Home / Tin tức / Mô hình kinh tế

Nâng Cao Chất Lượng Rừng Trồng

Nâng Cao Chất Lượng Rừng Trồng
Publish date: Wednesday. December 3rd, 2014

Cấp chứng chỉ bền vững (chứng chỉ FSC) cho rừng trồng là một chứng nhận về mặt kỹ thuật mang lại nhiều lợi ích cho bản thân chủ rừng và bảo vệ môi trường sinh thái. Thấy rõ lợi ích này, nhiều hộ nông dân đã tự nguyện tham gia nhóm hộ trồng rừng thực hiện chứng chỉ FSC. Trồng rừng nguyên liệu gắn với việc cấp chứng chỉ rừng nâng cao chất lượng là một hướng đi đúng của lâm nghiệp Quảng Trị.

Xã Trung Sơn, huyện Gio Linh và xã Vĩnh Thủy, huyện Vĩnh Linh bắt đầu tham gia thực hiện các hoạt động nâng cao chất lượng rừng trồng từ năm 2007, đến năm 2010 có 118 hộ của 2 xã với 316 ha rừng được cấp chứng chỉ FSC. Thực hiện hiệu quả nhất là nhóm hộ trồng rừng thôn Kinh Môn, xã Trung Sơn có 11 hộ tham gia, sau nhiều chu kỳ khai thác đến năm 2014, nhóm hộ này còn diện tích được cấp chứng chỉ FSC là 43 ha.

Ông Lê Biên Hòa, nhóm trồng rừng thôn Kinh Môn cho biết: “Tham gia nhóm hộ trồng rừng theo chứng chỉ này mang lại rất nhiều lợi ích cả kinh tế lẫn môi trường. Hiện nay, gỗ rừng trồng theo chứng chỉ FSC đến kỳ khai thác có trữ lượng 1 ha khoảng 90- 100 m3, đường kính gỗ 17- 18 cm bán được 200- 210 triệu đồng. Chu kỳ trồng lâu hơn thì độ che phủ rừng được nhiều hơn. Thấy được lợi ích đó, đến nay, nhiều hộ gia đình đã tự nguyện xin vào nhóm”.

Quảng Trị có diện tích đất tự nhiên không lớn, 473.982 ha nhưng 75% số đó là diện tích đất đồi núi và cát ven biển là điều kiện thuận lợi cho việc phát triển lâm nghiệp. Hàng chục năm qua, cùng với sự đầu tư của các chương trình, dự án, vốn ngân sách, tỉnh đã phát triển khá mạnh kinh tế lâm nghiệp. Bình quân mỗi năm toàn tỉnh trồng được từ 5.000- 6.000 ha rừng tập trung.

Đến năm 2014, toàn tỉnh có khoảng 130.000 ha rừng tự nhiên và hơn 106.000 ha rừng trồng các loại, đưa độ che phủ rừng đạt 48,3%, trở thành một trong những tỉnh có độ che phủ rừng cao nhất nước. Kinh tế lâm nghiệp phát triển không chỉ tạo ra nhiều lợi ích cho người trồng rừng như tạo việc làm, tăng thu nhập; bảo vệ, làm cân bằng môi trường sinh thái mà còn tạo điều kiện cho phát triển công nghiệp chế biến gỗ trên địa bàn.

Đến nay, sản lượng gỗ rừng trồng khai thác khoảng 500.000 m3 mỗi năm, cung cấp nguyên liệu ổn định cho nhà máy MDF và các cơ sở chế biến gỗ ghép thanh, gỗ dăm, sản xuất hàng mộc dân dụng trên địa bàn, tạo việc làm ổn định cho hàng ngàn lao động trong các cơ sở chế biến lâm sản.

