Home / Tin tức / Mô hình kinh tế

Người Nông Dân Mông Bắt Núi Cúi Đầu

Người Nông Dân Mông Bắt Núi Cúi Đầu
Publish date: Monday. July 15th, 2013

Trong buổi làm việc với ông Nguyễn Đình Cậy - Phó Chủ tịch Hội nông dân huyện Tủa Chùa - chúng tôi cảm nhận được một luồng gió mới đầy hứng khởi đang thổi vào miền đất gian khó bản Sín Sủ 2, xã Xá Nhè.

Ông Cậy bảo: “Tủa Chùa là miền quê nghèo, nhưng nơi đây vẫn có rất nhiều con người đã dám thay đổi tư duy để đưa phương pháp canh tác mới vào sản xuất. Trong đó tấm gương tiêu biểu là ông Lầu A Sử”...

Khoét núi thành ao

Theo lời giới thiệu khá thú vị của ông Cậy, chúng tôi men theo con đường nhựa phẳng lì dẫn vào nhà ông Sử. Đến địa phận bản Sín Sủ 2, một cảnh tượng khiến chúng tôi ngỡ ngàng, dọc hai bên đường là hệ thống ao nuôi cá nối nhau chạy dài tới tận chân núi. Chúng tôi leo lên cái ao ở lưng chừng núi, ông Sử và các con đang bắt cá giống. Người đàn ông trạc ngoại ngũ tuần này có thân hình quắc thước, nước da sạm màu nắng gió cao nguyên, luôn nở nụ cười tươi chào đón khách.

Ông và anh con trai kéo tấm lưới đi băng băng. Lưới rê đến đâu, đám cá trong ao nhảy loạn xạ. Nhìn đàn cá trôi, cá trắm nhảy lên lấp lánh dưới ráng chiều, ông Sử có vẻ ưng ý lắm. Ông nhẹ nhàng bắt từng con cá giống để vào trong xô rồi chuyển sang các ao khác. Hóa ra cái ao trên lưng chừng núi này là nơi ương cá giống.

Khoảng nửa tiếng sau, việc chuyển cá giống xong đâu vào đó, ông Sử “hạ lệnh” cho cô con dâu bắt một con cá trắm to để đãi khách. Vừa dẫn chúng tôi về khu lều, ông Sử tranh thủ giới thiệu về cơ ngơi của mình. Hiện giờ ông có 20 ao nuôi cá, với tổng diện tích khoảng 2ha; năm ngoái, ông thu được gần 350 triệu đồng từ những ao cá này. “Tất cả các ao tôi đều chôn đường ống dẫn nước nguồn về. Giờ tôi mới kè bờ đá chắc chắn được 5 ao. Sắp tới các ao khác tôi cũng sẽ kè bờ kiên cố để giữ nước cho tốt” - ông Sử tự hào khoe.

Tiếp xúc với ông Sử, tôi mới hiểu hơn những khó khăn, gian khổ khi ông hạ quyết tâm khoét núi, phá ruộng để làm ao thả cá. Mặt trời vừa khuất sau đỉnh núi cũng là lúc vợ con ông đã chuẩn bị xong bữa tối. Mùi thơm của cá nướng lan tỏa cả một góc rừng, ông Sử ân cần mời chúng tôi vào nhà uống rượu và thưởng thức sản phẩm cá sạch do chính ông làm ra theo cơ chế “tự cung, tự cấp”.

Con trắm khoảng 2kg, thịt chắc nịch, thơm ngon hơn cả cá của lòng hồ sông Đà. Sau chén rượu xã giao, ông khẳng định: “Cá tôi nuôi ở ao, giá bán cao hơn cá sông Đà và ăn đứt cá miền xuôi mang lên”.

Uống nốt chén rượu, ông nói tiếp: “Cá tôi nuôi không sử dụng thức ăn công nghiệp nên chúng lớn chậm. Hơn nữa, nước ở đây rất sạch, nguồn thức ăn tự nhiên lại dồi dào nên thịt của chúng luôn chắc, thơm ngon hơn so với cá nơi khác mang đến”. Được biết cá ông mang ra chợ thị trấn Tủa Chùa bán hết veo, chẳng bao giờ ế con nào cả. Tuy nhiên, để có được như ngày hôm nay ông Sử cũng trải qua không ít phen lận đận.

