Nhà Nông Cần Quan Tâm Đến Kỹ Thuật Canh Tác Lúa Cải Tiến
Nhằm tăng cường áp dụng khoa học công nghệ mới vào sản xuất nông nghiệp, thời gian qua tỉnh Bắc Kạn đã triển khai sâu rộng một số kĩ thuật canh tác lúa cải tiến. Để đông đảo người dân chấp nhận và thực hiện kỹ thuật này, công tác tuyên truyền cần được ngành chức năng làm tốt hơn nữa.
Kĩ thuật canh tác lúa cải tiến được áp dụng vào sản xuất lúa trên địa bàn tỉnh từ cuối năm 2008. Đặc điểm của phương pháp trồng lúa mới này là: Cấy mạ non, mật độ cấy thưa, quản lý rút nước 3 đến 4 lần trong giai đoạn sinh trưởng, sinh dưỡng thay cho việc ngập nước như lối canh tác cũ. Nhờ những đặc điểm nổi bật này mà lượng giống, số phân đạm cũng như chi phí thực hiện giảm đáng kể. Đặc biệt với kĩ thuật quản lý rút nước đã tạo điều kiện thuận cho nhiều chân ruộng giảm độ chua, tăng khả năng chống đổ cây lúa, trong khi đó kích thích cây lúa phát triển, điều này đặc biệt hữu ích đối với những diện tích lúa khan hiếm nguồn nước tưới. Với những ưu điểm này, người nông dân sẽ nắm rõ quy trình thực hiện của cấy lúa từ lúc làm mạ cho đến khi thu hoạch.
Chị Thêm, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Bản Đồn 1, xã Xuất Hoá cho biết: "Từ khi tham gia vào lớp kĩ thuật canh tác lúa cải tiến này, chúng tôi đã áp dụng rất hiệu quả vào thời vụ; năng suất, sản lượng cây trồng cũng vì thế mà tăng. Hiện rất nhiều hội viên và bà con trong thôn đều làm theo kĩ thuật mới này, từ cách làm mạ, kỹ thuật làm đất, mật độ cấy, kỹ thuật sử dụng phân bón, điều tiết nước". Hiện nay, tại một số địa phương như: Huyện Bạch Thông, xã Thượng Giáo (Ba Bể), xã Xuất Hóa (Thị xã Bắc Kạn) nhờ thực hiện canh tác lúa cải tiến mà năng suất trung bình đạt 50 đến 70 tạ/ ha.
Theo đồng chí Nguyễn Thị Hồng- Trưởng phòng Trồng trọt thuộc Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh cho biết: "Kĩ thuật canh tác lúa cải tiến được triển khai trên hầu hết 8 huyện, thị dưới hình thức tổ chức các lớp tập huấn, thực hành trên ruộng. Tham gia vào lớp học này, người nông dân sẽ được cầm tay, chỉ việc, nắm rõ quy trình canh tác lúa sao cho đạt hiệu quả. Ưu điểm khi áp dụng kỹ thuật canh tác này sẽ giảm được lượng giống, tiết kiệm nước, giảm lượng giống, phân bón, thuốc trừ sâu, hiệu quả năng suất cao hơn sản xuất thường từ 20-25%".
Tuy nhiên, cũng theo ngành chức năng nhận định, do thói quen sản xuất, tập quán canh tác lúa lâu đời đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân nên số lượng bà con nông dân chấp nhận và thực hiện lối canh tác mới này vẫn chiếm số ít. Theo thống kê của Phòng Trồng trọt- Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Bắc Kạn, tính đến đầu năm 2011, số lượng người nông dân tham gia chỉ chiếm hơn 30%.
Kĩ thuật canh tác lúa cải tiến đã mang lại nhiều lợi ích cho người nông dân trong sản xuất lúa, góp phần đẩy mạnh và tăng năng suất cây trồng. Song để nhân rộng kỹ thuật canh tác mới này đến với đại bộ phận người nông dân trên địa bàn tỉnh, rất cần sự vào cuộc đồng bộ của chính quyền cơ sở và các tổ chức đoàn thể, đặc biệt sự nhìn nhận khách quan từ chính nhà nông, có như vậy sản xuất nông nghiệp tại địa phương mới được đảm bảo, bền vững và phát triển./.
Related news
Không những vậy, nghề muối chỉ làm được vào mùa nắng; các tháng còn lại, diêm dân phải bươn chải nhiều nghề khác nhau để lo cho cuộc sống. Trước thực trạng đó, tận dụng những ruộng muối để hoang vào mùa mưa, nhiều diêm dân ở phường Ninh Hải đã mạnh dạn nuôi tôm trên ruộng muối.
Từ kinh phí Trung ương phân bổ theo Chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT), vừa qua xã Hoằng Lưu, huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa) đã đào tạo thành công nghề nuôi trồng thủy sản (NTTS) cho 50 học viên.
Mùa nước lũ về cũng là lúc nông dân thị xã Ngã Năm (Sóc Trăng) đẩy mạnh các mô hình nuôi thủy sản, trong đó: Mô hình nuôi cá vèo đang được nhiều hộ nông dân quan tâm vì nó đem lại lợi nhuận tương đối cao trong những tháng nông nhàn khi chờ vụ mùa Đông Xuân tới.
Ngày 20/9/2014, tại Trung tâm Giống thủy sản Yên Lý (huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An), Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nghệ An phối hợp với Trung tâm Giống thủy sản Nghệ An tổ chức Hội thảo mô hình nuôi thương phẩm cá chạch quế, nhằm đánh giá hiệu quả kinh tế - xã hội của mô hình, đồng thời bàn giải pháp nhân rộng mô hình nuôi thương phẩm cá chạch quế trên địa bàn tỉnh.
Lâu nay nói tới Đông Triều (Quảng Ninh) người ta nghĩ ngay tới vùng lúa lớn nhất của Quảng Ninh. Cũng trên diện tích cấy lúa ấy, ven sông không ít hộ đã sử dụng để khai thác rươi và cáy có hiệu quả cao gấp nhiều lần. Việc xây dựng vùng nuôi rươi và cáy đang là hướng mở cho phát triển kinh tế cao ở Đông Triều.