Home / Tin tức / Mô hình kinh tế

Ngô đông, bao giờ trở lại ngày xưa

Ngô đông, bao giờ trở lại ngày xưa
Publish date: Thursday. November 26th, 2015

Lao dốc

Nổi tiếng bởi làm ngô đông, về sau Chủ nhiệm HTX Hợp Thịnh còn thăng tiến, trở thành Chủ tịch tỉnh (ông Phùng Quang Hùng).

Thế rồi, mươi năm trở lại đây, diện tích ngô đông bắt đầu lao dốc, co ngót rất nhanh.

Sau hai vụ lúa, nhiều nơi đã bỏ hoang đất cho cỏ dại mọc kể cả trên chính quê hương của kỹ thuật này là Vĩnh Phúc.

Diện tích ngô đông hiện nay tại nhiều tỉnh không bằng ½, thậm chí 1/3 so với trước.

Câu hỏi đặt ra là bao giờ ngô đông tìm được thời hoàng kim dĩ vãng?

Thời trước, vụ ngô đông có ý nghĩa cứu đói cho con người rồi sau đó là để làm thức ăn cho chăn nuôi nông hộ dạng băm bèo, nấu cám.

Thế rồi khi lương thực dư thừa, cám công nghiệp mỗi ngày một mở rộng, công lao động cao, cây ngô đông trở thành một thứ không đáng để người nông dân phải bận tâm tất bật bốc bùn, đóng bầu, quẩy ra đồng, chăm xới mỗi vụ.

Nhiều tỉnh dù có cả một gói những chính sách từ hỗ trợ kỹ thuật cho đến hỗ trợ tài chính nhưng người nông dân vẫn ngoảnh mặt, làm ngơ.

Nhằm thúc đẩy phát triển cây vụ đông trên chân đất hai lúa, vào vụ đông 2015, Bộ NN-PTNT đã giao Trung tâm Chuyển giao Công nghệ và Khuyến nông (Viện Khoa học Nông nghiệp VN) tiếp tục đẩy mạnh các mô hình áp dụng gói kỹ thuật tổng hợp nhằm tăng năng suất, giảm đầu tư, giảm công lao động.

Hàng loạt mô hình áp dụng gói kỹ thuật này đã được triển khai tại nhiều địa phương như Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Thanh Hóa, Hà Nội…

Tổ chức dịch vụ

Một buổi trưa, tôi cùng Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh, Giám đốc Trung tâm Chuyển giao Công nghệ và Khuyến nông Lê Quốc Thanh lên xe trực chỉ một vùng ngoại thành Hà Nội.

Điểm đến là cánh đồng ngô bạt ngàn của xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ.

Sau một vụ ngô đông thắng lợi vào năm 2014, nay toàn xã đã tăng gấp đôi diện tích sản xuất, đạt 135 ha, chiếm 50% diện tích đất 2 lúa.

Trong đó Trung tâm Chuyển giao Công nghệ và Khuyến nông phối hợp với người dân địa phương triển khai mô hình rộng 24 ha.

Đặc biệt vụ đông năm nay đưa vào sản xuất thử nghiệm 3 ha ngô chuyển gen NK66 BT/GT; 1 ha giống ngô DK 6919S.

Gói giải pháp cho cây ngô đông ở đây dựa vào ba chân kiềng gồm làm bầu công nghiệp, làm đất tối thiểu và tăng mật độ.

Để ngô đông đạt năng suất cao cần phải được trồng sớm trước ngày 5/10, điều này gây khó khăn cho một số vùng vì chưa thu hoạch kịp lúa mùa.

Trung tâm đã phối hợp với địa phương chỉ đạo người dân sản xuất vụ lúa mùa với các giống ngắn ngày thu hoạch trước ngày 20/9.

Song song với đó là chỉ đạo làm bầu trước ngày 18/9.

Toàn bộ bầu ngô đã được người dân cho xuống đồng trước ngày 26/9, sớm hơn so với quy định 5 ngày.

