Người Nuôi Heo Bán Rẻ, Người Tiêu Dùng Vẫn Phải Mua Đắt
Thời gian qua, thông tin về chất cấm đã kéo giá heo hơi giảm mạnh xuống hơn 1 triệu đồng/tạ. Tuy nhiên, trái ngược hoàn toàn giá xuất chuồng, giá thịt heo ở chợ vẫn ở mức cao. Lợi nhuận từ sự chênh lệch giá thịt heo từ người chăn nuôi đến người tiêu dùng đang rơi vào tay thương lái và tiểu thương.
NGƯỜI NUÔI “KIỂU GÌ CŨNG LỖ”
Sau khi rộ tin thịt heo nhiễm chất cấm, giá heo hơi ở Bà Rịa - Vũng Tàu đã “lao dốc” mạnh từ mức 58.000 đồng/kg xuống còn 40.000 đồng/kg, giảm tới 18.000 đồng/kg. Trong khi đó, giá các loại nguyên liệu đầu vào: con giống, thức ăn chăn nuôi, điện nước, thú y, nhân công …vẫn duy trì mức cao, làm người chăn nuôi heo lỗ nặng.
Trong một năm trở lại đây, chỉ tính riêng giá thức ăn chăn nuôi trên thị trường đã tăng trên 7 lần. Hiện tại, một số loại thức ăn chăn nuôi gia súc như Cargrill, Con Cò, Hi-Gro... giá từ 350.000 - 450.000 đ/bao (25 kg); thức ăn hỗn hợp 260.000 - 390.000 đ/bao; giá cám Kinh Bắc DABACO dạng viên giá 405.000 đồng/25 kg; cám bột 355.000 đồng/20 kg, ngô 8.000 đồng/kg... Giá heo giống bán ra thị trường trong thời điểm này cũng từ 1,5 - 2 triệu đồng/con khoảng 20 kg, tăng 20.000 đồng/kg so với thời điểm đầu năm 2011.
Ông Trương Hữu Quý, chủ trang trại nuôi heo ở xã Phước Hội (huyện Đất Đỏ) cho biết: “Tôi mua con giống loại 20 kg/con là 1,7 triệu đồng, cộng với chi phí 70 kg thức ăn khoảng 2,2 triệu đồng, cộng tiền điện nước, thuốc thú y, công chăm sóc, khấu hao nữa, tính hết chi phí, giá heo hơi bán phải từ 4,5 triệu đồng/tạ trở lên mới bắt đầu có lời được”. Ông Dương Hà, chủ trang trại nuôi heo ở xã Đá Bạc (huyện Châu Đức) phụ họa: “Từ hôm có thông tin về chất tạo nạc, người chăn nuôi khốn khổ, bán heo kiểu gì cũng lỗ. Trang trại chăn nuôi nào lớn, mua được thức ăn với giá bán sỉ và có heo nái, chủ động được giống, thì mỗi con heo xuất chuồng lỗ khoảng 250.000 đồng. Trang trại nào phải mua giống, quy mô nhỏ thì mỗi con heo xuất chuồng lỗ trên 500.000 đồng”.
Giá heo hơi xuất chuồng giảm mạnh nhưng giá thức ăn chăn nuôi trên thị trường lại không ngừng tăng, làm người nuôi heo thua lỗ nặng. Ảnh: Thanh Nga
NGƯỜI TIÊU DÙNG “CẢM THẤY BỊ BẮT CHẸT”
Tại chợ Vũng Tàu, hiện tại thịt ba rọi ngon giữ mức 100.000 đồng/kg, thịt mông và thịt vai: 90.000 đồng/kg, sườn non: 100.000 đồng/kg… Việc thịt heo chỉ giảm nhẹ một thời gian ngắn và sớm phục hồi lại mức giá cũ (trước khi có thông tin về chất tạo nạo) đã gây không ít bất bình cho người tiêu dùng.
Chị Lê Thanh Mai, khách mua hàng tại chợ Vũng Tàu thắc mắc “Tôi rất băn khoăn vì sao gần đây giá heo hơi đã giảm mạnh nhưng giá thịt heo ở chợ vẫn có giá bán cả trăm ngàn đồng/kg, đây là một điều quá bất hợp lý. Tẩy chay không mua, không ăn thịt heo thì không được, mà đi mua thịt thì người tiêu dùng chúng tôi cảm thấy như đang bị bắt chẹt”. Chị Ngô Thị Ngọc, một khách hàng khác cũng bức xúc: “Bây giờ, giá cả đắt đỏ mà thu nhập khó khăn, phải tiêu tiền vô lý như thế người nội trợ như tôi thấy xót lắm. Tôi tính, nếu giá heo hơi trên 40.000 đồng/kg thì cộng thêm tiền giết mổ, vận chuyển...giá bán thịt trên thị trường chỉ dao động từ 70.000 đồng - 75.000 đồng/kg là người bán đã có lãi rồi”.
