Nghị Định 36 Cần Có Lộ Trình Và Thông Tư Hướng Dẫn
Nghị định số 36/2014/NĐ-CP (sau đây gọi tắt là Nghị định) về nuôi, chế biến và XK sản phẩm cá tra vừa được Chính phủ ban hành, sẽ có hiệu lực từ ngày 20/6/2014 nhằm quản lý và phát triển ổn định ngành cá tra Việt Nam trên toàn chuỗi sản xuất.
Đây là chủ trương đúng đắn của Chính phủ, là cơ hội để nâng cao giá trị và hình ảnh sản phẩm cá tra Việt Nam, phát triển bền vững, có khả năng cạnh tranh cao, tiếp tục cải thiện hình ảnh, uy tín và vị thế sản phẩm cá tra Việt Nam trên thị trường thế giới.
Nghị định ra đời thu hút sự chú ý, quan tâm của đông đảo người nuôi, nhà NK, DN và nhà quản lý với kỳ vọng sau khi ban hành và đưa vào thực hiện, ngành cá tra Việt Nam sẽ có chuyển biến tích cực hơn hẳn… Nghị định được ban hành thể hiện rõ sự tham gia quản lý của NN là quan trọng, sự quan tâm của Nhà nước giúp ngành cá tra phát triển đồng đều theo chuỗi, đảm bảo các bên đều có lợi ích.
Tuy nhiên, nhiều DN đã bày tỏ sự quan ngại khi chỉ còn ít ngày nữa là Nghị định có hiệu lực (ngày 20/6/2014), trong khi chưa có đủ các yếu tố và cơ sở để thực hiện, nhất là trong thủ tục đăng ký hợp đồng XK, phí thẩm định và tiêu chuẩn bắt buộc đối với sản phẩm cá tra XK.
Cộng đồng DN và cả người nuôi đều đang lo lắng và chờ đợi Thông tư hướng dẫn Nghị định của Bộ NNPTNT ban hành, đặc biệt là thủ tục đăng ký hợp đồng XK.
Ngay khi Nghị định được ban hành, nhiều DN cá tra đã bày tỏ quan ngại về quy định “đăng ký hợp đồng XK sản phẩm cá tra” có thể vi phạm nguyên tắc đảm bảo bí mật kinh doanh, và có thể gây bất lợi cho DN.
Theo các DN và thông lệ kinh doanh, hợp đồng kinh tế là bí mật kinh doanh của từng cá nhân, từng công ty, gồm những điều khoản không được tiết lộ. Do vậy, việc chia sẻ thông tin với một Hiệp hội (bên thứ 3) là bất hợp lý.
Trong khi đó, không có điều khoản nào quy định trách nhiệm bảo mật của Hiệp hội Cá tra Việt Nam (đơn vị được Nghị định giao việc đăng ký, thẩm định hợp đồng XK), cũng như trách nhiệm bồi thường nếu thông tin trong hợp đồng bị tiết lộ gây thiệt hại cho DN.
Các DN cho biết thêm, để đăng ký hợp đồng XK sản phẩm cá tra, DN cần chuẩn bị khá nhiều giấy tờ một cách chính xác và nguồn nhân lực để thực hiện công việc này, vì vậy sẽ gây tốn kém thêm thời gian và chi phí trong khi xu hướng của nhà nước đang nỗ lực giảm các thủ tục hành chính cho DN để tiết giảm chi phí, hạ giá thành sản phẩm.
Trong thời gian từ đây đến 20/6/2014, nếu Bộ Tài Chính vẫn chưa có quy định về cách tính giá sàn, quy định về mức phí thì việc đăng ký và thẩm định hợp đồng XK tuân thủ mua nguyên liệu cao hơn giá sàn vẫn chưa đủ cơ sở để thực hiện.
Trường hợp DN đăng ký XK cá tra tự nuôi thì theo quy định chưa phải nộp Giấy đăng ký nuôi cá tra thương phẩm thì cũng không có cơ sở để chứng minh là nguyên liệu tự nuôi để được thẩm định trước khi XK.
Như vậy có thể thấy rằng những lo ngại của DN là có cơ sở và cần được sự quan tâm hướng dẫn của các Bộ Ngành đối với cơ quan được giao nhiệm vụ thẩm định Hợp đồng trước khi XK, tạo thuận lợi để các DN được XK một cách liên tục..
Ngoài ra, DN cá tra đang rất băn khoăn, liệu quy định việc đăng ký hợp đồng XK với Hiệp hội cá Tra Việt Nam (tại Cần Thơ) là theo “từng Hợp đồng XK” hay “từng container, từng lần XK” hay theo “tháng, quý”? Giải pháp như thế nào để hỗ trợ cho các DN ở các Tỉnh xa Cần Thơ.
Các chủ DN tha thiết mong đợi & đề nghị Bộ NNPTNT quan tâm trong quá trình ban hành Thông tư với những quy định về thủ tục một cách thuận tiện, phù hợp, gọn nhẹ nhất để việc đăng ký, xác nhận hợp đồng XK không trở thành thủ tục hành chính phiền hà, rắc rối và có thể gây bất lợi cho DN về mặt kinh doanh thương mại, đặc biệt trong tình hình cạnh tranh thương mại trên thế giới ngày càng khốc liệt.
