đất, các loại vi sinh có trong sản phẩm này còn giúp kháng bệnh tuyến trùng vốn làm rễ cây kém phát triển dẫn đến suy cây. Bên cạnh đó, sản phẩm cá thủy phân còn có tác dụng ngăn ngừa và khắc phục tình trạng bệnh thối rễ trên cây bưởi thường xuất hiện tại các nhánh rễ nhỏ nằm sâu trong lòng đất mà việc kiểm tra và phòng trị khó thực hiện hơn nhiều so với cây vú sữa.
Được biết, trong tháng 4-2013, anh Võ Văn Bé Năm đăng ký tham dự Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Tiền Giang lần X do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Tiền Giang tổ chức với 2 giải pháp, bao gồm: “Giải pháp chữa bệnh thối rễ, khô cành vườn cây vú sữa” và “Giải pháp sản xuất phân cá truyền thống sử dụng cho cây ăn trái”.
Nhờ chí thú làm ăn, chịu khó tìm tòi, nghiên cứu và ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, anh Võ Văn Bé Năm không những xứng đáng với danh hiệu Nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi cấp tỉnh mà còn trở thành triệu phú miệt vườn với mức thu nhập hàng năm lên đến vài trăm triệu đồng.
Related news
Nhiều năm nay, xã Xuân Dương, huyện Thường Xuân đặc biệt quan tâm phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại, gia trại, coi đây là khâu đột phá trong phát triển kinh tế tại địa phương.
Hơn 3.000 ha lúa được sản xuất theo hình thức cánh đồng mẫu lớn, có sự liên kết 4 nhà; hơn 1.000 ha rau quả trồng tập trung được liên kết sản xuất... Tuy nhiên, doanh nghiệp chỉ mới dừng lại ở việc cung ứng vật tư đầu vào, chưa thực sự chú trọng bao tiêu sản phẩm cho nông dân.
Bộ NN-PTNT vừa công bố cấp phê duyệt 4 giống bắp (ngô) biến đổi gien đủ điều kiện sử dụng làm thực phẩm, thức ăn chăn nuôi gồm Bt 11 và MIR162 của Công ty TNHH Syngenta VN; MON 89034 và NK603 của Công ty TNHH Dekalb VN (Monsanto).
Bộ Nông nghiệp và PTNT bác đề xuất nhập khẩu tàu cá của Cty cổ phần Tập đoàn thủy hải sản Trí Việt và Cty cổ phần Đức Khải (TP.Hồ Chí Minh).
Bà Nguyễn Thị Chính, ở ấp So Đũa, xã Thạnh Xuân (Châu Thành A, Hậu Giang) cho biết: "Tôi trồng 60 bụi chuối, cứ thu hoạch 2 lần/tháng, sản lượng 20 – 40 buồng, bán với giá từ 70.000 – 90.000 đồng/chục, nhưng hơn tháng nay giá chỉ còn 40.000 – 45.000 đồng/chục".