Nam Định tăng cường quản lý chất lượng vật tư thủy sản
Toàn tỉnh Nam Định hiện có 15.933ha mặt nước được đưa vào nuôi thủy sản với nhiều diện tích thâm canh, do đó nhu cầu về các loại vật tư rất lớn.
Theo thống kê của Chi cục chăn nuôi và thú y, toàn tỉnh có 51 đại lý và nhiều cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ chuyên cung cấp đa dạng các loại sản phẩm vật tư thủy sản gây bất cập, khó kiểm soát chất lượng cho ngành chức năng và khó lựa chọn, sử dụng cho người nuôi thủy sản.
Trước thực trạng trên, các cơ quan chức năng đã tăng cường quản lý chất lượng sản phẩm vật tư thủy sản, chỉ cấp giấy phép sản xuất, kinh doanh, cung ứng cho những Cty, doanh nghiệp đảm bảo chất lượng sản phẩm.
Tăng cường kiểm tra, thu mẫu, xử lý nghiêm các Cty có sản phẩm không đảm bảo chất lượng, các đại lý bán các sản phẩm không được phép lưu hành tại Việt Nam, các sản phẩm không có bao bì nhãn mác và quá hạn sử dụng… Xây dựng quy trình hướng dẫn sử dụng các sản phẩm và khuyến cáo, hướng dẫn người nuôi sử dụng các sản phẩm đảm bảo chất lượng.
Từ đầu năm đến nay, Thanh tra Sở NN và PTNT đã thực hiện 2 cuộc thanh tra, kiểm tra điều kiện kinh doanh và chất lượng sản phẩm của các cơ sở kinh doanh thiết bị, vật tư thủy sản trên địa bàn.
Đồng chí Nguyễn Thế Tạo, Phó Chánh Thanh tra Sở NN và PTNT cho biết: Phần lớn các cơ sở kinh doanh đã chấp hành đầy đủ quy định pháp luật về bảo đảm quy chuẩn, điều kiện kinh doanh vật tư thủy sản như: chứng chỉ hành nghề, giấy phép kinh doanh, giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc thú ý, trang thiết bị nhà xưởng, tủ kính, tủ bày bán thuốc, kệ kê hàng, máy phát điện, biển hiệu…
Hiện tại, các đại lý, cơ sở tập trung cung ứng vật tư thủy sản của 30 Cty; trong đó thuốc thú y thủy sản là 34 sản phẩm; hóa chất có 20 sản phẩm và chế phẩm sinh học là 23 sản phẩm.
Các loại sản phẩm trên có nguồn gốc từ Việt Nam, Thái Lan, Trung Quốc, Anh, Ấn Độ, Đài Loan, In-đô-nê-xi-a… Tuy nhiên, thông tin lô gô, hướng dẫn sử dụng nhiều loại thuốc, thức ăn chỉ được ghi bằng chữ nước ngoài, không có phụ đề tiếng Việt khiến người dân không đọc được nên dùng bừa bãi, không đúng liều lượng và hướng dẫn sử dụng.
Thậm chí, có những đơn vị cung ứng vật tư thủy sản chưa nâng cao ý thức trách nhiệm, chỉ chú trọng vào số lượng sản phẩm tiêu thụ được nên sử dụng những chiêu trò tiếp thị, chương trình khuyến mại, giảm giá… thu hút người dân sử dụng sản phẩm không nằm trong danh mục được lưu hành. Trong khi không phải người tiêu dùng nào cũng nắm bắt được thông tin các sản phẩm đạt chất lượng và đã được các cơ quan chức năng cho phép nằm trong danh mục được lưu hành mà chỉ tin tưởng vào lời giới thiệu, tiếp thị.
Lực lượng thanh tra còn tiến hành lấy mẫu vật tư thủy sản của các cơ sở, đại lý cung ứng; dự kiến ngay khi có kết quả về thông số, quy chuẩn chất lượng các sản phẩm, sẽ kiên quyết xử lý, tiêu hủy đối với các sản phẩm kém chất lượng. Đoàn thanh tra đã nhắc nhở, yêu cầu những cơ sở chưa có đầy đủ giấy tờ nhanh chóng hoàn thành các thủ tục cần thiết theo quy định.
