Người Nặng Lòng Với Cây Dó Bầu
Mạnh dạn thử nghiệm cây trồng mới, ông Nguyễn Văn Đức ở ấp 4, xã Lạc An, huyện Bắc Tân Uyên (Bình Dương)trồng xen canh cây dó bầu lấy trầm hương với cây điều, cao su. Sau gần 10 năm chăm sóc, vườn cây hơn 4 ha của ông chuẩn bị cho thu hoạch, hứa hẹn mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Học hỏi trồng cây dó bầu từ những người bạn ở Đồng Nai, năm 2005 ông Đức đã trồng hơn 400 cây dó bầu xen canh với cây điều. Cây dó bầu thích ứng với điều kiện đất đai, khí hậu và phát triển tốt khi xen canh với cây điều nên ông trồng thêm trên diện tích hơn 4 ha điều, cao su còn lại.
Ông Đức chia sẻ, cây dó bầu dễ trồng, dễ chăm sóc. Quá trình chăm sóc cho cây điều, cây cao su là đã chăm sóc luôn cho cây dó bầu. Khi cây còn nhỏ ưa bóng râm nên thích hợp trồng dưới tán cây điều, cây cao su. Mật độ trồng xen canh từ 1.000 - 1.500 cây trên 1 ha là phù hợp. Hiện một cây dó bầu giống có giá 4.000 đồng, nhiều gia đình có thể trồng được.
Cách tạo trầm cho cây được chia hai loại, một loại lột vỏ cây ra rồi quét thuốc lên và tiêm thuốc trong cây để cây tạo trầm hương. Đối với cây dó bầu 5 - 7 năm tuổi chỉ khoan 2 - 3 lỗ, mỗi lỗ bơm một chai thuốc (0,5 lít) cấy trầm; cây trên 10 năm tuổi khoan 2 tầng (6 - 8 lỗ). Với phương pháp trồng và cấy thuốc như trên, sau 3 tháng, áo dầu (lớp trầm mỏng) màu nâu xuất hiện, đến 12 tháng đã có thể khai thác.
Lúc này, trầm tích tụ từ gốc cho tới những nhánh nhỏ, độ kết tủa dày 1 - 2mm. Nếu có điều kiện nuôi cây đến 24 tháng, trầm càng tích tụ, màu càng đẹp và bóng. Tuy vậy cây dó bầu cũng có những hạn chế, đó là thời gian từ khi trồng đến khi thu hoạch khá dài, từ 7 - 10 năm; quét, cấy trầm trong cây phải đúng thời điểm nếu không cây sẽ khô và không cho trầm... Sau gần 10 năm chăm sóc, hơn 400 cây dó bầu của ông Đức đang sắp cho khai thác.
Ước tính, nếu bán hết cho các cơ sở tách trầm, 400 cây dó bầu bán thô ông Đức có thể thu về hơn 1 tỷ đồng. Bên cạnh việc trồng, ông cũng ươm giống dó bầu bán cho người dân trong vùng. Hiện vườn ươm của ông có hơn 14.000 cây giống. Ông còn mở cơ sở thu mua cây gió bầu và tách trầm. Ngoài tăng thêm thu nhập cho gia đình, cơ sở này đã tạo việc làm thường xuyên cho 6 - 7 lao động, mức lương ổn định 200.000 đồng/ngày.
Năm nay giá dó bầu có phần giảm so với mấy năm trước, còn khoảng 2 - 2,2 triệu đồng/kg nhưng vẫn là thu nhập cao so với nhiều cây khác, đặc biệt là thị trường tiêu thụ mặt hàng này đang rất lớn nên người trồng cây này rất an tâm. Ông Đức cho biết, thành phẩm trầm hương được ép thành dầu trầm dùng chữa bệnh, hương liệu sản xuất hóa mỹ phẩm…
Một cây dó bầu (loại quét thuốc kích thích bên ngoài cây) sau 7 - 10 năm cho từ 2 - 3kg thành phẩm, còn loại tiêm thuốc kích thích cho cây thời gian thu hoạch từ 9 - 10 năm cho 4 - 5kg thành phẩm. Trừ chi phí trồng, chăm sóc, công làm thành phẩm, sản phẩm từ cây dó bầu cho hiệu quả kinh tế cao hơn cây điều, cây cao su.
Ông Đức là người đầu tiên mạnh dạn mang cây dó bầu về trồng tại địa phương; bên cạnh đó loại cây cho hiệu quả kinh tế cao nên nhiều người dân đã đến nhà ông học hỏi kinh nghiệm trồng, chăm sóc cây dó bầu. Một số bà con đã mạnh dạn làm theo ông và giờ đã cho thu hoạch.
Có thể thấy, hiệu quả kinh tế ban đầu mà cây dó bầu mang lại đã mở ra một hướng phát triển mới cho người nông dân ở xã Lạc An; đặc biệt là giúp người dân tận dụng diện tích đất trống khi trồng điều, cao su để tăng thu nhập cho gia đình.
Ông Nguyễn Văn Minh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Lạc An, cho biết mô hình trồng cây dó bầu lấy trầm hương của gia đình ông Nguyễn Văn Đức bước đầu cho hiệu quả kinh tế cao. Đến nay, nhiều bà con trong xã đã đến học tập trồng dó bầu, diện tích trồng dó bầu trong xã cũng đã tăng lên gần 20 ha.
Để người dân có kinh nghiệm trồng, chăm sóc cây dó bầu, tới đây Hội Nông dân xã sẽ đề nghị Hội Nông dân tỉnh tổ chức tập huấn, hội thảo về việc trồng cây dó bầu, góp phần mở ra hướng đi mới mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân.
Related news
Hội nông dân (ND) xã Thanh Nghị, huyện Thanh Liêm đang xây dựng mô hình “Thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng và rác thải trên đồng ruộng”.
Xác định tam nông là thị trường chính để đầu tư nên vốn của Agribank “chảy” ngày càng nhiều vào lĩnh vực này. Nguồn vốn đó đã giúp rất nhiều hộ nông dân vươn lên làm giàu.
Tham gia CLB Khuyến nông nuôi ếch, các hộ thành viên ở thôn Thuận Hòa B, xã Hương Phong, thị xã Hương Trà, Thừa Thiên - Huế đã chủ động từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm.
Năng động, nhạy bén với thị trường, ông Nguyễn Công Nguyên (55 tuổi, ở xã Gia Thịnh, huyện Gia Viễn, Ninh Bình) đã thành công với mô hình nuôi con đặc sản.
Trước đây ở Mường Lay (Điện Biên) chẳng ai trồng ngô đông, khoai tây, làm nhà cho gia súc, gia cầm, nay thì ai cũng làm cả. Người nghèo làm vì muốn thoát cảnh khó khăn, người có điều kiện thì cố gắng để giàu hơn nữa...