Để nâng cao chất lượng và tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm rừng trồng, Chi cục Lâm nghiệp đã tăng cường tuyên truyền, hỗ trợ người dân trong việc quản lý rừng bền vững. Những hộ tham gia nhóm trồng rừng theo chứng chỉ này phải thực hiện nghiêm ngặt 10 nguyên tắc, trong đó có 54 tiêu chí do các tổ chức Quốc tế về cấp chứng chỉ rừng FSC qui định.

Theo đó, đất trồng rừng phải có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, diện tích phải từ 1 ha trở lên, rừng được hình thành trên đất trống, kế hoạch trồng rừng phải phù hợp với kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt. Trong quá trình trồng và chăm sóc không sử dụng phân bón và chất hóa học nằm trong danh mục cấm, không được săn bắt, khai thác động vật, thực vật trái phép, không cho khai thác trắng vùng đệm dọc theo nguồn nước.

Chế độ nhân công và điều lệ an toàn lao động cũng được quy định chặt chẽ, đặc biệt không sử dụng lao động là trẻ em. Tuân thủ nghiêm ngặt những nguyên tắc này và thời gian trồng dài hơn 1,5 lần thì gỗ rừng trồng được cấp chứng chỉ rừng FSC có giá bán cao gấp 2,5 lần gỗ rừng trồng bình thường.

Đến nay, có 323 hộ ở 3 huyện Gio Linh, Vĩnh Linh và Triệu Phong tham gia với tổng diện tích rừng trồng được cấp FSC gần 900 ha; Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Bến Hải đã được cấp chứng chỉ quản lý rừng vào năm 2011 với 9.486 ha và Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Triệu Hải 5.200 ha.

Ông Hoàng Đức Doanh, Chi cục trưởng Chi cục Lâm nghiệp Quảng Trị cho biết: “Mô hình này được xây dựng trên nguyên tắc các hộ gia đình tự nguyện tham gia và liên kết với nhau thành các nhóm, cùng thống nhất với nhau về phương án tổ chức và phương thức thực hiện.

Chứng chỉ rừng theo nhóm được thực hiện theo phương châm mở, không khép kín, hàng năm kết nạp thêm các thành viên mới. Vào các kỳ đánh giá hàng năm, các nhóm hộ mới tham gia được đưa vào đánh giá và được cấp mở rộng chứng chỉ nếu như các nhóm hộ thực hiện đầy đủ các nguyên tắc và tiêu chí của quản lý rừng bền vững.

Chứng chỉ rừng chính là sự xác nhận bằng văn bản, xác nhận rằng một đơn vị quản lý rừng được cấp chứng chỉ đã được sản xuất trên cơ sở rừng được tái tạo lâu dài, không ảnh hưởng đến các chức năng sinh thái của rừng và môi trường xung quanh và không làm suy giảm tính đa dạng sinh học. Chứng chỉ FSC thúc đẩy việc quản lý rừng trên thế giới một cách hợp lý về mặt môi trường, có lợi ích về mặt xã hội và kinh tế”.

Việc quản lý rừng bền vững theo mô hình này đã tạo được nguồn nguyên liệu gỗ có kiểm soát, có chất lượng phục vụ cho ngành công nghiệp chế biến. Đáng kể hơn là đảm bảo được đầu ra ổn định cho sản phẩm rừng trồng của người dân với giá cao, từ đó là giải quyết việc làm ổn định và nâng cao hiệu quả kinh tế cho người trồng rừng, bảo đảm cho người dân yên tâm với nghề rừng, khai thác tốt lợi thế đất đai và lao động, góp phần thúc đẩy nền KT-XH của địa phương phát triển.

Để mở rộng mô hình quản lý rừng bền vững này, trong chiến lược phát triển rừng kinh tế của tỉnh cần phải thực hiện đồng bộ các giải pháp từ quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu cho đến các chính sách hỗ trợ trồng rừng, thực hiện liên doanh giữa doanh nghiệp với các chủ rừng để xây dựng các khu rừng đạt tiêu chuẩn cấp chứng chỉ FSC, có chính sách phát triển công nghiệp chế biến gỗ từ rừng trồng, nghiên cứu sớm tìm ra tập đoàn cây giống có năng suất, chất lượng, giá trị kinh tế cao để nông dân sử dụng vào các chương trình trồng rừng.

