Home / Tin tức / Mô hình kinh tế

Nâng Cao Chất Lượng Trái Cây Đặc Sản

Nâng Cao Chất Lượng Trái Cây Đặc Sản
Publish date: Friday. June 13th, 2014

Trong khuôn khổ Ngày hội Cây - trái ngon, an toàn tỉnh Bến Tre lần thứ 14 năm 2014 diễn ra tại huyện Chợ Lách (từ 30-5 đến 3-6), Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bến Tre tổ chức hội thảo “Nâng cao chất lượng trái cây đặc sản tỉnh Bến Tre”. Tại hội thảo này, các diễn giả và nhà khoa học chia sẻ nhiều thông tin và giải pháp giúp nhà nông nâng cao chất lượng các loại trái cây đặc sản.

Theo Thạc sĩ Bùi Thanh Liêm, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre, để nâng cao chất lượng trái cây phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.

Cần chọn vùng đất thích nghi để quy hoạch thành vùng chuyên canh. Chọn cây giống có phẩm chất cao, sạch bệnh. Chú ý sử dụng cây giống đầu dòng làm mắt ghép và khai thác ưu thế của gốc ghép khỏe để giúp cây mới dễ ra hoa, đậu trái, tăng khả năng kháng sâu bệnh và chống chịu tốt với môi trường.

Khi trồng cây nên lên liếp, đắp mô, thực hiện sản xuất theo các tiêu chuẩn an toàn, tưới nước bón phân cân đối, tăng cường sử dụng phân hữu cơ, hạn chế sử dụng phân, thuốc hóa học. Thu hoạch trái đúng thời điểm, đúng cách và trái cây bán ra thị trường cần có nhãn hiệu, thương hiệu, giấy chứng nhận GAP…

Sử dụng cây giống kém chất lượng hoặc không sạch bệnh, ảnh hưởng đến năng suất và phẩm chất trái, cũng như tuổi thọ của cây. Đáng quan tâm là khả năng đáp ứng các tiêu chuẩn xuất khẩu sẽ bị hạn chế do trên cùng một vườn có kích cỡ trái không đồng đều. Vấn đề thu hoạch cũng cần được quan tâm để nâng cao giá trị trái cây.

Cụ thể như: trái cây do thu hoạch không cẩn thận bị trầy xước; nông dân để trái cây xuống đất dễ tiếp xúc với nguồn bệnh… Đáng ngại là có tình trạng nhà vườn sử dụng quá nhiều loại phân thuốc trong quá trình trồng và chăm sóc cây trái dễ dẫn đến chất lượng sản phẩm không còn “ngon tự nhiên” và không đảm bảo an toàn cho người sử dụng.

Việc sử dụng quá nhiều phân hóa học trong thời gian dài cũng gây ra hậu quả nghiêm trọng, như: đất đai bị chai cứng, mất khả năng sản xuất dẫn đến hoang hóa, sâu bệnh ngày càng phát triển và khó phòng ngừa.

Tiến sĩ Võ Hữu Thoại, công tác tại Viện Cây ăn quả Miền Nam, phân tích: “Sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật không theo 4 đúng (đúng thuốc, đúng liều lượng, đúng cách và đúng lúc) gây tồn dư các dư lượng thuốc trong rau quả vượt mức cho phép gây nguy hiểm cho người tiêu dùng. Thói quen dùng phân hóa học, nhất là phân đạm với lượng nhiều và lâu dài sẽ tiêu diệt vi sinh, làm giảm độ phì của đất.

Bón phân không cân đối và ít sử dụng phân hữu cơ (phân chuồng, phân xanh…) dẫn đến tích lũy trên thực vật các chất đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe con người. Ngoài ra, sử dụng nguồn nước tưới không đảm bảo gây tích lũy các kim loại nặng và vi sinh vật có hại trong rau quả…”.

Theo Tiến sĩ Võ Hữu Thoại, việc áp dụng các biện pháp phòng trừ tổng hợp sâu bệnh gây hại trên vườn cây ăn trái, như: nuôi kiến vàng, sử dụng túi chuyên dụng để bao trái, sử dụng bẫy côn trùng gây hại, sử dụng các chế phẩm có nguồn gốc sinh học, khoáng, thiên nhiên… là xu hướng hiện nay ở các nước tiên tiến trên thế giới.

Đồng thời, kết hợp sử dụng phân hữu cơ để cải thiện phẩm chất trái, tăng năng suất cây trồng, hạn chế sự nghèo kiệt của đất, giảm ô nhiễm môi trường, góp phần tạo ra một nền nông nghiệp bền vững.

