Home / Tin tức / Mô hình kinh tế

Nghề Chăn Nuôi Heo Vẫn Còn Nhiều Khó Khăn

Nghề Chăn Nuôi Heo Vẫn Còn Nhiều Khó Khăn
Publish date: Wednesday. November 6th, 2013

So với những địa phương khác, Bạc Liêu rất thuận lợi trong phát triển nghề chăn nuôi heo, vì có nhiều lợi thế của một tỉnh nông nghiệp. Khổ nỗi, nghề chăn nuôi lâu nay vẫn chưa giúp nông dân làm giàu, người chăn nuôi luôn phải đối mặt với việc thua lỗ khi vật nuôi gặp nhiều rủi ro, dịch bệnh.

Càng nuôi càng lỗ

Sản xuất không có lãi là nguyên nhân chính đẩy nghề chăn nuôi heo vào cảnh khó khăn và nông dân chưa mạnh dạn đầu tư phát triển đàn với quy mô lớn. Bà Trương Thị Khiếm, một hộ chuyên nghề chăn nuôi heo (ấp Trèm Trẹm, thị trấn Ngan Dừa, huyện Hồng Dân) cho biết: “Chăn nuôi heo chẳng qua là tận dụng nguồn thức ăn bỏ đi hàng ngày, hay chỉ lấy công làm lời, chứ nuôi heo không có lãi. Nuôi heo nái bán được con giống mới có lãi, nhưng với điều kiện heo con không bị bệnh chết”.

Năm 2013, giá thành sản xuất luôn cao hơn giá bán sản phẩm, người nuôi heo luôn phải lỗ từ 3.000 - 4.000 đồng/kg heo hơi. Nhiều trang trại phải bán tháo, bán chạy heo để mong gỡ được vốn, thậm chí bán luôn cả heo giống, để rồi khi tái đàn lại gặp nhiều khó khăn vì không giữ được đàn giống. Nguyên nhân dẫn đến khó khăn này là giá thức ăn, thuốc thú y, con giống luôn tăng cao, trong khi dịch bệnh thay nhau hoành hành. Năm qua, toàn tỉnh đã tiêu hủy hơn 450 con heo, với trên 15.350kg thịt. Và đó chỉ là số heo mắc bệnh được khai báo tiêu hủy.

Những khó khăn trên đã làm cho nghề nuôi heo phát triển chậm, tổng đàn giảm và không đạt kế hoạch đề ra. Nguồn thịt cung cho thị trường đều phải nhập từ các tỉnh khác, gây khó khăn cho công tác quản lý và không đảm bảo về vệ sinh an toàn thực phẩm. Do nuôi heo không có lời nên nhiều nông dân không dám tái đàn, họ xem nghề nuôi heo như “bỏ ống”, chứ chưa phải là giải pháp để phát triển kinh tế gia đình.

Sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, không sản xuất hàng hóa tập trung đã tạo nên hàng loạt những hệ lụy như: dịch bệnh cứ thay nhau phát sinh, hết dập dịch ở địa phương này lại quay sang địa phương khác; quy mô chăn nuôi nhỏ lẻ nên không thể đầu tư, áp dụng các thành tựu khoa học - kỹ thuật, hay xây dựng quy trình chăn nuôi khép kín đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm; khó lai tạo con giống để lựa chọn giống tốt, hạn chế dịch bệnh; khó khăn trong xây dựng các lò giết mổ tập trung gắn với vùng nguyên liệu, hạn chế ô nhiễm môi trường…

Cần tổ chức lại chăn nuôi

Từ thực trạng nghề chăn nuôi heo, việc tổ chức lại sản xuất là nhu cầu bức thiết. Muốn vậy, cần đẩy mạnh hơn nữa việc hỗ trợ nông dân, vì nghề chăn nuôi trong thời gian qua ít tiếp cận được các chính sách ưu đãi, hỗ trợ của Nhà nước. Trong đó, ngành quản lý cần làm tốt hơn nữa công tác quản lý giá cả đầu vào từ thức ăn, thuốc thú y, và nhất là phát triển ngành chế biến thức ăn từ các phế phẩm nông nghiệp. Bởi, đây là khâu quan trọng nhất để quyết định lời, lỗ trong chăn nuôi và Bạc Liêu hoàn toàn có thể thực hiện được điều này.

