Ngư dân Bình Định nhận công nghệ ngư cụ hiện đại của Nhật Bản
Sáng 31.10 tại thành phố Quy Nhơn (Bình Định), Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã dự lễ giao nhận công nghệ và ngư cụ khai thác cá ngừ đại dương của Nhật Bản cho ngư dân Bình Định do UBND tỉnh Bình Định phối hợp cùng cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Hội hữu nghị Nhật - Việt tại Sakai tổ chức.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang bắt tay và thăm hỏi ngư dân.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Kato - Chủ tịch Hội Hữu nghị Nhật-Việt tại Sakai nhấn mạnh, sau chuyến thăm của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đến Nhật Bản tháng 3.2014, để triển khai những thỏa thuận giữa lãnh đạo cấp cao hai nước, Hội Hữu nghị Nhật-Việt tại Sakai đã cử chuyên gia đến Bình Định khảo sát thực tế và bước đầu hỗ trợ 5 hộ dân đầu tiên thí điểm cải thiện quy trình đánh bắt và bảo quản cá ngừ.
Nhờ đó, tháng 8.2014, chuyến hàng cá ngừ đầu tiên ứng dụng công nghệ mới, chất lượng tươi ngon của ngư dân miền Trung đã được xuất sang Nhật Bản, tham gia phiên bán đấu giá và được người tiêu dùng đánh giá cao.
Sau những thành công ban đầu, Hội Hữu nghị Nhật-Việt tại Sakai, JICA quyết định lập dự án, tăng cường hỗ trợ ngư cụ và công nghệ hiện đại đánh bắt cho ngư dân Bình Định, nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng sản phẩm và hiệu quả sản xuất.
Ông Vũ Văn Tám - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT đánh giá, việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật trong khai thác, xuất khẩu cá ngừ đại dương nhằm nâng cao giá trị sản phẩm là một trong những giải pháp quan trọng trong quá trình tái cơ cấu ngành thủy sản đã và đang được Bộ NN&PTNT phối hợp với các tỉnh, thành trong cả nước triển khai.
Hiện Bộ NN&PTNT đang triển khai đề án thí điểm khai thác, thu mua, chế biến cá ngừ đại dương theo chuỗi tại các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa.
Ông Hồ Quốc Dũng - Chủ tịch UBND Bình Định cho biết đã chỉ đạo ngành chức năng phối hợp chặt chẽ với các chuyên gia thủy sản Nhật Bản hướng dẫn ngư dân áp dụng tốt công nghệ, thiết bị và quy trình khai thác, xử lý, bảo quản sản phẩm...
và động viên bà con ngư dân cần phải quyết tâm và tích cực tham gia dự án.
“Ngư dân chúng tôi xin hứa thực hiện đúng quy trình khai thác và bảo quản cá ngừ đại dương theo hướng dẫn chuyên gia kỹ thuật đến từ đất nước Nhật Bản.
Từ đó sẽ tăng được hiệu quả, chất lượng sản phẩm và nâng cao thu nhập cho ngư dân Bình Định” - ông Nguyễn Văn Việt (chủ tàu cá mang số hiệu BĐ 97244, 400CV) chia sẻ.
Tại buổi lễ, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã động viên, thăm hỏi và tận tay trao những món quà ý nghĩa cho ngư dân Bình Định.
Dưới sự chứng kiến của Chủ tịch nước, đại diện Liên danh Tập đoàn Kato, Công ty Yamada và UBND Bình Định đã ký biên bản giao nhận công nghệ và ngư lưới cụ khai thác cho ngư dân.
Đại diện Sở NN&PTNT Bình Định và đại diện Trường Đại học Kagoshima Nhật Bản đã ký kết bản ghi nhớ hợp tác về nguyên cứu và phát triển nghề cá bền vững.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trực tiếp trao tặng những món quà ý nghĩa đến với ngư dân Bình Định.
Related news
Hiện nay, nuôi trăn thương phẩm đang là một trong những mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao bởi ưu điểm là không cần nhiều diện tích, dễ nuôi, nguồn thức ăn dễ kiếm, không đòi hỏi nhiều kỹ thuật, ít tốn công chăm sóc và đặc biệt là đầu ra ổn định, giá bán luôn ở mức cao.
Vừa qua, UBND huyện Quang Bình tổ chức Hội nghị tổng kết sản xuất nông - lâm nghiệp năm 2014 và triển khai nhiệm vụ năm 2015. Đến dự có các đồng chí: Lê Quang Minh, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Bí thư Huyện ủy; Đỗ Tấn Sơn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT; lãnh đạo Thường trực Huyện ủy, UBND, HĐND; UBND 15 xã, thị trấn, các cơ quan, đơn vị của huyện.
Huyện Phụng Hiệp là vùng trồng mía nguyên liệu trọng điểm của tỉnh, chiếm hơn 2/3 diện tích mía toàn tỉnh. Nhưng do địa hình trũng thấp nên hàng năm, nông dân ở đây phải lo thu hoạch mía chạy lũ mỗi khi mùa nước nổi đổ về. Đây cũng chính là lý do khiến nông dân không thể áp dụng một số giải pháp để hạ giá thành sản xuất, điển hình là mô hình trồng mía lưu gốc.
Theo nhiều nhà vườn trồng dừa tại tỉnh Bến Tre cho biết, cây dừa là cây trồng ít sâu bệnh nhưng thời gian gần đây đã có nhiều đối tượng dịch hại tấn công và ngày càng phát triển mạnh như: bọ vòi voi, bọ cánh cứng, sâu đục trái,… và mới nhất là loài côn trùng lạ gây chết cả cây dừa.
Bên cạnh đó, chăn nuôi trên địa bàn tỉnh được duy trì ổn định, không xuất hiện dịch bệnh ở đàn gia súc, gia cầm. Diện tích nuôi trồng thủy sản ước đạt trên 9.984 ha, tăng 2,5% so với cùng kỳ; tổng sản lượng thủy sản nuôi trồng, khai thác ước đạt 22 nghìn tấn, tăng 6,4% so với cùng kỳ. Tổng diện tích rừng sản xuất trồng mới ước đạt gần 7.073 ha, tăng 8,7% so với cùng kỳ; tổng sản lượng gỗ khai thác ước đạt trên 250 nghìn m3 , tăng 7,6% so với cùng kỳ năm trước...