Home / Tin tức / Mô hình kinh tế

Nghề Ngủ Đồng

Nghề Ngủ Đồng
Publish date: Wednesday. September 17th, 2014

Họ rong ruổi theo bầy vịt từ chân ruộng cạn đến xứ đồng sâu. Đêm, họ lại ngủ ngoài đồng để xua đuổi bầy chó hoang và phòng ngừa kẻ gian trộm vịt. Nhưng điều lo lắng nhất với họ là dịch bệnh khiến cho vịt chết hàng loạt, mất trắng vài chục đến hàng trăm triệu đồng.

Đêm trên đồng vắng

Đêm. Trời tối đen như mực. Tiếng sấm chớp vang vọng phía xa nơi chân trời. Cánh đồng rộng hàng trăm hécta hoang vắng đến rợn người. Ánh sáng của chiếc đèn pin lia ngang để xua đuổi bầy chó hoang cứ lảng vảng gần chòi nhốt vịt.

Anh Nguyễn Hiệp (SN 1973), ở xã Phổ Cường, huyện Đức Phổ dạo quanh một vòng rồi ngồi xuống bãi cỏ ướt đẫm sương đêm nâng ly rượu đế uống cạn. “Phải xua đuổi liên tục lũ chó hoang đề phòng chúng phá lưới, lẻn vào cắn chết bầy vịt thì lỗ vốn. Vì bị đói lâu ngày nên chúng rất liều lĩnh, chỉ cách người vài bước chân là chúng xông vào cắn vịt rồi tha chạy, có đuổi hàng cây số chúng vẫn không thả con mồi” – anh nói.

Dõi mắt nhìn về phía chân trời lóe sáng, ông Ba Hiển cầu mong mưa lớn để rửa trôi lượng thuốc trừ sâu tồn đọng trên đồng khi ruộng lúa bước vào vụ thu hoạch. Mưa lớn cho đầm Lâm Bình (giáp ranh giữa 2 xã Phổ Cường và Phổ Vinh, huyện Đức Phổ) đầy ắp nước để vịt uống và thỏa thuê bơi lội. “Đến mùa khô, thiếu nước thì vịt hay mắc bệnh dịch tả, chết hàng loạt như ngã rạ.

Vì vậy, tụi tui phải chung sức đắp đập bổi, dùng máy bơm và nối ống khá xa để đưa nước đến gần trại cho vịt uống. Do thiếu nước nên vào mùa nắng nóng năm 2012, đàn vịt của thằng Hiệp bị dịch tả chết sạch trơn”. Vừa dứt câu, ông Ba Hiển vội vác cây sào trên vai, cầm đèn pin dạo quanh trại vịt.

Anh Hiệp cho biết: Do sơ ý nên chỉ cách vài hôm trước, đàn chó hoang xông vào chòi vịt của ông Ba Hiển cắn chết hơn 100 con vịt sắp xuất bán. Thiệt hại hơn 10 triệu đồng. Trò chuyện với chúng tôi, nhưng anh Trần Thanh Vinh cứ luôn tay bấm điện thoại di động nhắn tin trò chuyện với người yêu. Anh Hiệp luôn giục uống rượu và xẵng giọng: “Mầy vừa phải thôi, có khách đến ngồi chơi mà cứ hí hoáy nhắn tin hoài thì ai chịu được?”. Anh cười phân bua: “Mấy anh thông cảm! Cứ đến đêm thì bỏ mặc người yêu để ra đồng nên phải nhắn tin “giữ” cô ấy chứ không thì bị người khác tán mất”.

Ánh sáng chiếc đèn pin treo trên tay lái xe máy không đủ soi rõ mặt người. Câu chuyện về những tháng ngày rong ruổi theo bầy vịt cứ rì rầm trong đêm vắng. Hàng ngày, họ vác sào tre lùa bầy vịt từ chân ruộng cạn đến xứ đồng sâu. Đêm, họ lại ngủ ngoài đồng để xua đuổi bầy chó hoang và phòng ngừa kẻ gian trộm vịt. Những khi lùa vịt đến cánh đồng xa thì vài ba ngày họ mới ghé qua nhà để lấy thêm nhu yếu phẩm.

Giấc ngủ của họ luôn chập chờn trên đồng vắng với ổ rơm lót vội như cuộc sống khốn khó từ hàng chục năm trước. “Giữa đồng không có muỗi nên chẳng cần màn. Khi lạnh thì lấy rơm phủ lên người cũng đủ ấm rồi. Nếu đem chăn màn ngủ cho ngon giấc thì sợ chó hoang phá lưới, lẻn vào chòi cắn chết vịt” – anh Vinh nói.

Nổi - chìm cùng vịt

Điều lo lắng đối với những người chăn vịt là dịch bệnh, nhất là dịch cúm A/H5N1, khiến cho vịt chết hàng loạt. Theo nhiều người chăn thả vịt đồng, những năm gần đây thời tiết diễn biến thất thường nên rất dễ phát sinh dịch bệnh.

