Home / Tin tức / Mô hình kinh tế

Nâng cao năng lực khai thác hải sản bằng máy kéo lưới thủy lực

Nâng cao năng lực khai thác hải sản bằng máy kéo lưới thủy lực
Publish date: Saturday. June 13th, 2015

Giải phóng sức lao động

Nói về ý tưởng chế tạo chiếc máy kéo lưới này, anh Hoàng cho biết: “Gần nhà tôi ở có nhiều ngư dân hành nghề lưới rê. Trong các buổi chuyện trò, anh em cho biết làm nghề lưới khổ nhất là kéo lưới, vì phải kéo lưới nhiều giờ nên đôi bàn tay người nào cũng phồng rộp, chai sần. Với kinh nghiệm làm biển và kiến thức về cơ khí, năm 2006, tôi thiết kế mô hình, chế tạo chiếc máy kéo lưới và cho thử nghiệm thành công ngay trong năm”.

Theo anh Hoàng, nguyên lý hoạt động của máy khá đơn giản. Lực từ động cơ chính truyền động qua thùng ben chứa dầu, bơm dầu qua đường dẫn dầu cao áp đến mô tơ thủy lực làm quay mâm thu lưới. Tuy nhiên, trước khi đến mô tơ thủy lực, dòng dầu cao áp phải đi qua van áp lực và van điều khiển. Hệ thống van này giúp điều chỉnh dòng dầu cao áp để điều khiển mâm quay quay tới, quay lui; nhanh, chậm hoặc đứng yên theo ý muốn của người điều khiển van điều khiển.

Nói về cách chọn truyền động bằng thủy lực, anh Hoàng cho biết, nếu sử dụng hệ thống cơ truyền động đến tời thu thông qua dây cu roa để thu lưới như một số ghe khác đã làm rất dễ xảy ra tai nạn, hoặc những chiếc ghe nhỏ rất khó bố trí vị trí lắp đặt. Với chiếc máy thu tời bằng thủy lực, thuyền trưởng chỉ cần ngồi trong cabin cũng có thể điều khiển mâm kéo lưới đặt tại mũi tàu theo ý muốn và tăng tốc độ hợp lý theo yêu cầu công việc. Nhờ khả năng truyền lực qua đường ống, có thể đưa bộ phận thu lưới đến mọi điểm trên con tàu mà không ảnh hưởng đến tính năng, sự an toàn của hệ thống. Một ưu điểm nữa của chiếc máy này là việc thiết kế mâm quay thu lưới (đường kính 80cm) theo cơ cấu động, do đó, hệ thống thu lưới luôn giữ được sự cân bằng trong điều kiện sóng gió tàu rung lắc theo nhiều hướng. Việc sử dụng máy kéo lưới thủy lực (làm bằng hợp kim inox, có độ bền với môi trường nước mặn) đã giải phóng sức lao động, đồng thời tăng năng suất đánh bắt cho các tàu cá.

Đang ngồi chờ lắp ráp máy kéo lưới để mang về Ninh Thuận lắp cho tàu nhà, ông Nguyễn Thanh Tuấn (xã Cà Ná, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận) chuyên nghề lưới 10 cho biết, nhiều ngư dân ở Cà Ná đã sử dụng máy và thấy hiệu quả rất lớn. “Dàn lưới tàu nhà tôi thả dài được 10 hải lý (18.000m). Khi chưa sử dụng máy thì 10 ngư dân phải thay ca kéo liên tục trong 4 - 5 giờ đồng hồ mới xong và 1 ngày chỉ đánh có 1 giác lưới vì phải chờ anh em phục hồi thể lực. Nhưng, khi dùng máy kéo lưới bằng thủy lực, với dàn lưới này chỉ cần 40 đến 50 phút là đã kéo xong và chỉ cần 2 ngư dân để xếp lưới” - ông Tuấn cho biết.