Con cá lãi gấp 10 lần cây lúa

Ông Lầu A Sử sinh ra và lớn lên tại vùng đất nghèo khó Xá Nhè này. Bao đời nay bà con người Mông nơi đây vật lộn với nương rẫy để kiếm cái ăn. Họ đi làm từ sáng sớm cho đến lúc mặt trời khuất núi mới về nhà, vậy mà nhiều khi vẫn không kiếm đủ cái ăn, chính nhà ông Sử mỗi năm cũng thiếu ăn vài ba tháng. Sau khi từ quân ngũ trở về, ông lấy vợ rồi sinh con đẻ cháu như mọi người. Cái điệp khúc nương đồi lại bám lấy vợ chồng ông như một định mệnh truyền kiếp. Ông bàn với vợ tranh thủ những dịp nông nhàn, đi buôn trâu, bò.

Ngày đó, đường sá các huyện vùng cao còn khó khăn, mua được con trâu, con bò mang ra tới chợ huyện bán cũng mất cả tuần, thậm chí nửa tháng. Công việc vất vả, tiền kiếm được chẳng đáng là bao khiến ông thêm phần mệt mỏi. Trong những chuyến đi buôn trâu, ông mơ hồ nhận thấy nghề nuôi cá của bà con vùng thấp rất phát triển. Rồi bỗng một đêm, ông nghĩ: Bản mình có ruộng, có nước, tại sao bao đời nay chẳng ai chịu nuôi cá?

Về nhà, ông bàn với vợ con, đào thửa ruộng bậc thang trên núi để làm ao thả cá. Khi đó vợ con ông và cả những người dân trong bản, không ai tin rằng, việc ông làm sẽ mang lại hiệu quả. Một mình ông lưng trần, trên đầu đội cái nón mê, moi từng hòn đá ở lòng ruộng bậc thang để tạo thành ao.

Sau một năm đổ mồ hôi sôi nước mắt, ông mới đào được 1 cái ao, diện tích khoảng 1.000m2. Ông bắc nước vào ao rồi thân chinh xuống tận TP. Điện Biên Phủ mua cá giống về, bắt đầu cho một cuộc “phiêu lưu” chả biết sẽ kết cục thế nào. Mỗi ngày trôi qua là một ngày thử thách sự kiên trì và cả những may mắn. Kinh nghiệm nuôi cá chưa có, vừa làm vừa học cứ như người bị lạc trong rừng rậm vậy.

Sau 1 năm, cá trong ao của ông đã lớn nhiều. Thức ăn cho cá ông lấy hoàn toàn ở tự nhiên chứ không phải mua. Đến vụ thứ 2 từng đàn cá quẫy nước “ùm ùm”, ông mới tin việc mình làm đã mang lại hiệu quả. Nhiều đêm ông đem chai rượu ngô ra ngồi một mình hàng giờ ở bờ ao, mặc cho muỗi dĩn đốt thoải mái, nhưng không phải trông trộm mà là để... nghe cá quẫy nước.

Lần đầu gạn ao, ông bán được hơn chục triệu đồng tiền cá. Thế là “giàng” không phụ cha con người nông dân Mông “bán mặt” cho ao mà “bán lưng” cũng cho ao. Đó là số tiền lớn nhất mà ông có được, kể từ lúc bố mẹ cho tách hộ ở riêng. Ông Sử cho rằng, nuôi cá lợi nhuận cao gấp 10 lần trồng lúa. Tại bản Sín Sủ 2, nhờ có nguồn nước sạch dồi dào nên nuôi cá thuận lợi hơn so với nhiều nơi khác.

Nhân lên niềm tin

Đúng năm đó, nhà nước đầu tư mở đường vào bản, thừa thắng xông lên, ông Lầu A Sử tiếp tục cải tạo nhiều chân ruộng xấu ven núi đá thành ao nuôi cá. Có tiền, ông không phải đào ao thủ công nữa mà thuê máy xúc vào làm. Cứ sau mỗi năm, số lượng ao cá của ông lại tăng lên. Từ 1 ao ban đầu, rồi 2 ao, 3 ao... đến nay ông có hệ thống ao liên hoàn với tròn 20 cái, nằm ở bản Sín Sủ 2 và bản Phiêng Quảng, xã Xá Nhè. Từ ngày mở rộng ao nuôi cá, gia đình ông Lầu A Sử đã có của ăn của để, dựng nhà và mua xe máy là chuyện nhỏ.