Bên cạnh đó, lực lượng chức năng còn tuyên truyền, hướng dẫn các nhà sản xuất, đại lý kinh doanh vật tư trong nuôi thủy sản nâng cao ý thức, chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh. Khuyến khích các đại lý và tiếp thị không ngừng trau dồi, nâng cao kiến thức chuyên môn để hướng dẫn người nuôi sử dụng hợp lý các sản phẩm, tránh lãng phí, gây thiệt hại về kinh tế và suy thoái môi trường.
Anh Bùi Văn Cường, xã Nam Điền (Nghĩa Hưng) là chủ cơ sở kinh doanh các mặt hàng thuốc, chế phẩm sinh học xử lý môi trường nuôi thủy sản đã được cấp đầy đủ chứng chỉ hành nghề, giấy phép kinh doanh và giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh từ năm 2012.
Anh cho biết, để có những sản phẩm đảm bảo chất lượng, anh đã phải tìm hiểu kỹ càng xem thuốc có nằm trong danh mục được Bộ NN và PTNT cho lưu hành hay không rồi mới yên tâm nhập về. Ngoài ra, anh cũng tìm hiểu kỹ đối tượng được sử dụng thuốc, cách sử dụng, liều lượng phù hợp để hướng dẫn cho bà con nuôi thủy sản sử dụng an toàn và hiệu quả.
Hiện nay, ngành chức năng tiếp tục đẩy mạnh khuyến cáo nguời nuôi thủy sản hạn chế việc lạm dụng thuốc bừa bãi, không theo hướng dẫn của nhà sản xuất; cần lựa chọn những sản phẩm đảm bảo chất lượng, có uy tín trên thị trường để đạt hiệu quả tốt nhất có thể trong quá trình nuôi, chăm sóc và phòng trị bệnh cho các đối tượng nuôi; đặc biệt là không được sử dụng các chất cấm trong nuôi thủy sản.
Ông Vũ Văn Sỹ, xã Bạch Long (Giao Thủy) có diện tích 3ha nuôi cá chuối, cá chép… cho biết: “Để đảm bảo lợi ích chính đáng của mình, người nuôi thủy sản phải chủ động lựa chọn những sản phẩm có thương hiệu uy tín, lâu năm; sản phẩm có nhãn mác rõ ràng, không ham rẻ, phải tìm hiểu chi tiết hướng dẫn sử dụng, liều lượng rồi mới đưa vào sử dụng”. Nhờ sự tỉ mỉ, cẩn thận như vậy nên hằng năm đàn cá của ông luôn khỏe mạnh và cho hiệu quả kinh tế cao.
Để nâng cao chất lượng quản lý vật tư thủy sản, thời gian tới Sở NN và PTNT tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn người nuôi thủy sản chủ động chọn mua và chỉ sử dụng thuốc, hóa chất đảm bảo an toàn. Tăng cường phối hợp với các ngành liên quan, các địa phương nâng cao vai trò, trách nhiệm trong công tác ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong sản xuất, kinh doanh cung ứng vật tư thủy sản.
Related news
Ban tổ chức đã thả cá giống các loại xuống hồ Đrang Phốk, hồ thủy điện Sêrêpốk3 và các sông lớn trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.
Việc xét nghiệm tôm trước khi thả nuôi không còn xa lạ gì đối với người dân nuôi tôm Cà Mau nói riêng cả nước nói chung. Thế nhưng, những mẫu xét nghiệm được người dân nuôi tôm muốn cơ sở sản xuất phải có cơ chế bảo hành, đó là cách duy nhất đảm bảo quyền lợi cho cả đôi bên.
Nhằm tránh thiệt hại cho tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh nhuyễn thể hai mảnh vỏ tại những vùng không bảo đảm vệ sinh an toàn, chương trình kiểm soát nhuyễn thể 2 mảnh vỏ đã được thiết lập và thực hiện tại vùng nuôi Vân Đồn (Quảng Ninh), nơi có vùng nuôi trồng tập trung nhuyễn thể lớn.