Theo thống kê về nguồn nguyên liệu cá tra hiện nay ở ĐBSCL, có 70% do các DN nuôi và tự nuôi, 30% của người nuôi đơn lẻ và thực tế nhiều vùng nuôi của DN đã đạt các chứng nhận VietGAP cũng như các chứng nhận quốc tế tương đương.
Các DN hết sức đồng tình với quy định điều kiện bắt buộc phải có VietGAP hoặc các chứng nhận quốc tế tương đương khác trong hoạt động nuôi cá tra nhằm có nguồn nguyên liệu cá chất lượng tốt và đồng nhất tạo điều kiện nâng cao giá trị sản phẩm cá tra trên thị trường quốc tế.
Tuy nhiên theo Nghị định, trước ngày 31/12/2015, các lô hàng nguyên liệu cá tra chưa có chứng nhận VietGap vẫn được chấp nhận cho XK nên thực tế trên thị trường sẽ tồn tại 2 loại nguyên liệu: có chứng nhận VietGap và không có chứng nhận VietGap với giá thành khác nhau và sẽ tương ứng có hai giá sàn nguyên liệu khác nhau.
Việc quy định hai giá sàn khác nhau sẽ khó cho việc kiểm tra tuân thủ giá sàn, còn nếu quy về một giá sàn thấp hoặc cao để áp dụng cho việc thẩm định đều sẽ có thể gây bất lợi cho người nuôi cũng như khó khăn cho cơ quan công bố giá sàn nguyên liệu cá tra trong thời điểm hiện nay.
Ngoài ra, trăn trở trước thách thức, cơ hội và mục tiêu của Nghị định, nhiều chủ DN và các chuyên gia trong ngành còn có ý kiến đề nghị Chính phủ và Bộ NNPTNT cần sớm bổ sung các ràng buộc có tính hệ thống với các nội dung quy định về bảo vệ nguồn gen gốc và đàn cá tra bố mẹ, về chất lượng cá tra giống, về kiểm soát chất lượng thức ăn nuôi cá tra, về quản lý dịch bệnh, về tín dụng ưu đãi cho người nuôi và chế biến, về đầu tư Nhà nước đối với các hạ tầng nuôi, chế biến cá tra... để Nghị định thực sự bao quát và tác động mạnh mẽ đến quá trình tái cấu trúc ngành cá tra phát triển một cách bền vững trong tương lai.
Việc áp dụng Nghị định vào thực tế sẽ tác động rất lớn đến hoạt động sản xuất và XK cá tra. Đứng trước những vận hội và thách thức với một ngành hàng quan trọng, các DN đại diện cho lực lượng chính thúc đẩy sản xuất XK ngành cá tra mong muốn và kỳ vọng những hướng dẫn của các cơ quan Bộ, ngành sẽ cân nhắc đến lộ trình thực hiện và những yếu tố then chốt nhằm không chỉ tháo gỡ những quan ngại hết sức chính đáng của cộng đồng DN mà còn đảm bảo Nghị định đạt được mục tiêu cao nhất và hài hòa lợi ích trong toàn bộ chuỗi cá tra.
Related news
Sáng 21/7, tại TP Tuy Hòa, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám và Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Phú Yên Lê Văn Trúc đồng chủ trì hội nghị sơ kết 6 tháng triển khai đề án Thí điểm tổ chức khai thác, thu mua, chế biến, tiêu thụ cá ngừ theo chuỗi. Tham gia hội nghị có lãnh đạo Tổng cục Thủy sản, đại diện một số cục, vụ, viện thuộc Bộ NN-PTNT; lãnh đạo UBND các tỉnh Khánh Hòa, Bình Định; các doanh nghiệp và ngư dân tham gia chuỗi liên kết tại ba tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa.
Hiện nay, hơn 3,3 ha tôm nuôi trên địa bàn Diễn Châu (Nghệ An) đã xuất hiện bệnh. Một số đầm, tôm chết nhiều nên phải thu hoạch sớm.
Đang là mùa mưa nên nhiệt độ thường giảm xuống, các chỉ số môi trường thay đổi liên tục; Do đó người nuôi tôm ở Sóc Trăng cần theo dõi thông tin khuyến cáo của ngành chức năng, đặc biệt là thông báo quan trắc môi trường nước phục vụ nuôi trồng thủy sản, diễn biến thời tiết, cảnh báo dịch bệnh… để bà con có 1 vụ nuôi thành công.
Sò huyết Ô Loan là đặc sản của Phú Yên, nhưng nhiều năm nay loài thủy sản này gần như bị cạn kiệt. Nuôi sò huyết là công việc mới nhằm tái tạo nguồn lợi thủy sản đặc hữu của đầm Ô Loan. Hiện Nhà nước đang đầu tư cơ sở hạ tầng, quy hoạch vùng nuôi nhằm từng bước chuyển đổi nghề, tạo sinh kế cho người dân địa phương.
Theo báo cáo của Tổng Cục thủy sản (Bộ NN&PTNT), tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) hiện có 40 cơ sở chăn nuôi được chứng nhận Quy phạm thực hành nuôi trồng thủy sản tốt (VietGAP). Trong đó có 30 cơ sở nuôi cá tra, diện tích khoảng 224ha, 6 cơ sở tôm nước lợ, với khoảng 160ha.