Ngừng rải vụ cây ăn trái để tránh hạn, mặn
Cùng với cây lúa và các sản phẩm thủy sản, sản xuất cây ăn trái tại vùng ĐBSCL thời gian qua cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Hiện tại, nước mặn đã xâm nhập đến những vùng trồng cây ăn trái tập trung ở các tỉnh như Bến Tre, Vĩnh Long, Tiền Giang, Hậu Giang…
Tại huyện Chợ Lách (tỉnh Bến Tre), nơi được xem là vương quốc cây giống của vùng ĐBSCL, dự báo thiệt hại do xâm nhập mặn thời gian qua tới hơn 30 tỷ đồng. Nguyên nhân là do người dân sử dụng nước nhiễm mặn để tưới cây gây ra hiện tượng cháy lá, rụng hoa, quả, cây mất sức sống, thậm chí chết cây…
Theo phân tích của TS Nguyễn Minh Châu – nguyên Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam, ĐBSCL có khoảng 280.000ha diện tích cây ăn trái các loại, trong đó, chủ yếu là cây có múi, là loại cây trồng rất mẫn cảm với nước lũ, ngập mặn. Trên thực tế, từ cuối năm 2015, đã có nhiều diện tích cây ăn trái ở ĐBSCL giảm năng suất, thậm chí chịu cảnh “chết đứng” do nước mặn xâm nhập sâu vào đất liền.
Để hạn chế những thiệt hại do hạn, mặn, Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) mới đây khuyến cáo các địa phương không tiến hành rải vụ đối với các diện tích cây ăn quả bị nhiễm mặn, đồng thời kéo dài thời gian giữa hai lần tưới. Đặc biệt, nếu độ mặn lên mức > 2/1.000 thì hạn chế tưới nước cho cây.
Ngoài ra, Cục Trồng trọt cũng cho rằng, nhà vườn nên tạo lớp màng phủ để giữ ẩm cho cây trồng, có thể dùng rơm, rạ, cỏ, lục bình… phủ lên gốc để giữ ẩm cho cây. Trong thời điểm nhiễm mặn cần tăng cường bón phân hữu cơ và lân, kali hạn chế bón phân hoá học khác. Song song với các biện pháp trên, nhà vườn nên tiến hành tạo tán, tỉa cành để giảm thoát hơi nước và để duy trì cây sử dụng ít nước trong thời gian xâm nhập mặn.
Trong khi đó, theo một số nhà chuyên môn, so với các giống cây có múi, cây xoài chống chịu mặn khá hơn, ngược lại, cam, quýt thuộc nhóm cây mẫn cảm với mặn hoặc chịu mặn kém, riêng bưởi và chanh có khả năng chống chịu được độ mặn từ 0,2 – 0,3/1.000.
Do đó, với những diện tích trồng mới, nhà vườn nên cân nhắc lựa chọn giống cây trồng phù hợp, không thực hiện việc trồng mới trong mùa khô và giai đoạn xâm nhập mặn.
Trong vụ hè thu 2016, Cục Trồng trọt cũng đặt mục tiêu chuyển đổi cây trồng trên đất lúa với diện tích khoảng 15.000ha, chủ yếu sang các loại cây trồng khác như bắp (ngô), lạc (đậu), khoai lang, rau màu khác… nhằm hạn chế thiệt hại do thiếu nước tưới.
Related news
Trước tình hình hạn mặn diễn ra ngày càng gay gắt, để cứu hàng nghìn ha lúa đông xuân chuẩn bị thu hoạch, một số nông dân huyện Tiểu Cần, Trà Vinh đã cùng nhau góp vốn bơm nước, đắp kênh.
Đó là thông tin do ông Phan Xuân Thảo - Chi cục trưởng Chi cục Thú y TP.HCM nêu ra tại Hội nghị Thanh tra chuyên ngành của Bộ NNPTNT tổ chức vào sáng 1.4 tại TP. Đà Nẵng.
Tỉnh Yên Bái dành 100 tỷ đồng để hỗ trợ sản xuất nông-lâm nghiệp và thủy sản gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp từ năm 2016 đến 2020.