Đưa Cây Táo Trở Thành Cây Trồng Chủ Lực
Huyện Ninh Phước (Ninh Thuận) hiện có tổng diện tích tự nhiên 34.234 ha, trong đó diện tích đất canh tác nông nghiệp chiếm trên 28.100 ha.
Để đưa kinh tế địa phương ngày một phát triển, vài năm trở lại đây, ngoài việc quy hoạch các vùng chuyên canh trồng nho, lúa giống, bắp lai giống, sản xuất rau an toàn, huyện Ninh Phước còn vận động bà con chuyển đổi những loại cây trồng kém hiệu quả sang trồng táo.
Đây là loại cây trồng có khả năng chịu hạn tốt, cho năng suất và hiệu quả kinh tế cao, nên được xem là "cây làm giàu" của người dân địa phương.
Đồng chí Nguyễn Thị Luyện, Chủ tịch UBND huyện cho biết: Để mở hướng làm ăn mới cho nông dân, địa phương định hướng bà con chuyển đổi sang trồng thử nghiệm nhiều loại cây mới, trong đó cây táo được xem là phù hợp hơn cả. Tuy nhiên, thời gian đầu, loại táo mà bà con trồng là giống táo địa phương, trái nhỏ, cho năng suất, chất lượng không cao.
Vì thế, phải đến năm 2003, khi một số hộ dân đưa giống táo Thái Lan về trồng, nhiều hộ nông dân mới mạnh dạn đầu tư nhân rộng diện tích. Tính đến thời điểm hiện nay, toàn huyện đã phát triển diện tích cây táo lên trên 760 ha, chiếm khoảng 70% diện tích của tỉnh. Riêng trong năm 2013 sản lượng táo thu hoạch đạt 26.681 tấn, trong đó nhiều hộ gia đình đã có mức thu nhập từ 500 – 600 triệu đồng/ha/năm.
Ưu điểm của cây táo là kỹ thuật trồng và chăm sóc đơn giản, chỉ sau một năm kể từ khi trồng là cây táo có thể cho thu hoạch. Tuổi thọ khai thác của cây táo lên đến trên 10 năm và cho thu hoạch đến 2 vụ/năm. Dựa vào lợi thế này, hiện trên địa bàn huyện Ninh Phước nhiều nông dân còn kết hợp phát triển trồng táo với chăn nuôi dê, cừu.
Cái hay của mô hình này là ngoài việc tận dụng lá và trái táo sâu bệnh làm thức ăn cho gia súc, phân của chúng còn được sử dụng bón lại cho cây táo, nên năng suất đạt rất cao, trung bình từ 60 – 70 tấn/ha/năm, cá biệt ở những nơi đất tốt, chăm sóc đúng kỹ thuật, thời thiết thuận lợi, năng suất có thể lên đến trên 100 tấn/ha.
Đưa chúng tôi đi xem vườn táo đang thời kỳ ra hoa, ông Nguyễn Bi ở thôn Thuận Hòa, xã Phước Thuận bộc bạch: Năm 2005, thấy một số bà con trong xã trồng cây táo cho năng suất cao, tôi cũng mạnh dạn chuyển 2,5 sào đất trồng nho của mình sang trồng táo, kết hợp nuôi thêm 12 con dê sinh sản. Nhờ đầu tư đúng hướng và chăm sóc đúng kỹ thuật, nên vườn táo phát triển khá tốt, trung bình mỗi năm cho thu hoạch từ 22 - 25 tấn. Với giá bán dao động từ 6.000 – 8.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí mỗi năm thu lãi khoảng 200 triệu đồng, nhờ đó gia đình đã xây được nhà, cuộc sống ngày một khá hơn.
Do lợi nhuận mang lại khá cao, nên hiện không chỉ có nông dân trong tỉnh mà một số địa phương lân cận như Bình Thuận, Khánh Hòa cũng đang đầu tư phát triển khá mạnh mô hình trồng táo. Tuy nhiên, theo các thương lái thì táo xanh Ninh Thuận người tiêu dùng ưa chuộng hơn và có giá bán cao hơn so với táo ở các vùng khác nhờ có vị ngọt thanh, giòn và thơm.
Nắm bắt được thị hiếu của người tiêu dùng, hiện nay người trồng táo ở tỉnh ta nói chung và huyện Ninh Phước nói riêng ngày càng có ý thức hơn trong quy trình chăm sóc cho ra sản phẩm táo sạch và cao hơn nữa là những trái táo đạt tiêu chuẩn VietGAP có chất lượng, giá trị kinh tế cao.
