Kiểm soát nhuyễn thể 2 mảnh vỏ doanh nghiệp nuôi trồng thuỷ sản hưởng lợi
Không giống các loài thuỷ sản khác, nhuyễn thể 2 mảnh vỏ là loài sinh vật biển chuyên ăn các sinh vật phù du trong nước.
Tuy nhiên, do nguồn giống nuôi không đảm bảo, thời tiết bất lợi, nuôi không đúng mật độ, ô nhiễm môi trường, nghề nuôi nhuyễn thể 2 mảnh vỏ tại Vân Đồn đã phải đối mặt với việc vật nuôi chết hàng loạt. Điển hình là “cơn bão dịch bệnh” xảy ra trên tu hài năm 2012 khiến cho doanh nghiệp, nông dân khốn đốn suốt một thời gian dài.
Hậu cơn bão tu hài, nhiều người dân và doanh nghiệp đã chuyển sang nuôi hàu Thái Bình Dương. Đây là một trong những loài nhuyễn thể 2 mảnh vỏ có giá trị cao về dinh dưỡng và kinh tế với hình thức nuôi đơn giản, thị trường xuất khẩu rộng lớn.
Để nghề nuôi hàu Thái Bình Dương khắc phục được những khó khăn, sản phẩm đảm bảo ATTP, giúp doanh nghiệp, bà con thu được lợi nhuận cao nhất, từ năm 2009 đến 2015, hàng nghìn mẫu nhuyễn thể 2 mảnh vỏ đã được Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thuỷ sản (Bộ NN&PTNT) hỗ trợ kinh phí giám sát.
Nội dung chính khi thực hiện chương trình là: Lấy mẫu và kiểm nghiệm mẫu (mẫu nhuyễn thể 2 mảnh vỏ, mẫu nước kiểm tra tảo độc, độc tố sinh học, vi sinh vật, kim loại nặng); thông báo chế độ thu hoạch và xử lý sau thu hoạch; thực hiện kiểm soát thu hoạch và cấp giấy chứng nhận xuất xứ nhuyễn thể 2 mảnh vỏ; xử lý các trường hợp cảnh báo… với tần suất 2 lần/tháng.
Nằm trong chương trình kiểm soát có 3 doanh nghiệp có diện tích nuôi hàu lớn là: Công ty TNHH Đỗ Tờ, Công ty TNHH Quan Minh và Công ty TNHH Đầu tư phát triển sản xuất Hạ Long. Tham gia chương trình, các doanh nghiệp được phổ biến các quy định về pháp luật về ATTP, người lao động được tập huấn đào tạo về nghiệp vụ lấy mẫu.
Đặc biệt, các mẫu sau khi có kết quả thông báo về chế độ thu hoạch và xử lý sau thu hoạch sẽ được Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thuỷ sản tỉnh chuyển thông báo đến các công ty và các đơn vị liên quan để đăng ký, giám sát thu hoạch và cấp giấy chứng nhận xuất xứ nhuyễn thể 2 mảnh vỏ cho các lô nhuyễn thể thu hoạch. Đây là điều kiện vô cùng quan trọng để các công ty xuất khẩu, nhất là sang những thị trường khó tính.
Nhờ thực hiện nghiêm các quy định của chương trình, sản phẩm hàu Thái Bình Dương của các doanh nghiệp này đều có hàm lượng protein cao, không có chất độc, không bị nhiễm chì, thuỷ ngân...; sản phẩm thu hoạch đến đâu tiêu thụ hết đến đấy và ngày càng được thị trường trong nước và ngoài nước biết đến.
Tiêu biểu là Công ty TNHH Đầu tư phát triển sản xuất Hạ Long, hiện có trên 500ha diện tích nuôi hàu tại xã Bản Sen và Thắng Lợi. Ngoài cung ứng sản phẩm cho hệ thống siêu thị, khách sạn 5 sao tại Quảng Ninh, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Nam Định, Hà Nội, Hải Dương…,
Công ty còn xuất khẩu ra một số nước, sản lượng tiêu thụ ước đạt trên 1.000 tấn/năm. Ông Nguyễn Văn Thắng, Giám đốc Dự án hàu Vân Đồn (Công ty TNHH Đầu tư phát triển sản xuất Hạ Long) chia sẻ: Vấn đề ATTP đối với nhuyễn thể 2 mảnh vỏ rất quan trọng và yếu tố quyết định đầu tiên là vùng thả. Tuy nhiên, doanh nghiệp sẽ không thể biết được vùng thả tốt hay xấu, có tiềm ẩn nguy cơ phát sinh dịch bệnh hay không.
Vì vậy, tham gia chương trình kiểm soát này, doanh nghiệp như “vớ được vàng”, giúp doanh nghiệp đúc kết nhiều kinh nghiệm, đưa ra quy trình nuôi khép kín từ khâu đẻ giống đến thu hoạch. Do đó, khi chương trình kết thúc vào cuối năm 2015, doanh nghiệp vẫn đề nghị với Sở NN&PTNT tiếp tục thực hiện chương trình giám sát, hiện nay kinh phí do đơn vị tự chi trả.
Việc kiểm soát nhuyễn thể 2 mảnh vỏ đã thật sự mang lại những hiệu quả thiết thực. Không những góp phần mở rộng thị trường tiêu thụ, hỗ trợ người sản xuất kinh doanh, mà còn giúp nâng cao uy tín, duy trì sự phát triển bền vững của ngành thuỷ sản Quảng Ninh.
Related news
Ngày 11/7, tàu cá vỏ Composite được đóng theo Nghị định 67/CP đầu tiên ở TX. Cửa Lò của ngư dân Hoàng Văn Hoa (P. Nghi Thủy, tỉnh Nghệ An) đã khai thác được hơn 20 tấn cá, trị giá khoảng 300 triệu đồng. Đây là chuyến đánh bắt đầu tiên của con tàu này.
Ban tổ chức đã thả cá giống các loại xuống hồ Đrang Phốk, hồ thủy điện Sêrêpốk3 và các sông lớn trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.
Việc xét nghiệm tôm trước khi thả nuôi không còn xa lạ gì đối với người dân nuôi tôm Cà Mau nói riêng cả nước nói chung. Thế nhưng, những mẫu xét nghiệm được người dân nuôi tôm muốn cơ sở sản xuất phải có cơ chế bảo hành, đó là cách duy nhất đảm bảo quyền lợi cho cả đôi bên.