Ngay sau tết, anh Hiệp đã làm đơn báo cáo với chính quyền xã Phổ Cường và ngành thú y xin được tiêu hủy gần 1.400 con vịt do chết hàng loạt, nghi mắc bệnh cúm gia cầm. Ước tính thiệt hại trên 40 triệu đồng. “Khi chết vài trăm con, tui nghi là bị dịch cúm gia cầm nên vội làm đơn xin được tiêu hủy. Vì lúc đó đã có nhiều đàn vịt mắc bệnh cúm gia cầm nên tui sợ lây lan ra diện rộng và truyền sang cả người.

Vì vậy mà đành phải tiêu hủy. Lúc đó, gần cả nghìn con còn sống nhưng phải bắt cho vào bao rồi chôn lấp. Bao nhiêu tiền của và công sức chăm nom đàn vịt đều bị chôn vào đất. Vợ chồng tôi nước mắt chảy dài! Nghe nhiều người xem ti vi nói đang có dịch cúm A/H5N6 ở Lào Cai, tụi tui như ngồi trên đống lửa. Nếu vịt ở đây không mắc bệnh thì cũng bị rớt giá thê thảm” – anh Hiệp than thở.

Ông Bùi Văn Chuyên – Phó Chủ tịch UBND xã Phổ Cường cho biết: Sau tết, trên địa bàn xã có 5 đàn vịt chăn thả xảy ra tình trạng chết hàng loạt.

Trong đó, mẫu xét nghiệm đàn vịt của anh Trần Ngọc Liền ở thôn Nga Mân với kết quả dương tính cúm A/H5N1. Vì vậy, chính quyền cùng với ngành thú y và hộ nuôi đã tiêu hủy số vịt còn lại, số lượng chết và tiêu hủy gần 6.000 con. Ước tính thiệt hại trên 500 triệu đồng. Một số hộ nợ chủ trại giống và thức ăn cả trăm triệu đồng.

“Nếu gặp may thì sau gần 3 tháng rong ruổi với hơn 1.000 con vịt, tụi tui lời được hơn 10 triệu đồng. Đây là khoản tiền khá lớn đối với những người dân quê. Lúc rủi ro, gặp phải dịch mắc bệnh thì phải ôm nợ. Dù vậy, chúng tôi vẫn phải thả nuôi. Bởi vì, chỉ bám vào vài sào ruộng lúa thì không đủ sống” – anh Vinh cho biết.

Bầy vịt nghe tiếng động kêu: cặp… cặp. Anh Hiệp vội soi đèn pin dạo quanh, kiểm tra lưới bao quanh chòi vịt. Bóng đêm hiu quạnh, ánh chớp lóe sáng nơi chân trời báo hiệu những cơn mưa đang về.


Related news

Hơn 160 ha tôm nuôi bị dịch bệnh chưa rõ nguyên nhân Hơn 160 ha tôm nuôi bị dịch bệnh chưa rõ nguyên nhân

Ngày 29-7, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị cho biết, dịch bệnh trên tôm xảy ra ở nhiều hồ nuôi của các hộ gia đình ở 12 xã, phường, thuộc năm huyện, thành phố trên địa bàn, với diện tích nhiễm bệnh hơn 200 ha.

Friday. July 31st, 2015
Bình Định nuôi cá tự phát ở huyện Hoài Nhơn gây ô nhiễm môi trường Bình Định nuôi cá tự phát ở huyện Hoài Nhơn gây ô nhiễm môi trường

Nghề nuôi cá nước ngọt (chủ yếu là cá tràu) mang lại hiệu quả kinh tế cao nên nhiều người dân ở huyện Hoài Nhơn (Bình Định) đổ xô cải tạo đất vườn, đào ao, trải bạt nuôi cá trong vườn nhà. Thế nhưng, mô hình nuôi cá mang tính tự phát này đã làm môi trường ở đây bị ô nhiễm nghiêm trọng. Song việc ngăn chặn, xử lý của chính quyền địa phương vừa chậm trễ, lại thiếu kiên quyết khiến người dân sống trong vùng bất bình.

Friday. July 31st, 2015
Những lưu ý trong chăm sóc lúa vụ mùa Những lưu ý trong chăm sóc lúa vụ mùa

Vụ mùa năm 2015 diễn ra trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, nắng nóng và hạn kéo dài từ cuối tháng 6 đến trung tuần tháng 7, diện tích lúa kém phát triển do hạn đã diễn ra, nhất là đối với diện tích lúa gieo thẳng.

Friday. July 31st, 2015
Tăng thêm 300 ha qui hoạch trồng lúa Nàng Nhen Bảy Núi Tăng thêm 300 ha qui hoạch trồng lúa Nàng Nhen Bảy Núi

Lúa Nàng Nhen Bảy Núi (thường gọi Nàng Nhen) là một trong những giống lúa truyền thống đã có từ hàng trăm năm của người Khmer Bảy Núi (An Giang) vừa được quy hoạch trồng thêm trên 300 ha tại huyện Tịnh Biên.

Friday. July 31st, 2015
Bà Rịa Vũng Tàu mất mùa rau do mưa kéo dài Bà Rịa Vũng Tàu mất mùa rau do mưa kéo dài

Giá rau xanh tại các chợ tăng mạnh Liên tiếp những trận mưa to trong suốt tháng 7 vừa qua khiến một số vùng trồng rau lớn của tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu bị dập nát, chậm lớn làm nguồn cung rau tại địa phương giảm, giá rau tăng từ 30 - 40% so với cách đây 1 tháng.

Friday. July 31st, 2015