Nguy Cơ Mất Trắng Hàng Trăm Ha Bắp

12 hộ dân đã được công ty nhập giống bồi thường
Hàng trăm ha bắp vụ Hè Thu thuộc các xã Bình Trung, Bình Giã, Xuân Sơn (huyện Châu Đức - Bà Rịa - Vũng Tàu) có nguy cơ mất trắng do cây phát triển không đồng đều và không ra trái. Được biết đây là giống bắp NK67 - lai đơn F1có xuất xứ từ Inđonesia do Công ty TNHH Syngenta Việt Nam (trụ sở đóng tại khu công nghiệp Biên Hòa - Đồng Nai) nhập khẩu và phân phối.
Những ngày này, bà con nông dân trên địa bàn huyện Châu Đức đang lo lắng do đang phải đối mặt với hiện tượng rất hiếm khi xảy ra từ trước tới nay, đó là cây bắp phát triển không đồng đều và không có trái. Tại xã Bình Trung, diện tích bắp Hè Thu đã được gần 50 ngày tuổi.
Tuy nhiên, phần lớn cây bắp được trồng đều èo uột, cây cao, cây thấp. Tỷ lệ cây bắp không có khả năng ra trái này chiếm tới hơn 70% tổng số bắp trên 1 diện tích gieo trồng. Vụ Hè Thu này, ông Lý Văn Ký, nhà ở thôn 1, xã Bình Trung gieo 11kg bắp giống NK67 trên diện tích 8 sào.
Sau hơn 50 ngày, ông phát hiện thấy tình trạng cây bắp phát triển không đồng đều dù vẫn làm theo đúng quy trình kỹ thuật như những năm trước. “Một đám bắp mà có 4 tầng: có cây thì đã trổ cờ, cây được 70cm, cây 50cm, có cả những cây mới chỉ 20cm. Điều khác lạ hơn nữa là rễ cây rất yếu, dễ đổ, nguy cơ mất trắng vụ bắp này là điều không tránh khỏi” - ông Lý Văn Ký cho hay.
Không chỉ ở xã Bình Trung mà tại các xã Bình Giã, Xuân Sơn cũng xảy ra tình trạng trồng giống bắp NK67 phát triển không đều và không ra trái. Ông Đinh Quang Nghĩa, xã Bình Giã cho biết, vụ Hè Thu hàng năm gia đình ông trồng 1ha bắp. Những năm trước, với diện tích này, ông trồng các giống bắp như CP888, 999 C919 cho hiệu quả kinh tế cao, với năng suất từ 8 tấn/ha. Đặc biệt, vụ Hè Thu 2012, ông Nghĩa đã trồng giống bắp NK67 và cho thu hoạch khoảng 9 tấn/ha, thu nhập từ 32-40 triệu đồng/ha.
Từ năng suất và lợi nhuận cao như vậy, nên năm nay ông Nghĩa tiếp tục trồng giống bắp NK67. Kể từ khi gieo trồng, ruộng bắp phát triển bình thường, đến khoảng 10 ngày thì cây bắp có hiện tượng lớn không đều, còn những cây đang trổ cờ ra bông đào theo nách lá. Theo kinh nghiệm, ông Nghĩa khẳng định số bắp này chắc chắn sẽ không có trái. Do đó, ông đã bỏ liều không chăm sóc gần 1 tuần qua, để chờ đợi công ty phân phối giống đến khảo sát, hỗ trợ.
Ông Bùi Xuân Vinh, Chủ tịch UBND xã Bình Trung cho biết, mấy ngày qua, bà con nông dân đã đến UBND xã phản ánh tình trạng tại sao cùng một giống bắp NK-67, do cùng một công ty phân phối, nhưng những mùa trước luôn cho năng suất cao, gần 9 tấn/ha, nhưng vụ này lại xảy ra hiện tượng như đã nói trên.
Tìm hiểu kỹ trên bao bì, có thể dễ dàng nhận thấy, giống bắp NK-67 những vụ mùa trước được nhập khẩu từ Thái Lan, nhưng giống bắp vụ Hè Thu này, cũng là giống bắp NK67, nhưng lại được nhập khẩu từ Indonesia. Theo thống kê của UBND xã Bình Trung, có 3.380kg giống bắp NK67 được các đại lý bán cho các hộ nông dân trong vụ Hè Thu này. Tính ra, diện tích thiệt hại khoảng 200ha. “Thông tin từ các hộ nông dân cũng cho biết, 2 ngày qua, công ty phân phối đã đến khảo sát tại các diện tích bắp bị hư hại. Tại xã Bình Trung, đã có 12 hộ được nhận tiền bồi thường với mức 13 triệu đồng/ha.
Tuy nhiên, do công ty làm việc với các hộ dân mà không thông qua UBND xã nên chúng tôi không đồng tình với việc làm này. Mức đền bù này cũng không hợp lý vì chưa xứng đáng với chi phí, công sức mà nông dân đã bỏ ra. Hiện tại, UBND xã đã ghi nhận và thống kê các hộ bị thiệt hại, báo cáo với UBND huyện để có biện pháp bảo vệ quyền lợi cho nông dân” - ông Bùi Xuân Vinh nói.
Theo số liệu thống kê tạm thời của các xã có diện tích trồng bắp, có hơn 10 tấn giống bắp NK67 xuất xứ từ Indonesia, tương đương với diện tích gieo trồng khoảng 700ha, do các đại lý phân phối giống nhỏ lẻ trên địa bàn huyện Châu Đức bán ra cho người nông dân.
Theo tính toán của nông dân, chi phí đầu tư cho 1 ha bắp vào khoảng 13 đến 16 triệu đồng, năng suất khi thu hoạch bình quân 9 tấn/ha, với khoảng 4.000 - 4.500 đồng/kg, trừ chi phí có lãi từ 13 - 15 triệu đồng. “Tuy nhiên, với tình hình này, mức đền bù của công ty cho một số hộ dân là 13 triệu/ha chỉ đủ tiền giống, phân bón.
Trong khi đó, chúng tôi đang trông chờ thu hoạch vụ bắp này để trang trải tiền học, mua sắm sách vở cho con vào đầu năm học mới, sinh hoạt hàng ngày cũng phụ thuộc vào mấy sào bắp này. Nhưng công ty cũng chỉ đền bù cho những hộ nào còn giữ bao bì, nhưng thói quen của nông dân khi gieo trồng xong, bao bì cũng vứt lại ruộng bắp, gió thổi bay mất rồi” - ông Lý Văn Ký cho biết thêm.
Ông Lê Tình, Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Đức cho biết, hiện lãnh đạo huyện đang chỉ đạo các phòng chức năng, các xã có diện tích bắp bị thiệt hại khảo sát, thống kê để có biện pháp xử lý đối với đơn vị cung cấp giống.
Related news

