Ngành Thủy Sản Triển Khai Nhiều Biện Pháp An Toàn Trong Mùa Mưa Bão

Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Bà Rịa - Vũng Tàu (KT-BVNLTS) đã triển khai các phương án bảo đảm an toàn cho người và tàu cá hoạt động trên biển trong mùa mưa bão. Đây là hoạt động nằm trong kế hoạch phòng chống và giảm thiệt hại do thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của Chi cục KT-BVNLTS.
Khi có thông tin về bão, chủ tàu, ghe tập trung về khu neo đậu tránh trú bão an toàn.
Theo ông Lê Tuấn Quốc, Giám đốc Sở NN-PTNT, trước mùa mưa bão, các thành viên trong Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão, giảm nhẹ thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của Chi cục KT-BVNLTS tiến hành kiểm tra các vật dụng cần thiết như: Phao cứu sinh, lều bạt, kiểm tra hệ thống thông tin liên lạc; phối hợp với Phòng Nông nghiệp các địa phương nắm chắc số lượng tàu cá, số lao động đi trên tàu.
Đồng thời chủ động triển khai các phương án để bảo đảm an toàn về người và tàu cá hoạt động trên biển, kêu gọi tàu thuyền, ngư dân tránh trú bão khi có tình huống xảy ra.
Bên cạnh đó, Chi cục KT-BVNLTS cũng tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng đến bà con ngư dân thực hiện đúng các quy định bắt buộc của Nhà nước về công tác an toàn cho người và tàu cá; Thông báo các địa điểm neo đậu, tránh trú bão an toàn cho các tàu, thuyền khai thác thủy sản, giúp ngư dân chủ động phòng tránh thiên tai trên biển...
Trong những ngày có bão, áp thấp nhiệt đới, Chi cục KT-BVNLTS tổ chức trực ban 24/24h, tiếp nhận các chỉ thị, mệnh lệnh của cấp trên, các ngành có thẩm quyền để phối hợp triển khai phương án phòng tránh bão một cách hiệu quả nhất.
Theo thống kê của Sở NN-PTNT, tính đến hết tháng 6-2014, Chi cục KT-BVNLTS đã phối hợp với UBND các huyện, thành phố mở 11 lớp tuyên truyền, hướng dẫn ngư dân cách sơ cứu trên biển; thông báo số điện thoại, tần số liên lạc của các đài thông tin duyên hải, trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải để thuyền trưởng, chủ tàu biết liên lạc khi tàu cá gặp tai nạn trên biển.
“Hiện tại, ngư dân chúng tôi không chỉ được trang bị những kiến thức về Luật biển Việt Nam, vùng giáp ranh lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế… mà còn được tập huấn nhiều kiến thức nhằm bảo đảm an toàn trên biển, nhất là mùa mưa bão”- ông Nguyễn Văn Tài, một chủ ghe đánh bắt xa bờ tại thị trấn Long Hải (huyện Long Điền) cho biết.
Ông Bùi Trọng Nghĩa, Chủ tịch Hội Nông dân phường 2 (TP. Vũng Tàu) cho biết, cùng với công tác tuyên truyền về Luật biển việt Nam, phường 2 đã thành lập 6 tổ đoàn kết đánh bắt hải sản trên biển với hàng trăm thành viên.
Các tổ đánh bắt trên biển hoạt động theo Quy chế tổ chức và hoạt động của tổ đoàn kết đánh bắt hải sản trên biển được UBND tỉnh ban hành theo quyết định 47/2010/QĐ-UBND. Khi có thiên tai, những tổ đánh bắt này sẽ hỗ trợ nhau để bảo đảm an toàn cho người và phương tiện.
Bên cạnh việc triển khai nhiều các hoạt động nhằm bảo toàn về người và phương tiện sản xuất của ngư dân khi vươn khơi bám biển, ngành nông nghiệp cũng đưa ra khuyến cáo: Chủ tàu cá, thuyền trưởng và các thuyền viên cần chấp hành tốt các quy định; trang bị đầy đủ trang thiết bị an toàn, cứu nạn, thông tin, phương tiện bảo vệ cho người và tàu cá;
Thường xuyên theo dõi dự báo thời tiết trong quá trình hoạt động trên biển; Chủ động liên hệ với các cơ quan chức năng, thông báo về vị trí tàu và chấp hành sự điều động, chỉ dẫn của các cơ quan chức năng khi gặp bão, nhất là các tàu cá hoạt động trong vùng nguy hiểm, tuyệt đối không cho tàu cá ra biển khi đang có tin bão và áp thấp nhiệt đới.
Related news

Lâu nay, nông dân ở xã Lạc Xuân, huyện Đơn Dương thường độc canh với những loại rau truyền thống tại địa phương nên phải chịu cảnh “Được mùa mất giá, được giá mất mùa”. Nhiều hộ hiện nay đã mạnh dạn áp dụng sản xuất theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, chuyển đổi cơ cấu cây trồng để phá thế độc canh trong nông nghiệp.

Những năm gần đây, nhận thấy triển vọng và giá trị từ cây tiêu mang lại, hàng trăm hộ dân tại các xã Duy Phú, Duy Thu, Duy Tân, Duy Sơn đã khai hoang, cải tạo đất vườn đồi để trồng tiêu theo hướng chuyên canh. Nhiều hộ có thu nhập 40 - 100 triệu đồng mỗi năm từ trồng tiêu.

Trong những năm gần đây cây thanh long được coi là một trong những cây mang lại hiệu quả cao cho người sản xuất so với các loại cây trồng khác ở tỉnh Bình Thuận. Trái thanh long Việt Nam nói chung, Bình Thuận nói riêng đã được thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng.

Nếu như vào đầu năm nay, giá heo hơi ở Bình Định bình quân chỉ 44.000đ-45.000đ/kg thì hiện nay đã tăng đến 47.000đ-48.000đ/kg. Với giá này, người nuôi heo có lãi từ 800.000đ-900.000đ/con heo (1 tạ)...

Theo giới kinh doanh lúa gạo, giá giảm vào thời điểm này một phần do tác động của việc Trung Quốc cấm nhập khẩu gạo tiểu ngạch và cũng không loại trừ nguyên nhân doanh nghiệp xuất khẩu ép giá thu mua bởi hiện tại nguồn cung gạo trong nước đang rất khan hiếm và nhu cầu nhập khẩu của các nước, đặc biệt là Philippines, Malaysia, Indonesia đang còn rất lớn.