LỢI NHUẬN RƠI VÀO TÚI AI?
Trước thắc mắc vì sao giá thịt heo ở chợ vẫn ở mức cao, tiểu thương đổ lỗi nguyên do mua từ thương lái giá cao nên phải bán cao. Ngược lại, thương lái lại cho rằng chính tiểu thương mới là người tự nâng giá. Chị Ngọc Diệp, một tiểu thương bán thịt heo ở chợ Vũng Tàu cho biết: “Mỗi cân thịt heo móc hàm nhập từ lò mổ với giá 80.000 đồng, thêm 150.000 đồng công vận chuyển cho hơn một tạ thịt, trừ tiền sạp chợ, người bán chúng tôi chỉ lãi được 2.000 - 4.000 đồng/kg. Các thương lái mua từ trang trại nuôi heo với giá bao nhiêu tôi không rõ, nhưng giá thịt heo móc hàm vẫn ở mức cao nên chúng tôi vẫn phải giữ giá bán như vậy”. Trong khi đó, ông Trần Bình, một thương lái ở Châu Đức lại cho rằng: “Giá bán thịt heo từ thương lái, lò mổ cho tiểu thương đã giảm nhiều so với trước. Nhưng vì sức tiêu thụ thịt heo ở chợ bây giờ rất chậm, tiểu thương sợ ế ẩm không bán được thịt nên lấy ít hàng, nhưng họ vẫn đẩy giá cao để lấy lời. Trước đây họ bán 100 kg thịt lời 500.000 đồng, nay họ chỉ bán 50 kg vẫn lời 500.000 đồng”.
Tiểu thương ở chợ và thương lái mỗi người một ý nên rất khó biết ai đang thực sự hưởng lợi lớn trong chuỗi phân phối thịt heo từ người chăn nuôi đến tay người tiêu dùng. Theo ông Hà Lâm Quỳnh, Phó trưởng Chi cục Thú y, để giải quyết mức giá chênh lệch quá cao đối với các mặt hàng thực phẩm tươi sống thì tỉnh cần phải quy hoạch nên các chợ đầu mối nông sản thực phẩm ở khu vực thuận lợi để người dân thuận tiện đến mua sắm, tiểu thương ở chợ lẻ đến lấy hàng nhằm giảm bớt chi phí vận chuyển, giảm bớt các khâu trung gian.
Related news
Ngày 24/4, Hiệp hội Thủy sản tỉnh Đồng Tháp tổ chức Đại hội đại biểu lần thứ III, nhiệm kỳ 2015-2020. Theo Hiệp hội Thủy sản, tính đến cuối năm 2014, vùng nuôi thủy sản tỉnh đạt 7.600ha, sản lượng 474.500 tấn, kim ngạch xuất khẩu cá tra đạt trên 541 triệu USD (tăng 3,6 lần so với đầu nhiệm kỳ), sản phẩm cá tra có mặt gần 100 thị trường trên thế giới.
Vốn một thời hứng chịu cảnh tàn phá bởi “bom rơi đạn xới”, nhưng làng quê Hỏa Tiến, thành phố Vị Thanh hôm nay đang từng bước chuyển mình, khẳng định sức sống mới ngay trên vùng căn cứ cách mạng năm xưa.
Hậu Giang hiện có trên 10.000ha cam sành, tập trung chủ yếu ở thị xã Ngã Bảy và huyện Châu Thành. Tuy nhiên diện tích này bị thu hẹp từng ngày bởi dịch bệnh vàng lá gân xanh đang tàn phá nặng nề.
Những năm gần đây, mô hình nuôi bồ câu phát triển khá mạnh tại nhiều địa phương trong tỉnh Khánh Hòa. Đây là vật nuôi đầu tư thấp nhưng hiệu quả cao.
Đề án tái cơ cấu ngành Chăn nuôi theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững được Bộ NN&PTNT phê duyệt tháng 5/2014 cho thấy những chuyển biến tích cực. Vì vậy, khắc phục điểm yếu và tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu là nhiệm vụ quan trọng của ngành trong hội nhập.