Huệ đỏ là cây thân giả (giống hành tây). Lá hình giải hẹp, thuôn nhọn, mọc đối nhau thành hai hàng xanh đậm. Cọng hoa tròn to, mọc lên từ nách lá có thể cao đến 20-30cm. Thường mỗi cành hoa có 4 nụ, từ khi nở đến khi tàn khoảng 5-10 ngày, lúc đầu nở 2 hoa vài ngày sau nở tiếp hai hoa còn lại.

Tình trạng phá giá lẫn nhau,chất lượng sản phẩm của một số doanh nghiệp không đồng nhất ở lĩnh vực xuất khẩu cá tra trong hơn 10 năm qua đã dẫn đến hệ lụy khôn lường. Nhiều hộ nuôi cá treo ao, doanh nghiệp chế biến thua lỗ hoặc sản xuất cầm chừng.

Virus gây bệnh đốm trắng (WSSV) thuộc họ Nimaviridae, có cấu trúc virion có dạng hình trụ đến elip hoặc hình trứng, rộng khoảng 121±9nm, dài khoảng 276±26nm, có vỏ bọc, không có thể vùi. Bộ gen của virus này là DNA sợi đôi với kích thước khoảng 305 kb. Đây là loại virus gây chết tôm nhiều, nhanh nhất và có khả năng lây nhiễm cao. Khi thâm nhập vào cơ thể tôm, loại virus này cư trú ở nhiều bộ phận như mô nội bì, mô dạ dày, mang, buồng trứng (hay tinh hoàn), hệ thống thần kinh, mắt, chân bơi… Khi nhiễm bệnh, tôm có màu đỏ hồng, đốm trắng ở vỏ giáp đầu ngực, tỷ lệ tôm bị chết khi nhiễm bệnh lên đến 80-100%.

Trong những tháng qua, ở Ninh Thuận, “sự cố” tôm nuôi chết hàng loạt đã làm các vùng nuôi tôm Đầm Nại (Ninh Hải), An Hải (Ninh Phước), Phước Dinh (Thuận Nam) trở nên ảm đạm thấy rõ. Thạc sĩ Phan Đình Thịnh, Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy sản (NTTS) tỉnh cho biết: “Bệnh lạ từng được nói tới vài tháng trước giờ đã được các nhà khoa học định danh là hội chứng tôm chết sớm bởi bệnh hoại tử gan tụy, có điều chưa tìm ra tác nhân”.

Hiện nay, thỏ là vật nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nhiều hộ trong tỉnh Bắc Giang. Thêm vào đó, đầu tháng 6-2013, Công ty dược phẩm Nippon Zoki Nhật Bản khởi công xây dựng nhà máy Công nghệ sinh học KONISHI Việt Nam tại KCN Quế Võ (Bắc Ninh) với công suất chế biến, tiêu thụ 2 triệu con thỏ thương phẩm/năm, mở ra triển vọng cho nghề chăn nuôi thỏ ở Bắc Giang.