Một trong những nghịch lý của Bạc Liêu lâu nay là luôn phải nhập thức ăn gia súc. Trong khi Bạc Liêu là nơi để bán các phế phẩm như: tấm, cám, bột cá… cho nơi khác để chế biến thức ăn gia súc. Rồi nông dân Bạc Liêu phải mua lại các phế phẩm do chính mình sản xuất với giá rất cao. Trong suốt quá trình chăn nuôi, chỉ có người bán thức ăn, thuốc thú y là làm giàu, còn người chăn nuôi luôn chịu thiệt, thậm chí lỗ vốn, nợ nần vì heo chết hoặc bán không được giá.

Để phát triển nghề chăn nuôi heo, cần đẩy mạnh hơn nữa mối liên kết với các doanh nghiệp. Như việc liên kết với Công ty CP phát triển theo mô hình nuôi heo gia công. Công ty CP đầu tư toàn bộ từ khâu con giống, thức ăn, thuốc thú ý, bao tiêu sản phẩm… Mô hình chăn nuôi trang trại này phù hợp với quy trình chăn nuôi tốt (VietGAHP), sản xuất lượng hàng hóa lớn đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và môi trường. Đồng thời, đẩy mạnh hơn nữa quy hoạch phát triển chăn nuôi gắn với giết mổ tập trung, xây dựng vùng giống chất lượng cao, an toàn dịch bệnh… Qua đó giúp người chăn nuôi an tâm đầu tư phát triển sản xuất theo mô hình trang trại, hạn chế nuôi nhỏ lẻ không hiệu quả, gây ô nhiễm môi trường.


Related news

Dạy Nghề Trồng Lúa Hiện Đại Dạy Nghề Trồng Lúa Hiện Đại

Ngày 18.7, Công ty cổ phần bảo vệ thực vật An Giang (AGPPS) triển khai Đề án “Xây dựng lực lượng 3 cùng” với nông dân. Đây là đề án dạy nghề nông nghiệp trình độ trung cấp cho hơn 4.000 lao động và trình độ đại học cho 1.000 lao động.

Monday. July 22nd, 2013
Đối Diện Với Cá Tầm Trung Quốc Nhập Lậu Đối Diện Với Cá Tầm Trung Quốc Nhập Lậu

Theo Hiệp hội Phát triển cá nước lạnh Việt Nam, mỗi ngày hiện có 2-3 tấn cá tầm từ Trung Quốc nhập lậu vào TP.HCM qua đường hàng không, sau đó tiêu thụ đến các tỉnh, thành lân cận với giá trên dưới 100 ngàn đồng/kg.

Tuesday. July 23rd, 2013
Nuôi Bồ Câu “Làm Chơi Ăn Thiệt” Nuôi Bồ Câu “Làm Chơi Ăn Thiệt”

Hiện nay nuôi chim bồ câu làm kinh tế là mô hình của nhiều nông dân ở xã Mỹ Chánh, huyện Châu Thành (Trà Vinh). Ngoài trồng lúa, trồng màu, nông dân nuôi bồ câu để tăng thêm thu nhập thay thế nuôi gà như trước đây.

Tuesday. July 23rd, 2013
Người “Làm Mới” Cây Hồ Tiêu Ở Vĩnh Linh Người “Làm Mới” Cây Hồ Tiêu Ở Vĩnh Linh

Chúng tôi đến nhà ông Hoàng Văn Nga ở khóm Hải Hoà (thị trấn Hồ Xá, Vĩnh Linh, Quảng Trị) đúng vào dịp ông đang tiến hành thu hoạch hồ tiêu.

Tuesday. July 23rd, 2013
Nhà Vườn Chuẩn Bị Mùa Bưởi Tết Nhà Vườn Chuẩn Bị Mùa Bưởi Tết

Hiện nay nhiều nhà vườn ở huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh đang tiến hành xới đất, bón phân kích thích cho cây bưởi ra hoa, đậu trái để kịp mùa bưởi Tết.

Tuesday. July 23rd, 2013