Đồng chí Phan Quang Thựu, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Thực vật tỉnh cho hay: Để giúp nông dân trồng táo theo hướng bền vững, gắn với tiêu thụ, hiện nay Chi cục đang đầu tư mở rộng mô hình trồng táo theo tiêu chuẩn VietGAP tại một số địa phương trong tỉnh.
Riêng địa bàn huyện Ninh Phước, đơn vị đã triển khai để bà con áp dụng được gần 5ha, tập trung ở địa bàn các xã Phước Sơn, Phước Vinh và An Hải. Mô hình này không chỉ giúp nông dân biết cách quản lý và đảm bảo an toàn nông sản của mình thông qua 4 tiêu chuẩn là kỹ thuật sản xuất, an toàn thực phẩm, môi trường làm việc, truy nguyên nguồn gốc, mà còn hỗ trợ người trồng một phần vật tư nông nghiệp và tập huấn về cách sử dụng các chế phẩm vi sinh, thuốc bảo vệ thực vật hợp lý, an toàn, đảm bảo sức khỏe cho bản thân và người tiêu dùng.
Thấy rõ hiệu quả kinh tế từ cây táo mạng lại, trong quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội đến năm 2020 của địa phương, huyện Ninh Phước đã xác định đưa cây táo trở thành một trong năm loại cây trồng chính để đầu tư mở rộng vùng chuyên canh.
Đặc biệt, trước sự kiện Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã cấp giấy chứng nhận bảo hộ Nhãn hiệu hàng hóa tập thể đối với táo Ninh Thuận, mới đây UBND huyện Ninh Phước đã ban hành kế hoạch nhân rộng mô hình trồng táo theo hướng đẩy mạnh việc ứng dụng tiến bộ khoa học (cụ thể là mô hình sử dụng bẫy bã sinh học phòng trừ ruồi đục quả) vào sản xuất, gắn với xây dựng nông thôn mới, phấn đấu đến năm 2015, đưa diện tích trồng táo theo hướng an toàn đạt tiêu chuẩn VietGAP lên 260 ha, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng quả táo, hướng tới xây dựng ngành nông nghiệp của huyện phát triển toàn diện, từng bước nâng cao thu nhập cho người dân.
Related news
Nói về những tấm gương nông dân làm giàu, tích cực tham gia công tác xã hội, giúp bà con xung quanh cùng vượt khó thoát nghèo trên vùng ngập lũ phía Tây của tỉnh Tiền Giang, mọi người hay nhắc đến ông Trịnh Đông Hải, sinh năm 1951, hiện cư ngụ tại ấp Hiệp Nhơn, xã Hiệp Đức, huyện Cai Lậy.
Ước tính năng suất vụ nghịch này khoảng 4 tấn. Hiện có thương lái tới tận vườn nhà ông để đặt mua với giá rất cao. Thanh long loại 1 để xuất khẩu, giá 56.000 - 58.000 đ/kg, loại 2 giá 30.000 đ/kg (tăng 8.000 - 10.000 đ/kg so với dịp tết năm ngoái). Với mức giá trên, ông sẽ thu về từ 65 - 80 triệu đồng.
Huyện Sơn Động có hơn 68,5 nghìn ha đất lâm nghiệp (đất có rừng và chưa có rừng). Trong đó, diện tích rừng tự nhiên hơn 38 nghìn ha gồm rừng gỗ, rừng tre nứa và rừng hỗn giao tre nứa. 18.657,7/38.188,2 ha đã được quy hoạch thành rừng sản xuất. Đây cũng là diện tích rừng bị xâm hại nhiều nhất năm qua.
Tưởng như vùng chè ở xã miền núi Xuân Lương, huyện Yên Thế (Bắc Giang) không còn đất sống, thế nhưng mọi chuyện đã khác kể từ khi cây chè được quan tâm, đầu tư. Sau sáu năm, hầu hết diện tích chè ở đây chuyển đổi cây trồng và phương thức canh tác truyền thống sang áp dụng tiêu chuẩn GAP, phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa.Từ một xã nghèo nhất huyện Yên Thế, nhờ cây chè mà Xuân Lương đang từng bước chuyển mình.
Ngoài 2 thị trường mới cho xuất khẩu thanh long năm 2015 mà Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch thực vật thông báo là Newzealand và Úc, một doanh nghiệp Bình Thuận cũng đang đưa thanh long vào thị trường Ấn Độ với chiều hướng triển vọng, mỗi tuần xuất 1 container.