Ngư Dân Bình Thuận Được Mùa Vụ Bấc

Mùa bấc, mùa khó khăn nhất của ngư dân trong năm vì thời tiết trở gió. Tuy nhiên, thời gian qua sản lượng thủy hải sản đánh bắt vẫn có những kết quả đáng mừng…
Hơn 6 giờ sáng, Cảng cá Phan Thiết (Bình Thuận) trong không khí chộn rộn, tất bật của hàng loạt xe đông lạnh vận chuyển, các đầu mối thu mua gần như làm việc hết công suất. Âm thanh của nhà máy xay đá, tiếng gọi nhau, cười đùa trò chuyện của những công nhân bốc xếp tạo nên một bức tranh sinh động khi những chuyến tàu trở về, cá bạc đầy khoang. Chị Nguyễn Thị Bảy - một công nhân trên cảng cá từ nhiều năm qua cho biết: “Khi tàu vô, tôi dỡ cá từ tàu lên, phân loại, muối đá mỗi ngày cũng được gần 200 ngàn đồng. Tùy hôm cá nhiều hay ít, nhiều thì tiền công có thêm chút đỉnh”.
Nhìn lại năm 2014, thời tiết tương đối thuận lợi cho những chuyến biển. Một năm làm ăn hiệu quả của tàu thuyền có công suất lớn đánh bắt xa bờ. Phan Thiết tuy không phải đô thị 100% tập trung về ngư nghiệp nhưng nghề biển đã gắn bó từ rất lâu đời với những địa phương như Đức Thắng, Đức Nghĩa, Bình Hưng, Hưng Long, Đức Long, Hàm Tiến, Mũi Né…
Tổng sản lượng khai thác thủy sản của năm 2014, thành phố Phan Thiết mang về 55.300 tấn cá, 3.000 tấn tôm, 6.500 tấn mực, hải đặc sản 3.500 tấn cùng với hơn 6.000 tấn hải sản khác cung cấp cho thị trường nội địa và xuất khẩu, đạt 100,5 % so với mục tiêu ban đầu.
Ông Lê Văn Minh - Trưởng Phòng Kinh tế Phan Thiết cho biết: Năm 2015 sẽ tiếp tục khuyến khích việc đánh bắt xa bờ góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo, nâng cao năng suất khai thác thủy sản và bằng nhiều biện pháp ngăn chặn cạn kiệt nguồn lợi do việc khai thác quá mức cho phép hoặc khai thác thủy sản ven bờ.
Thế mạnh hiện nay về sản lượng khai thác thủy sản ở Phan Thiết vẫn là cá nục, cá ngừ, bạc má, cá cơm… Thời điểm này tuy không còn là cao điểm khai thác nhưng thay vào đó nhiều sản phẩm có giá trị kinh tế như cá nhồng, cá liệt, cá hanh… Theo số liệu của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tổng sản lượng khai thác của tỉnh trong năm qua gần 188.000 tấn, tăng so với cùng kỳ 709 tấn.
Thời tiết thuận lợi, giá dầu trong năm cũng giảm hơn so với mọi năm, tuy nhiên giá thành hiện nay vẫn còn tình trạng nhảy múa. Vào thời điểm tháng 12, giá dầu khoảng hơn 18.000 đồng/lít thì giá cá cũng theo đó giảm xuống. “May chúng tôi không phải vay mượn từ phía đầu nậu, nếu không cũng khó khăn bởi bị ép đủ đường” - anh Vĩnh cho biết.
Khép lại một năm không có nhiều biến động về ngư trường, ngư dân tạm yên tâm theo từng chuyến ra khơi bám biển.
Related news

Ở ĐBSCL, hình ảnh những người thương lái vào tận ruộng lúa, vườn cây ăn trái... để thu mua nông sản của nông dân không còn xa lạ. Nhanh gọn, đơn giản và trả tiền ngay là nét đặc trưng trong phương thức mua bán này. Với những hộ thiếu vốn sản xuất, họ sẵn sàng cho vay.

Ông Trần Bá Đạt, Phó chủ tịch UBND huyện Tân Phú (Đồng Nai), cho biết trong gần 4 năm lại đây, diện tích tiêu trên địa bàn huyện tăng khoảng 800 hécta. Hiện nay, toàn huyện Tân Phú có gần 2 ngàn hécta tiêu.

Thời gian qua, tôm nuôi trên địa bàn tỉnh chết hàng loạt khiến nông dân lâm vào cảnh khó khăn. Trước tình trạng trên, mô hình nuôi tôm không sên bùn ra đời và cho hiệu quả cao.

Theo Bộ NN&PTNT, 6 tháng đầu năm 2015, diện tích nuôi tôm nước lợ vùng ĐBSCL ước đạt khoảng 550.000ha, giảm khoảng 6,23% so với cùng kỳ năm 2014. Trong đó, diện tích nuôi tôm sú khoảng 522.000ha, tôm thẻ chân trắng khoảng 28.000ha. Ước sản lượng 6 tháng năm 2015 đạt khoảng 180.000 tấn, giảm 19,11% so với cùng kỳ năm 2014.

Sáng 11-7, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với Khu Bảo tồn thiên nhiên – văn hóa Đồng Nai tổ chức thả 250 ngàn con cá giống xuống hồ Trị An.