Thực tế cho thấy, áp dụng các biện pháp phòng trừ tổng hợp sâu bệnh gây hại trên vườn cây ăn trái không chỉ giúp nâng cao chất lượng sản phẩm, giúp an toàn cho môi trường, cho người sản xuất, sử dụng sản phẩm mà còn góp phần hạ giá thành sản phẩm. Kỹ sư Nguyễn Thị Nguyệt, Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Bến Tre, dẫn chứng: “Hiện nay, sâu đục trái trên cây có múi đang phát triển mạnh và gây hại cho nhiều vườn bưởi da xanh và bưởi 5 roi.

Để phòng tránh, biện pháp bao trái được đánh giá là an toàn hiệu quả nhất. Bởi từ lúc kết trái đến thu hoạch trái bưởi phải mất 8 tháng, trong khi muốn phòng tránh hiệu quả sâu đục trái cứ 2 tuần phải phun thuốc 1 lần - tốn kém rất nhiều chi phí”.

Thời gian gần đây, biến đổi khí hậu ảnh hưởng ngày càng nhiều đến sản xuất nông nghiệp nói chung và cây ăn trái nói riêng; các loại sâu bệnh cũng có dấu hiệu bùng phát, đe dọa đến vườn cây ăn trái của nông dân, khiến chi phí sản xuất tăng. Đầu ra của nhiều loại trái cây lại thường xuyên bấp bênh, nhất là khi bước vào các mùa thu hoạch rộ, trong khi xuất khẩu nhiều loại trái cây còn hạn chế do vướng phải các rào cản thương mại và rào cản kỹ thuật của các thị trường xuất khẩu.

Do vậy, nâng cao chất lượng trái cây, tiến tới ổn định về chất lượng, an toàn thực phẩm theo hướng GAP là điều kiện tất yếu. Bên cạnh đó, liên kết trong sản xuất trái cây là cần thiết nhằm tạo ra sản phẩm có chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và có sản lượng lớn đáp ứng được nhu cầu thị trường nội địa và xuất khẩu. Ngoài ra, theo Viện Cây ăn quả miền Nam, việc quy hoạch và phân bố thời vụ thu hoạch trái cây ở từng tỉnh, thành là cần thiết nhằm tránh “đụng hàng, rớt giá”.

Trong đó, việc đồng thuận thời vụ thu hoạch giữa các địa phương và giữa nông dân với nông dân có trồng cùng loại cây ăn trái giữ vai trò quyết định, đóng góp sự thành công lịch bố trí thời vụ thu hoạch, giúp giải quyết vấn đề “dội chợ” và điệp khúc “trúng mùa rớt giá”, “trồng và chặt” đang xảy ra hiện nay.


Related news

Tìm giải pháp nâng giá trị cho tôm càng xanh Tìm giải pháp nâng giá trị cho tôm càng xanh

Huyện Thới Bình được mệnh danh là "vương quốc" tôm càng xanh ở Cà Mau. Không chỉ là địa phương dẫn đầu cả tỉnh về diện tích, sản lượng mà người nuôi tôm càng xanh ở đây còn đi đầu trong việc áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất.

Tuesday. December 1st, 2015
Tăng cường các biện pháp nuôi Tôm an toàn vụ nuôi 2016 Tăng cường các biện pháp nuôi Tôm an toàn vụ nuôi 2016

Tỉnh Sóc Trăng không khuyến khích mở rộng diện tích mà người nuôi cần tập trung vào công trình ao nuôi theo quy hoạch cụ thể, không khuyến khích hộ nuôi thâm canh, bán thâm canh ở những khu vực không đảm bảo nguồn nước, thủy lợi, điện sản xuất để hạn chế rủi ro.

Tuesday. December 1st, 2015
Một số kinh nghiệm từ hoạt động của mô hình Tổ tư vấn nuôi tôm xã Long Hựu Tây Một số kinh nghiệm từ hoạt động của mô hình Tổ tư vấn nuôi tôm xã Long Hựu Tây

Diện tích nuôi tôm ở huyện Cần Đước (Long An) có trên 1.600 ha; trong đó, diện tích nuôi tôm sú chiếm khoảng 1/5, còn lại là nuôi tôm thẻ chân trắng.

Tuesday. December 1st, 2015
Thí điểm mô hình cộng đồng quản lý sò lông Thí điểm mô hình cộng đồng quản lý sò lông

Triển khai xây dựng dự án thí điểm đồng quản lý sò lông tại xã Thuận Quý, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận, Chi cục Thủy sản tỉnh đã tiến hành thả 57 tấn giống sò lông nhằm góp phần phục hồi sò lông tự nhiên, để hướng tới bảo vệ và tổ chức khai thác bền vững.

Tuesday. December 1st, 2015
Nông dân huyện Trần Văn Thời vào mùa thu hoạch cá bổi Nông dân huyện Trần Văn Thời vào mùa thu hoạch cá bổi

Hiện nay, bà con nông dân huyện Trần Văn Thời (Cà Mau) đang bước vào mùa thu hoạch cá bổi thương phẩm.

Tuesday. December 1st, 2015