Năng Suất, Sản Lượng Hồ Tiêu Giảm Mạnh
Đến thời điểm này, người dân trồng tiêu trên địa bàn huyện Chư Pưh (Gia Lai) đã tiến hành thu hoạch được hơn 70% tổng diện tích tiêu trên toàn huyện. Tuy nhiên, niên vụ hồ tiêu năm nay, tiếp tục là một năm buồn đối với người dân trồng tiêu trên địa bàn huyện, bởi sản lượng tiêu năm nay đều giảm mạnh so với năm trước.
Chư Pưh là một trong 2 huyện có diện tích trồng tiêu và sản lượng tiêu lớn nhất tỉnh. Tổng diện tích cây tiêu trên địa bàn 2.567 ha, trong đó, diện tích tiêu kinh doanh khoảng 2.200 ha, với tổng sản lượng hàng năm dao động từ 7.000 tấn đến 9.000 tấn.
Tưởng chừng tình trạng mất mùa của niên vụ trước sẽ không lặp lại đối với vườn tiêu của mình trong niên vụ này, nhưng thực tế năng suất, sản lượng tiêu trong năm nay của gia đình chị Trần Thị Hoài (thôn Thiên An, xã Ia Blứ) lại tiếp tục giảm mạnh hơn.
Chị Hoài buồn bã cho biết: “Năm trước mặc dù mất mùa nhưng 3.000 trụ tiêu của gia đình tôi cũng thu hoạch được hơn 6 tấn, nhưng năm nay chắc chỉ thu được khoảng 3 tấn mà thôi, giảm tới gần một nửa”.
Nguyên nhân chính dẫn đến việc sản lượng tiêu của gia đình chị Hoài giảm mạnh là do gần 1.000 trụ tiêu bị chết bởi bệnh chết nhanh chết chậm, cùng với đó là diện tích tiêu đã cho thu hoạch trên 10 năm nên cây tiêu bị suy kiệt.
Tương tự, sản lượng tiêu năm nay của gia đình ông Nguyễn Xuân Tám (thôn Hòa Lộc, xã Ia Phang) cũng giảm tương đối mạnh so với năm ngoái.
Ông Tám cho biết: “Mặc dù mới thu được hơn 60% trên tổng diện tích gần 2 ha (gần 4.000 trụ tiêu) nhưng có thể khẳng định năng suất năm nay giảm khá mạnh. Với diện tích này, năm trước gia đình tôi thu được hơn 14 tấn tiêu thì năm nay ước chỉ khoảng gần 10 tấn thôi, giảm khoảng 30% sản lượng”.
Không chỉ riêng gia đình chị Hoài, ông Tám, mà hầu như người dân trồng tiêu trên địa bàn các xã Ia Phang, Ia Dreng, Ia Le, thị trấn Nhơn Hòa… đều phải đối mặt với thực tế năng suất tiêu đều giảm mạnh so với niên vụ 2012-2013.
Trao đổi với chúng tôi, ông Dương Luận-Phó Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu-Nông sản huyện Chư Pưh cho biết: Theo ước tính, năm nay năng suất, sản lượng tiêu trên địa bàn huyện đều giảm khoảng 10-20% so với niên vụ trước. Nguyên nhân là do mùa mưa đến sớm làm cho cây tiêu chỉ ra lá mà không ra nhiều bông.
Cùng với đó, phần lớn diện tích tiêu đã già cỗi và suy kiệt. Đặc biệt, tình trạng tiêu bị nhiễm bệnh chết nhanh chết chậm xảy ra rải rác ngay từ đầu mùa mưa đến nay (toàn huyện đã có trên 50 ha tiêu bị chết do nhiễm bệnh) đã làm năng suất, cũng như sản lượng tiêu giảm mạnh.
Ông Luận cho biết thêm: Theo dự báo của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam và khuyến cáo của các doanh nghiệp xuất khẩu tiêu thì sản lượng tiêu Viêt Nam năm nay sẽ giảm so với năm trước, trong khi nhu cầu thế giới là rất lớn nên giá có thể sẽ tăng trong thời gian tới.
Vì vậy, Hiệp hội đã gửi thông báo tới các xã, thị trấn trên địa bàn, khuyến cáo người dân không nên vội vàng bán để tránh tình trạng bị thương lái ép giá như mọi năm, gây thiệt hại kép cho người dân (mất mùa, mất giá). Hiện giá tiêu trên thị trường ở mức 120 ngàn đồng/kg, tương đương với thời điểm đầu niên vụ trước nhưng giảm khá mạnh so với cuối vụ (giảm khoảng 50 ngàn đồng/kg).
Related news
Khoảng một tuần nay nhiều nơi ở ĐBSCL có mưa liên tục làm ảnh hưởng đến việc thu hoạch lúa hè thu. Chiều 22-6, ông Trần Điền Lang, Trưởng ấp Đông Giang, xã Đông Bình, huyện Thới Lai (Cần Thơ) cho biết, mưa dầm đã làm lúa bị đỗ ngã hàng loạt khiến chi phí thu hoạch tăng cao, tỷ lệ hao hụt nhiều và chất lượng lúa cũng bị ảnh hưởng.
Những năm qua, một số mô hình thực hành sản xuất nông nghiệp theo chuẩn toàn cầu đã thuyết phục được nhiều nông dân làm theo, nhưng khó khăn về đầu ra khiến nông dân e ngại. Dù vậy, đây vẫn là xu hướng tất yếu để nông sản Việt có chỗ đứng trên thị trường thế giới trong giai đoạn hội nhập.
Tháng 1-5 âm lịch hàng năm là mùa cá “đoàn” - cách mà ngư dân đặt cho những loại cá nhỏ đi theo bầy và thường hay vướng vào lưới. Để rồi sau mỗi phiên biển, khi cập về bờ, chủ tàu phải huy động tất cả thuyền viên, thậm chí thuê thêm người mới giũ sạch được lưới...
Kể từ khi bệnh vàng lá gân xanh xuất hiện đến nay, những vườn cam sành bạt ngàn nằm ven các con lộ nông thôn chạy qua địa bàn các xã, thị trấn của huyện Châu Thành, thị xã Ngã Bảy ngày nào đã nhanh chóng thay màu lá mới, khi màu xanh tươi tốt dần biến mất và để lại một màu vàng nhạt nhẽo ngoài mong đợi.
Ban đầu do chưa biết kỹ thuật nuôi nên ông đã mày mò tìm hiểu từ sách báo, và dần dà ông cũng biết cách chăn nuôi. Vì vậy, chỉ 6 tháng sau, gà đã cho lợi nhuận từ trứng hàng ngày. Thấy có thể thoát nghèo từ nuôi gà, ông mang sổ đỏ đi thế chấp ngân hàng vay 100 triệu đồng về xây chuồng trại và nhân đàn gà lên 2000 con.