Nâng cao ý thức sử dụng an toàn thuốc BVTV
Tuy nhiên, sử dụng đúng cách để phát huy tối đa hiệu quả và bảo đảm sức khỏe là vấn đề đặt ra không chỉ với bà con nông dân mà còn ở các cấp quản lý.
Nhận thức rõ vấn đề này, những năm gần đây, nhiều doanh nghiệp trong ngành nông nghiệp đã nỗ lực nhằm nâng cao ý thức sử dụng của nông dân và góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng nông thôn.
Theo nghiên cứu, hơn 40% mùa màng trên thế giới có thể mất đi nếu thiếu sự bảo vệ hữu hiệu của các sản phẩm thuốc BVTV.
Tuy nhiên, cũng như bất kỳ loại hóa chất nào khác, người tiếp xúc với thuốc cần được trang bị kiến thức và đồ bảo hộ lao động phù hợp khi sử dụng.
Đối với trang bị bảo hộ khi phun thuốc, tùy thuộc vào loại thuốc, đặc tính thuốc và mục đích sử dụng nhưng phải đảm bảo yêu cầu tối thiểu với mục đích bảo vệ cơ thể, trong đó kính, khẩu trang và găng tay là những vật dụng tối thiểu để đảm bảo an toàn khi tiếp xúc với thuốc.
Tuy vậy, nhiều bà con dường như chưa nhận thức rõ được điều đó.
Trong chuyến thăm các tỉnh Nam Định, Nghệ An, Bình Định, chúng tôi ghi nhận nông dân thường chỉ mặc áo mưa và đeo khẩu trang khi phun thuốc.
Hỏi ra thì lý do rất đơn giản là do… ngại vướng víu và nhận thức còn kém.
Chị Nguyễn Thị Nhung, xã Nam Cường, huyện Nam Trực, Nam Định chia sẻ, nông dân đeo kính khi phun rất bất tiện, xịt một lúc thuốc đã phun mờ cả kính, gỡ ra lau rồi xịt tiếp, rồi lại mờ nên bà con thường… không đeo luôn cho khỏe.
Còn chị Hoàng Thị Hạnh, xã Diễn Thọ, huyện Diễn Châu, Nghệ An cho rằng, đồ bảo hộ không những bất tiện mà còn khá đắt đỏ khiến nông dân còn ngại ngần khi mua.
Ngoài ra, nhiều nông dân mà chúng tôi tiếp xúc đều khá mù mờ về quy tắc 4 đúng trong việc sử dụng thuốc BVTV.
Điều này dẫn đến nhiều rủi ro tiềm ẩn cho sức khỏe lâu dài của bà con và cũng là tín hiệu báo động cho một quốc gia với 70% dân số làm nông nghiệp.
Khi doanh nghiệp hành động
Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp đã nhận ra vấn đề và có những hành động thiết thực để góp phần nâng cao nhận thức của nông dân.
Đơn cử, từ tháng 7 - 9/2015, chúng tôi có dịp theo chân đoàn cán bộ của Cty Syngenta Việt Nam trong những chuyến tập huấn về sử dụng an toàn và hiệu quả thuốc BVTV tại Nam Định, Bình Định và Nghệ An.
Được biết, đây là chương trình thường niên theo cam kết phát triển bền vững của Syngenta thể hiện trách nhiệm với cộng đồng và môi trường nơi Cty hoạt động.
Mỗi sự kiện luôn có sự tham gia của Chi cục BVTV tỉnh, Phòng Nông nghiệp, Trạm BVTV, UBND các huyện, xã...
thể hiện sự đồng thuận và ủng hộ nhiệt tình của các cấp quản lý địa phương đối với hoạt động này.
Chương trình cũng trang bị miễn phí cho bà con bộ thiết bị bảo hộ lao động chất lượng cao gồm kính bảo vệ mắt, khẩu trang có than hoạt tính khử độc, găng tay cao su và sổ tay hướng dẫn sử dụng an toàn hiệu quả thuốc BVTV.
Tổng cộng đã có gần 1.500 nông dân địa phương được phổ biến kiến thức, hơn 1.500 bộ thiết bị bảo hộ và 30.000 sổ tay hướng dẫn được trao tận tay nông dân.
Trước đó, vào tháng 4/2015, gần 100 nông dân và đại diện chính quyền tỉnh Nam Định cũng đã có dịp tham gia “Ngày sử dụng an toàn và hiệu quả thuốc BVTV” tại Trung tâm Nghiên cứu và phát triển lúa lai của Syngenta tại huyện Nam Trực.
