Nhà vườn Đồng Tháp kỳ vọng vào chương trình hợp tác sản xuất xoài với Nhật Bản

Chương trình hợp tác sẽ tập trung vào các khâu: xây dựng quy trình sản xuất xoài sạch, chế biến sau thu hoạch và liên kết tiêu thụ. Trong đó, Nhật Bản sẽ hỗ trợ nông dân Đồng Tháp sản xuất sản phẩm sạch, đủ điều kiện xuất khẩu bằng công nghệ và quy trình sản xuất của Nhật Bản.
Sau chuyến tham quan thực tế tại vùng chuyên canh xoài của tỉnh Đồng Tháp, các chuyên gia Nhật Bản đánh giá khá cao về những ưu thế mà Đồng Tháp đang sở hữu. Cụ thể như có vùng nguyên liệu tập trung, chất lượng xoài vượt trội... Giáo sư, Tiến sĩ Kenichi Yoshida - Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty HYPONeX Nhật Bản cũng đã thẳng thắn chia sẻ một số nhận định về tình hình sản xuất xoài tại địa phương: “Bên cạnh nhiều nhà vườn trồng xoài có bề dày kinh nghiệm, thì vẫn còn khá đông nhà vườn còn hạn chế về kỹ thuật sản xuất, do đó hiệu quả kinh tế chưa xứng tầm với tiềm năng đang có. Theo tôi, yếu tố để nhà vườn thành công là việc quản lý hiệu quả chất dinh dưỡng trên cây xoài. Nhà vườn cần am hiểu và phân phối tốt chất dinh dưỡng vào những giai đoạn phát triển của cây xoài phù hợp nhằm tránh tình trạng lãng phí khi sử dụng phân bón và giúp nhà vườn tiết kiệm chi phí sản xuất, đảm bảo lợi nhuận kinh tế”.
Trong buổi gặp gỡ, nhà vườn ở TP.Cao Lãnh và huyện Cao Lãnh có điều kiện giao lưu, trao đổi kinh nghiệm trực tiếp với các chuyên gia Nhật Bản. Bên cạnh một số nông dân vẫn còn e dè với những quy trình sản xuất khắc khe của Nhật Bản, số đông nhà vườn khác lại đánh giá cao kiến thức thu thập được từ buổi gặp gỡ và xem đây là bước khởi đầu tốt để sản phẩm xoài Đồng Tháp tiếp cận với thị trường Nhật Bản.
Ông Đoàn Thanh Hiền ngụ xã Mỹ Xương, huyện Cao Lãnh chia sẻ: “Để sản phẩm xoài của Đồng Tháp có những bước tiến xa hơn trên thị trường thế giới, việc tiếp cận và ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất nhằm nâng cao giá trị cạnh tranh cho sản phẩm là yếu tố cần thiết. Tôi và nhiều nhà vườn ở đây rất kỳ vọng vào chương trình hợp tác này. Chúng tôi hi vọng từ những kinh nghiệm của nước bạn sẽ giúp chúng ta hoàn thiện được quy trình sản xuất, từ đó sản phẩm có thể được tiêu thụ ở những thị trường tốt, giúp người nông dân nâng cao thu nhập”.
Ông Lê Văn Tâm - Chủ tịch Hội Làm vườn tỉnh cho biết: “Chương trình hợp tác giữa doanh nghiệp Nhật bản và tỉnh Đồng Tháp trong lĩnh vực sản xuất xoài được triển khai thực hiện qua nhiều giai đoạn. Trước hết, phía Nhật Bản sẽ tiến hành khảo sát thực tế vùng chuyên canh xoài của Đồng Tháp để nắm vững về quy trình sản xuất, đặc điểm tự nhiên của vùng; đồng thời phía doanh nghiệp Nhật Bản cũng tiến hành lấy mẫu đất và nước tại các vườn xoài của địa phương đánh giá, phân tích về thành phần chất dinh dưỡng. Ngay sau khi có kết quả, phía Nhật Bản sẽ phối hợp cùng với ngành nông nghiệp địa phương xây dựng một số mô hình sản xuất xoài theo công nghệ Nhật Bản và sẽ đối chứng với các mô hình sản xuất tại địa phương. Khi mô hình được chuyển giao thành công và nhân rộng, doanh nghiệp Nhật bản sẽ đầu tư xây dựng nhà máy chế biến xoài và xuất khẩu”.
Related news

Do đây là lần đầu tiên Cty TNHH Hùng Cá có lô hàng vi phạm nên VPSS đã thông báo áp dụng chế độ kiểm tra tăng cường đối với lô hàng được sản xuất tại Cty này, đồng thời yêu cầu Cty TNHH Hùng Cá điều tra nguyên nhân lây nhiễm và áp dụng các hành động khắc phục phù hợp nhằm ngăn ngừa XK vào Nga các sản phẩm không đảm bảo ATTP.

BOX: ĐBSCL hiện có khoảng 11.000 ha bưởi Năm Roi và da xanh. Theo quy hoạch đến năm 2020, các tỉnh ĐBSCL sẽ trồng thêm 25.000 ha bưởi Năm Roi và bưởi da xanh, nhằm phục vụ cho XK. Như vậy sẽ nâng tổng diện tích bưởi đặc sản của vùng ĐBSCL lên 36.000 ha. Trong đó, Tiền Giang, Vĩnh Long và Bến Tre là 3 tỉnh có diện tích bưởi lớn nhất, chiếm 74% diện tích bưởi toàn vùng.

Nhờ thời tiết năm nay thuận lợi, không xảy ra mưa lũ nên mai lá năm nay sinh trưởng và phát triển tốt, cây không bị sâu bệnh, lá xanh, dáng đẹp nên thương lái xem rất ưng ý. Gía bán mai cũng tăng lên từ 15-20% so với năm ngoái nên nhiều nhà vườn thời điểm này đã có doanh thu hàng trăm triệu đồng.

Hiện, huyện Lạng Giang đã thành lập Hội Sản xuất và tiêu thụ nấm với gần 300 hội viên tham gia, mỗi năm cung cấp ra thị trường hàng nghìn tấn nấm thương phẩm, gồm các loại chủ yếu là nấm sò, nấm mộc nhĩ, nấm mỡ... đem lại doanh thu vài trăm triệu đồng cho mỗi hộ sản xuất.

Sản lượng tôm nuôi của tỉnh tăng mạnh là do năm nay tình hình thời tiết tương đối ổn định, dịch bệnh được kiểm soát, giá thương phẩm cả tôm sú và tôm thẻ chân trắng luôn ở mức cao nên người dân mạnh dạn đầu tư thả nuôi.