Đây là điều kiện thuận lợi cho ngô sinh trưởng và phát triển tốt tạo tiền đề đạt năng suất cao.

Năm ngoái mới chỉ làm 30 ha, năm nay ngoài làm mô hình, dân còn làm thêm cả trăm ha theo công nghệ tương tự.

Cũng là làm bầu nhưng khác hẳn với thời vớt bùn mương máng lên làm theo kiểu thủ công nay đã có cải tiến bằng sử dụng khay xốp 66 lỗ hoặc 84 lỗ để gieo hạt.

Trước khi gieo, hạt ngô được xử lý chế phẩm Cruizer theo hướng dẫn sử dụng để bảo vệ hạt giống, tăng tỷ lệ nảy mầm, ra rễ và kháng sâu bệnh cho cây con.

Giá thể gieo hạt gồm rơm rạ ủ mục, phân vi sinh, đất bột với tỷ lệ 1:1:3 và thêm một lượng ít phân NPK 5:10:3.

Về làm đất, khi thu hoạch lúa mùa, cắt sát gốc rạ, toàn bộ lượng rạ để lại tại ruộng để che phủ đất trồng ngô.

Áp dụng máy tạo rãnh thoát nước cho ruộng trồng ngô, hoặc làm thủ công để tạo rãnh cho ruộng dễ thoát nước, cứ 5 – 6 hàng tạo một rãnh.

Độ sâu của rãnh thoát nước từ 18 – 20 cm, bề rộng 15 – 20 cm.

Về mật độ, 6,3 – 6,5 vạn cây/ha (2.300 – 2.350 cây/sào Bắc bộ), khoảng cách trồng hàng cách hàng 60 – 65 cm; cây cách cây 22 – 25 cm, đặt bầu theo hướng lá, xòe ra hai bên mép luống hoặc đặt theo kiểu nanh sấu để tận dụng ánh sáng.

Theo TS Lê Quốc Thanh - Giám đốc Trung tâm Chuyển giao Công nghệ và Khuyến nông, khác biệt giữa bầu bùn và bầu công nghiệp là bầu công nghiệp gặp điều kiện thời tiết xấu cây vẫn sinh trưởng đảm bảo.

Một sào cần 30 khay xốp để đóng bầu, nếu sản xuất 2-3 sào ngô thì một người có thể làm xong bầu trong vòng chưa đến một buổi.

Giá mỗi khay 10.000đ dùng được 10 năm, vậy mỗi năm chỉ khấu hao mất 1.000đ.

Ngô bầu làm ở nhà, được chăm sóc, che đậy kỹ càng sẽ chủ động được thời vụ, ứng phó tốt với biến đổi khí hậu...

Muốn mở rộng ngô đông, thời vụ là yếu tố đầu tiên.

Là một cây ưa ấm, sau 1/10 mà trồng ngô hầu như chỉ gặt được sự thất bại.

Phải trồng từ 15-20/9 trong khi diện tích lúa mùa thu trước thời điểm này không nhiều nên làm ngô bầu là phù hợp.

Tuy nhiên Thứ trưởng Lê Quốc Doanh định hướng: Đừng tính toán như nhà quản lý, như nhà doanh nghiệp mà phải đặt địa vị mình vào hoàn cảnh của người nông dân.

Ở Hợp Thịnh (Vĩnh Phúc) xưa làm ngô bầu hoàn hảo đến mức trồng đậu xen cả vào ngô còn giờ vụ đông bỏ trống nhiều vì họ có sự lựa chọn khác.

Phải lý giải được điều này.

Ý tưởng về làm bầu kiểu công nghiệp là đúng nhưng kỹ thuật cần phải hoàn thiện rồi tổ chức sản xuất.

Vấn đề hiện nay là chi phí đầu vào cho sản xuất ngô còn cao.

Phải tính toán cả hai đầu, giảm giá mỗi thứ một tí như giảm giống, giảm phân bón, làm đất tối thiểu hoặc không làm đất để giảm công lao động.

Phân bón cho ngô giờ đang quá lãng phí khi chiếm tới 40% chi phí cũng phải giảm nốt.