Chứng kiến mô hình nuôi cá của ông Sử mang lại hiệu quả cao, một số hộ dân trong bản cũng làm theo. Người hưởng ứng hăng hái nhất là ông Giàng Chù Di, Trưởng bản Sín Sủ 2. Ông Di đã cải tạo 2 chân ruộng xấu thành 2 ao cá, thời gian đầu ông Di được ông Sử hướng dẫn tận tình từ việc thiết kế ao đến kinh nghiệm mua con giống và chăm cá như thế nào cho hiệu quả.

Sau mấy năm, ông Di thu được hơn 30 triệu đồng mỗi vụ cá. Nói về mô hình nuôi cá do ông Sử hướng dẫn, ông Di hết lời khen ngợi: “Ông Sử đã giúp dân bản thay đổi tư duy sản xuất. Giờ nhiều hộ dân có ao cá là cơ bản thoát được nghèo rồi”.

Từ ngày mấy chục hộ dân trong bản học theo cách làm của ông Sử, đời sống của bà con đã thay đổi nhanh chóng. Giờ đây ông Sử đang vận động các hộ liên kết lại, để biến khu vực bản Sín Sủ 2 thành vùng chuyên canh cá thương phẩm. “Nếu các hộ đoàn kết với nhau sẽ mang lại nhiều cơ hội hơn từ phòng chống dịch bệnh, tiêu thụ sản phẩm và việc điều tiết nguồn nước ao sẽ hài hòa, thuận lợi” - Đó là quan điểm của người nông dân Mông biết cách bắt núi phải “cúi đầu”, tạo niềm tin cho nhiều hộ khác yên tâm tìm hướng đổi đời...


Related news

Báo Vĩnh Long, 21/06/2012 Báo Vĩnh Long, 21/06/2012

Phân loại để làm tăng giá trị của cây hành.

Saturday. June 23rd, 2012
Cam Ngọt Trên Những Triền Đồi Đạ Sar Cam Ngọt Trên Những Triền Đồi Đạ Sar

Những cây cam, cây quýt đeo trái lúc lỉu chênh vênh trên những sườn đồi cao, xếp thành hàng, thành lối. Giữa vùng sâu Đạ Sar có một trang trại trồng cam quýt đặc sản, vừa mang lại thu nhập cao, vừa cung cấp cho Đà Lạt những trái cam, quýt ngon, sạch, như quýt Tích Giang, cam Canh, cam Vinh, cam giống Mỹ

Saturday. June 23rd, 2012
Nhiều Giống Lúa Thay Thế IR 50404 Nhiều Giống Lúa Thay Thế IR 50404

Do đặc tính thời gian sinh trưởng ngắn, năng suất cao lại dễ canh tác nên giống lúa IR 50404 thời gian qua được bà con nông dân các tỉnh ĐBSCL ưa chuộng. Tuy nhiên, qua thời gian, giống lúa này đã biểu hiện nhiều nhược điểm như ít kháng sâu bệnh, thân cây yếu, dễ bị ngã đổ…

Wednesday. May 16th, 2012
Muốn Bắt Tay Cùng Nông Dân Làm Ăn Lớn Muốn Bắt Tay Cùng Nông Dân Làm Ăn Lớn

Coi kinh doanh thực phẩm là cái nghiệp, ông Phí Ngọc Chung- Tổng Giám đốc Trung Thành Group (Hà Nội) đã thổ lộ mong muốn được cùng với nông dân sản xuất thực phẩm quy mô lớn.

Sunday. June 24th, 2012
Hiệu Quả Từ Mô Hình Nuôi Nhím Sinh Sản Ở Thái Bình Hiệu Quả Từ Mô Hình Nuôi Nhím Sinh Sản Ở Thái Bình

Nhím là loài gặm nhấm rất dễ nuôi, ít dịch bệnh, kháng bệnh tốt, yêu cầu về chăm sóc, nuôi dưỡng đơn giản, hiệu quả kinh tế mang lại cao. Thấy được nguồn lợi đó, những năm gần đây, một số hộ gia đình của huyện Quỳnh Phụ (Thái Bình) đã chuyển sang nuôi nhím.

Saturday. April 21st, 2012