Người Trồng Ớt Thua Đậm

Nếu như vào đầu vụ, giá ớt tại Phù Mỹ (Bình Định) lúc cao nhất lên đến 48-50.000đ/kg (ớt sừng) thì chẳng bao lâu sau tuột xuống còn 30.000đ/kg, rồi rớt xuống chỉ còn… 2.000đ/kg.
Đến lúc này, thì nông dân đành ngậm đắng nuốt cay bỏ ớt khô tại ruộng vì thu hoạch không đủ bù công hái.
Theo ông Lê Hoài Lam, Phó phòng NN-PTNT huyện Phù Mỹ, chuyện giá cả lên xuống bấp bênh của nông sản thì người nông dân không lạ gì, thế nhưng chuyện ớt xuống giá nhanh đến “chóng mặt” như năm nay là chuyện ít thấy.
Ông Lam cho biết: “Ăn Tết xong, ớt sừng (ớt to) chuyên XK đi Trung Quốc có giá đến 48-50.000đ/kg. Thời điểm được giá cao chỉ kéo dài khoảng 20 ngày, sau đó rớt nhanh xuống chỉ còn 30.000đ/kg. Sau đó giảm dần xuống còn 12.000đ/kg, rồi rớt thảm hại chỉ còn 2.000đ/kg. Hiện giá ớt chỉ còn 2.000đ/kg, nhiều ruộng ớt bị nông dân bỏ chín rục tại ruộng, bởi thu hoạch không đủ tiền trả công hái”.
Trong khi đó, cũng theo ông Lam, giá ớt nhỏ (ớt hai mũi tên) chuyên dùng làm ớt khô (ớt bột) thì dù giá có thấp hơn ớt sừng (thời điểm cao nhất 35.000đ/kg) nhưng khi giảm đến mức thấp nhất vẫn ổn định ở mức 15.000đ/kg.
Theo nhiều nông dân trồng ớt chuyên nghiệp ở Phù Mỹ, giá ớt đứng ở mức 48-50.000đ/kg thì người trồng trúng to.
“Bình quân mỗi sào ớt sừng cho 1 tấn quả, nếu bán giá 50.000đ/kg thì sẽ cầm chắc trong tay 50 triệu đồng. Trừ mọi chi phí từ đầu tư phân bón, công chăm sóc đến thuê công hái, công vận chuyển đến nơi thu mua, mỗi sào ớt (500m2) người trồng còn lãi ròng vài ba chục triệu đồng là chuyện nhỏ”, nông dân Nguyễn Tân ở xã Mỹ Quang (Phù Mỹ), cho biết.
“Trồng ớt sừng nông dân chỉ ăn rộ được 1 lứa trái rồi cây ớt sẽ tàn, thế nhưng nếu trồng ớt 2 mũi tên, nông dân sẽ thu nhiều đợt, kéo dài đến 2-3 tháng. Trong khi giá ớt lên xuống thất thường, nếu trồng ớt sừng thu đúng lúc ớt rớt giá là thảm hại ngay, còn nếu trồng ớt 2 mũi tên còn có thể hy vọng những lứa trái sau giá ớt sẽ tăng”, ông Lê Hoài Lam phân tích.
Cũng theo ông Tân, người trồng ớt muốn có lãi giá ớt ít nhất phải ở mức 12.000đ/kg. “Gía ớt năm nay đứng ở mức cao thời gian rất ngắn, sau đó hạ nhanh xuống. Năm nay tui trồng được 4 sào ớt sừng, ban đầu thu hoạch bán được 32.000đ/kg, còn có ăn, sau đó tuột nhanh xuống chỉ còn 2.000đ/kg, hết muốn hái”, ông Tân nói thêm.
Theo ông Lê Hoài Lam, năm nay, nông dân toàn huyện trồng được 947,3 ha ớt, cao hơn năm trước 145 ha, đa số là ớt sừng XK sang Trung Quốc. Khi thị trường này dừng thu mua là lập tức giá ớt xuống thấp, nông dân phải chấp nhận thua đậm.
“Số hộ có ớt bán đúng vào thời điểm giá cao rất ít, vì phải xuống giống ngay trong mùa mưa nên phải có ruộng chân cao mới làm được. Dù đã là đất chân cao nhưng mưa lũ dài ngày nên số cây còn sống cũng hạn chế, nên số ớt thu hoạch sớm bán được giá cao chẳng bao nhiêu. Những diện tích xuống giống đại trà sau tiết đông chí thì thu hoạch hàng loạt nên giá thấp”, ông Lam cho hay.
Vấn đề là vì sao ớt 2 mũi tên tuy có giá luôn thấp hơn ớt sừng, nhưng ổn định ở mức có lãi (thấp nhất là 15.000đ/kg) mà sao nông dân không trồng, cứ tập trung trồng ớt sừng để phải luôn đánh đu với may rủi.
Giải thích chuyện này, ông Lam nói: “Ớt 2 mũi tên cho trái nhỏ, tốn công hái, năng suất lại luôn kém hơn ớt sừng từ 200-300kg/sào, giá lại luôn thấp hơn khoảng 10.000đ/kg nên bà con không ưng. Họ thà làm ớt sừng rồi cầu may thị trường Trung Quốc không “tắt” là có cơ hội kiếm nhiều tiền”.
Related news

Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xuất cấp (không thu tiền) vắc xin dịch tả lợn; hóa chất sát trùng Benkocid; hóa chất Chlorine 65% min; hóa chất sát trùng Han-Iodine thuộc hàng dự trữ quốc gia cho 5 địa phương để phòng chống dịch bệnh.

Vũ Muộn là xã vùng cao của huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn, chủ yếu là đồng bào dân tộc Tày, Nùng, Dao cùng sinh sống. Với điều kiện tự nhiên thuận lợi vài năm trở lại đây nhân dân đã tập trung phát triển đàn dê núi rất hiệu quả. Nghề nuôi dê ở Vũ Muộn đã và đang trở thành mũi nhọn, đem lại thu nhập cao cho nông dân…
Từ xuất phát điểm là một hộ gia đình khó khăn, sau hơn 10 năm phát triển mô hình kinh tế vườn ao chuồng, gia đình anh Nguyễn Văn Nhật (SN 1972, ở thôn Duyên Linh, xã Đình Cao, huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên) đã sở hữu 30 cây nhãn giống mới, gần 1 mẫu ao, 150 con lợn nái và hàng nghìn con lợn thịt được nuôi trong hệ thống “chuồng lạnh” khép kín, mang lại lợi nhuận hàng tỷ đồng mỗi năm.

Nuôi bò và dê ngày càng phát triển rộng trên địa bàn tỉnh Bình Phước do mang lại hiệu quả kinh tế và được thị trường tiêu dùng ưa chuộng. Tuy nhiên, vùng đồng bào Xêtiêng ở khu phố Đông Phất, phường Hưng Chiến, thị xã Bình Long, nuôi trâu lại là thói quen nhiều đời và góp phần quan trọng vào việc ổn định cuộc sống của họ.

Từng là hướng dẫn viên du lịch của một công ty lữ hành tại thủ đô, rồi là nhân viên của Tập đoàn Mobifone, nhưng trong tâm khảm của anh Phạm Văn Nhật (xóm 4, xã Khánh Tiên, Yên Khánh, Ninh Bình) vẫn canh cánh mong ước làm giàu từ chính mảnh đất quê hương. Rời xa chốn phồn hoa đô hội, anh Phạm Văn Nhật đã trở về mảnh đất “chôn rau cắt rốn”, xây dựng trang trại chăn nuôi, nuôi chí làm giàu.