Doanh nghiệp cũng nên thử chuyển từ bán hạt giống sang bán cây giống xem sao.

Tôi mong có thêm 100.000 ha ngô đông để có thêm nửa triệu tấn ngô thương phẩm trong thời gian sắp tới.

Mỗi khi có một tiến bộ khoa học kỹ thuật mới đưa vào sản xuất, muốn mở rộng phải dễ làm hoặc phải có tổ dịch vụ thì mới thành công.

Trong điều kiện đất đai manh mún như ở miền Bắc nếu cứ để nông dân tự làm bầu sẽ rất khó vì họ ngại.

Chính vì vậy theo ông Nguyễn Huy Phong - Chủ tịch xã Nam Phương Tiến, muốn sáng lúa, chiều ngô phải hỗ trợ để cho HTX làm dịch vụ đóng bầu.

Lúa đã có dịch vụ cấy máy rồi bàn giao cho dân chăm sóc thì hoa màu cũng nên như vậy.

Ngoài vấn đề sản xuất quá nhỏ, chi phí cao, câu chuyện cây ngô không cạnh tranh được với các cây trồng khác ở thời điểm hiện nay chính là bởi thị trường.

Ba năm gần đây giá ngô thấp lẹt đẹt chỉ khoảng trên dưới 5.000đ/kg nhưng theo ông Lê Quốc Thanh, ngô đang yếu thì cần hỗ trợ chứ không nên bỏ để thứ gì nước ta cũng phải mua:

Ngô yếu vì giá giống cao, giá phân đắt, kỹ thuật kém nhưng không bỏ được mà nên đầu tư để vực dậy cây ngô như ta đã từng vực dậy cho cây lúa trước đây.

Quá trình này có thể lâu dài.

Sắp tới chúng tôi sẽ chọn ra những HTX lớn để làm điểm, tạo ra dịch vụ hoàn hảo về ngô bầu rồi triển khai trên diện rộng.


Related news

Việt Nam ít chịu tác động từ giá hàng hóa cơ bản lao dốc Việt Nam ít chịu tác động từ giá hàng hóa cơ bản lao dốc

Việt Nam và Philippines sẽ được hưởng thành quả từ việc đa dạng hóa các mặt hàng xuất khẩu, nhờ đó tránh được ảnh hưởng tiêu cực từ việc giá hàng hóa cơ bản lao dốc - Bloomberg nhận định.

Thursday. October 8th, 2015
Xuất khẩu nông lâm thủy sản cả năm có thể chỉ đạt 95% kế hoạch Xuất khẩu nông lâm thủy sản cả năm có thể chỉ đạt 95% kế hoạch

Đây là thông tin được Cục Chế biến Nông lâm thủy sản và Nghề muối (Bộ NN & PTNT) cho biết tại buổi họp báo thực hiện kế hoạch tháng 9 và triển khai nhiệm vụ tháng 10 diễn ra cuối giờ chiều 6/10 tại Hà Nội.

Thursday. October 8th, 2015
Mục tiêu xuất khẩu 300 tỷ USD hoàn toàn khả thi Mục tiêu xuất khẩu 300 tỷ USD hoàn toàn khả thi

Đề án phát triển các thị trường khu vực thời kỳ 2015- 2020, tầm nhìn 2030 vừa được Chính phủ phê duyệt chỉ rõ: Đến năm 2020, phấn đấu kim ngạch xuất khẩu cả nước đạt 300 tỷ USD.

Thursday. October 8th, 2015
Xuất khẩu gạo sẽ khởi sắc Xuất khẩu gạo sẽ khởi sắc

Xuất khẩu (XK) gạo từ nay đến cuối năm sẽ khởi sắc khi vừa nhận được nhiều hợp đồng lớn. Thêm nữa, nhu cầu từ các thị trường truyền thống tiếp tục gia tăng.

Thursday. October 8th, 2015
Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp

Thủ tướng Chính phủ vừa có Chỉ thị về đẩy mạnh thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Thursday. October 8th, 2015