Đặc biệt, ngành Nông nghiệp và PTNT cần thường xuyên đưa ra các dự báo về nhu cầu thị trường gỗ trong tương lai để các địa phương và các chủ rừng chủ động trong việc phát triển vùng nguyên liệu.

Công tác tuyên truyền cũng cần được đẩy mạnh khuyến khích người dân trồng rừng gắn với việc thực hiện các nguyên tắc, tiêu chí quản lý rừng bền vững và ngày càng có đông đảo người dân tham gia vào mô hình trồng rừng cấp chứng chỉ này. Mục tiêu đề ra là đến năm 2020, toàn tỉnh phấn đấu hơn 42 ngàn héc ta rừng trồng được cấp chứng chỉ FSC, trong đó của hộ gia đình chiếm 50%.

Mô hình quản lý rừng bền vững theo cấp chứng chỉ FSC đã thực sự làm cho người dân tin tưởng và phấn khởi tham gia trồng rừng. Mặc dù số rừng cấp chứng chỉ FSC cho hộ sản xuất quy mô đang còn nhỏ nhưng cho thấy rằng phương pháp quản lý rừng bền vững này là hướng đi phù hợp với quá trình phát triển kinh tế lâm nghiệp hiện nay của tỉnh.

Nguồn bài viết: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?TabID=87&modid=390&ItemID=88939


Related news

Hưng Yên mở rộng diện tích sản xuất nhãn lồng theo quy trình VietGap Hưng Yên mở rộng diện tích sản xuất nhãn lồng theo quy trình VietGap

Đến nay, Hưng Yên đã cơ bản thu hoạch xong toàn bộ diện tích nhãn. Theo đánh giá sơ bộ của Sở Nông nghiệp và PTNT, sản lượng nhãn toàn tỉnh năm nay ước đạt 35 nghìn tấn, giảm khoảng 5 nghìn tấn so với vụ trước nhưng giá bán cao hơn từ 5 - 10 nghìn đồng/kg.

Monday. September 28th, 2015
Thu nhập từ na đạt hơn 400 triệu đồng/ha Thu nhập từ na đạt hơn 400 triệu đồng/ha

Đến nay, diện tích na dai toàn huyện Lục Nam (Bắc Giang) là 1.720ha, vượt 72% so với mục tiêu.

Monday. September 28th, 2015
Thu nhập 500 triệu đồng từ 1,4 ha xoài Thu nhập 500 triệu đồng từ 1,4 ha xoài

Thu nhập hơn 500 triệu đồng/năm nhưng gia đình bà vẫn ở căn nhà vách gỗ, nền đất. Bà bảo thích ở như vậy cho thoải mái. Nhưng qua câu chuyện, chúng tôi biết ước mơ của bà rất lớn. Đó là đầu tư cho sản phẩm của mình để được xuất sang thị trường nước ngoài.

Monday. September 28th, 2015
Trồng thành công thanh long ruột đỏ Trồng thành công thanh long ruột đỏ

Người đi đầu trong việc đưa cây thanh long ruột đỏ về trồng thử nghiệm tại huyện Vĩnh Linh là anh Nguyễn Văn Quang ở tại thôn Tân Thủy (xã Vĩnh Thủy).

Monday. September 28th, 2015
Nuôi lợn gia công lãi tiền tỷ Nuôi lợn gia công lãi tiền tỷ

Mỗi năm gia đình ông Nguyễn Văn Thu, xã Hoàng Lâu, huyện Tam Dương (Vĩnh Phúc) xuất bán khoảng 3.000 tấn lợn hơi, 2.000 con lợn giống và hàng chục tấn cá, lãi hơn 2 tỷ đồng.

Monday. September 28th, 2015