Nam Trực là địa phương được chọn để xây thí điểm 10 bể thu gom vỏ bao bì thuốc BVTV đặt tại cánh đồng xã Tân Thịnh, giúp bà con có chỗ để thu gom vỏ bao bì thuốc sau khi sử dụng, góp phần bảo vệ nguồn nước và môi trường xung quanh ruộng
Syngenta cũng là Cty đầu tiên cung cấp đường dây nóng hỗ trợ sơ/cấp cứu kết nối 24/7 với các chuyên gia phòng chống ngộ độc để kịp thời hỗ trợ sơ cấp cứu ban đầu trong trường hợp ngộ độc có liên quan đến thuốc BVTV.
Đây cũng là một phần của Chương trình Phát triển Bền vững của Syngenta toàn cầu cam kết huấn luyện an toàn lao động cho 20 triệu nông dân từ nay đến năm 2020, hướng đến nền nông nghiệp phát triển theo hướng bền vững.
Chúng tôi có dịp đến thăm chị Hạnh khi chị vừa mới phun thuốc xong trên thửa ruộng của mình.
Chị hớn hở khoe: “Tham gia tập huấn không những nâng cao kiến thức mà còn được phát miễn phí bộ bảo hộ lao động anh chị ạ.
Tôi đã sử dụng đầy đủ bộ bảo hộ khi phun trừ dịch hại trong vụ mùa vừa rồi, bảo vệ cho chúng tôi khi đi phun thuốc rất tốt”.
Nhìn theo hướng chỉ tay của chị, bộ bảo hộ lao động được xếp gọn gàng ngay ngắn ở ngay gần cửa ra vào, sẵn sàng theo chân chị mỗi ngày.
Tâm đắc và háo hức với chương trình cũng là cảm nghĩ của chị Nhung khi chia sẻ: “Từ khi được cấp tôi luôn sử dụng khẩu trang, kính, găng tay khi đi phun thuốc cũng như khi làm đồng.
Tôi sẽ luôn áp dụng và khuyến cáo cho mọi người xung quanh cùng sử dụng thuốc theo nguyên tắc 4 đúng.”
Cam kết dài lâu
Ghi nhận những nỗ lực của chương trình, ông Phan Thanh Tùng, Bí thư Đoàn thanh niên Chi cục BVTV tỉnh Nghệ An cho biết: “Sử dụng thuốc BVTV an toàn và hiệu quả là một trong những khó khăn lớn của bà con nông dân hiện nay.
Một nền nông nghiệp muốn phát triển bền vững thì ngoài các đơn vị quản lý nhà nước thì các doanh nghiệp đóng một vai trò rất lớn trong việc này.
Không chỉ riêng bản thân tôi mà các cán bộ kỹ thuật tham gia giảng bài đã đánh giá rất cao về chương trình tập huấn này của Cty”.
Ông Trần Ngọc Chính, Chi cục trưởng Chi cục BVTV tỉnh Nam Định cũng đánh giá: “Hằng năm chúng tôi đều có các chương trình tập huấn về sử dụng thuốc BVTV, tuy nhiên đây là chương trình đầu tiên được sự phối hợp của Cty Syngenta.
Chúng tôi mong muốn Cty tiếp tục tổ chức nhiều buổi tập huấn hơn nữa để nâng cao kiến thức nông học giúp nông dân sử dụng an toàn và hiệu quả thuốc BVTV”.
Được biết, trong quý 4/2015, dự kiến chương trình sẽ tiếp tục triển khai tại các tỉnh Đắk Lắk, Hải Dương và Bắc Giang, mang kiến thức đến với 1.500 nông dân và trang bị bộ thiết bị bảo hộ cho 1.500 nông dân.
Related news
Tỉnh Kiên Giang đã chỉ đạo ngành chức năng kết hợp với địa phương thống kê mức độ thiệt hại, đề xuất biện pháp hỗ trợ ngư dân sớm khôi phục sản xuất.
Ngày 22/4, đoàn đại diện 30 doanh nghiệp của Nhật Bản do ông KoheiWatanabe, Chủ tịch Ủy ban hợp tác Mekong - Nhật Bản (thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản) dẫn đầu đã làm việc với lãnh đạo thành phố Cần Thơ.
Trong đó, chi hội nghề cá các xã đóng trên địa bàn được giao trực tiếp quản lý, chịu trách nhiệm bảo vệ, ngăn chặn các hành vi gây hại đến khu bảo vệ thủy sản.
Những ngày qua, nhiều nông dân ở xã Trí Lực, huyện Thới Bình bước vào vụ thu hoạch tôm nuôi theo hình thức quảng canh cải tiến. Phần lớn các hộ nuôi đều có lợi nhuận khá cao.
Hơn 12 năm gắn bó với nghề nuôi heo nhân giống, bà Võ Thị Nành, khóm 7, thị trấn Thới Bình gặp không ít thất bại, nhưng nhờ kiên trì, đến nay, nghề này đã mang lại thu nhập khá cho gia đình.