Nâng cao năng suất đánh bắt

Do tốc độ thu lưới tăng gấp 4 - 5 lần so với kéo lưới bằng sức người, các chủ tàu cá tăng kích thước dàn lưới dài gấp đôi và nhờ vậy năng suất khai thác cũng tăng lên. Ông Nguyễn Văn Tài, thị trấn Phước Hải (huyện Đất Đỏ) hành nghề lưới rê, cho biết: “Khi có máy kéo thủy lực, tôi mạnh dạn đầu tư vàng lưới dài gấp đôi trước, từ 3 tăng lên 6 hải lý, nên năng suất khai thác cũng tăng gấp nhiều lần so với trước. Chẳng những thế, do tốc độ kéo lưới nhanh nên khi nghe ở điểm nào có cá nhiều cũng chạy tàu đến kịp để đánh lưới”. Tương tự, từ khi trang bị chiếc máy thu lưới bằng hệ thống thủy lực, ông Lê Ngọc Phòng, chủ tàu lưới rê, ở thị trấn Long Hải (huyện Long Điền) đã tăng dàn lưới của mình từ 4 hải lý lên đến gần 7 hải lý.

Với giá thành 18,5 triệu đồng, chiếc máy kéo lưới thủy lực được đón nhận ngay khi đưa ra thị trường. Từ năm 2006 đến nay, anh Hoàng đã bán 700 chiếc máy theo đơn đặt hàng của ngư dân, chủ yếu là bà con ngư dân trong tỉnh và các tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận, Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Định, Quảng Ngãi. “Với lực kéo từ 3 đến 5 tấn, với thiết kế mâm quay thu lưới theo cơ cấu động, máy kéo lưới thủy lực có khả năng sử dụng cho nhiều loại lưới khác nhau. Nay tôi đang tập trung sản xuất, khoảng 5 ngày/chiếc, và bán ra thị trường miền Trung” - anh Hoàng cho hay.


Related news

Hồng Kông ngưng nhập trứng, thịt gia cầm từ Việt Nam Hồng Kông ngưng nhập trứng, thịt gia cầm từ Việt Nam

Theo Bộ Công Thương, ngày 8-6 Cục vệ sinh an toàn thực phẩm và môi trường Hồng Kông (FEHD) có thông báo sẽ áp dụng lệnh cấm nhập khẩu gia cầm, các sản phẩm từ gia cầm của Việt Nam. Nguyên nhân là do Việt Nam đang có dịch cúm gia cầm H5N1 và H5N6.

Saturday. June 13th, 2015
Nông dân nuôi bò lo ngại TPP Nông dân nuôi bò lo ngại TPP

Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) vẫn còn trong vòng đàm phán giữa 12 quốc gia thành viên nhưng tại Việt Nam, nhiều loại thịt bò Úc đang bày bán tại các siêu thị có giá tương đương với thịt bò nội địa. Điều này khiến nhiều nông dân nuôi bò trong tỉnh lo ngại.

Saturday. June 13th, 2015
Phòng bệnh cho đàn vật nuôi mùa nắng nóng nhiều hộ dân còn xem nhẹ Phòng bệnh cho đàn vật nuôi mùa nắng nóng nhiều hộ dân còn xem nhẹ

Những ngày qua, trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã có gia súc, gia cầm chết rải rác do thời tiết nắng nóng kéo dài. Bởi vậy, người chăn nuôi cần khẩn trương áp dụng những biện pháp bảo vệ an toàn cho đàn vật nuôi để tránh thiệt hại.

Saturday. June 13th, 2015
Bà Rịa Vũng Tàu phát triển trang trại chăn nuôi tiên tiến Bà Rịa Vũng Tàu phát triển trang trại chăn nuôi tiên tiến

Thời gian qua, trong ngành chăn nuôi tại BR-VT đã xuất hiện một số hình thức trang trại tiên tiến. Tuy nhiên, do phải đầu tư lớn nên mô hình này vẫn chưa được nhân rộng.

Saturday. June 13th, 2015
Phát triển nghề trồng dâu, nuôi tằm ở Đắk Lang (Đắk Nông) Phát triển nghề trồng dâu, nuôi tằm ở Đắk Lang (Đắk Nông)

Trong những năm qua, hơn 25 hộ dân thôn Đắk Lang, xã Quảng Khê (Đắk Glong - Đắk Nông) đã phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm và đưa lại hiệu quả kinh tế cao.

Saturday. June 13th, 2015