Người nuôi cá bè có thể bị thiệt hại do xâm nhập mặn
Theo Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh, từ đầu năm 2016 đến nay, xâm nhập mặn vùng hạ lưu sông Tiền tăng dần và đạt mức cao nhất vào thời kỳ cuối tháng 2-2016. Dự báo ngày 25 và 26-2-2016, độ mặn tại Mỹ Tho có thể đạt mức 2 - 4 mg/l nên nhiều khả năng ảnh hưởng gây bất lợi cho cá nuôi bè khu vực này (sức đề kháng của cá yếu, tỷ lệ hao hụt cao, dịch bệnh nhiều…).
Trước tình hình này, Chi cục Thủy sản tỉnh khuyến cáo người nuôi cá bè, nhất là các hộ nuôi bè khu vực xã Thới Sơn và phường Tân Long (TP. Mỹ Tho) không nên thả giống mới trong thời điểm hiện nay mà chỉ nên thả giống khi có thông báo hết độ mặn của cơ quan chức năng.
Bên cạnh đó, cần thường xuyên kiểm tra các yếu tố môi trường nước; đồng thời theo dõi kết quả quan trắc môi trường của Đài Khí tượng Thủy văn, Chi cục Thủy sản… nhằm phát hiện sớm các biến động bất thường của độ mặn và có biện pháp xử lý kịp thời.
Nếu đàn cá nuôi đã đạt kích cỡ thu hoạch và cá được giá thì nên có kế hoạch thu hoạch nhằm tránh thiệt hại xảy ra. Trong trường hợp cá nuôi chưa đạt cỡ thu hoạch cần chủ động di chuyển bè nuôi đến vùng nuôi an toàn, khả năng độ mặn thấp (khu vực đã được quy hoạch thuộc huyện Cai Lậy, huyện Cái Bè) để hạn chế thiệt hại.
Ngoài ra, người nuôi cá bè cần thường xuyên theo dõi tình trạng sức khỏe, tốc độ sinh trưởng cá nuôi; bổ sung các loại khoáng, vitamin, primex… để tăng cường sức đề kháng cho cá nuôi nhằm giúp đàn cá có khả năng thích nghi với biến đổi bất lợi của các yếu tố môi trường.
Theo số liệu thống kê của Chi cục Thủy sản, hiện nay toàn tỉnh có 1.229 bè đăng ký (có 1.195 bè neo đậu tại tỉnh). Từ đầu năm 2016 đến nay, toàn tỉnh đã có 237 bè thả nuôi mới với 5,3 triệu cá giống và 246 bè thu hoạch với sản lượng thu hoạch đạt 1.539 tấn. Hiện nay, tình hình cá nuôi bè phát triển bình thường, giá cá thương phẩm ở mức cao (từ 31.000 - 32.000 đồng/kg).
Ngày 5-2-2016, UBND tỉnh ban hành Quyết định 302/QĐ-UBND về việc công bố thiên tai xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh. Cấp độ rủi ro thiên tai xâm nhập mặn thuộc cấp độ 1. Theo đó, UBND tỉnh giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành có liên quan và UBND các huyện, thành, thị trong tỉnh triển khai kế hoạch, phòng chống hạn, mặn, bảo vệ diện tích sản xuất nông nghiệp, thủy sản và đảm bảo không để thiếu nước sinh hoạt cho người dân.
Related news
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh Hà Giang, Sở NN-PTNT nhiều lần kiểm tra thực tế, có giải pháp tạm thời, đồng thời thực hiện cả “ngoại giao con thoi” nhằm “giải cứu” các ao nuôi cá. Chủ trương, giải pháp đề ra được các bộ, ngành T.Ư ủng hộ, tuy nhiên do khó khăn về nguồn vốn nên đến nay nhiều ao nuôi cá vẫn phải để... nuôi cỏ - ông Nguyễn Đức Vinh, Giám đốc Sở NN-PTNT trăn trở về thực trạng đang diễn ra tại Trung tâm Thủy sản tỉnh!.
Từ tháng 3, Mỹ bắt đầu áp dụng chương trình giám sát cá da trơn khi nhập khẩu vào thị trường này, còn trong nước giá cá bắt đầu nhích nhẹ lên. Tuy vậy, việc sản xuất và xuất khẩu mặt hàng này vẫn đối diện muôn vàn khó khăn, thách thức.
Trước tình trạng người nuôi tôm không mặn mà thả nuôi dẫn đến nguồn cung nguyên liệu cho các doanh nghiệp đang thiếu đã đẩy giá tôm thẻ lên cao.