Muốn chăn nuôi tập trung nhưng khó
Người chăn nuôi còn gặp nhiều khó khăn.
Buồn lòng trước hoàn cảnh mình, anh Phạm Thanh Tùng, ở ấp Sậy Niếu A, xã Phụng Hiệp, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang chia sẻ:
“Khi nghe được mình đủ điều kiện để tham gia đề án, tôi mừng lắm, nhưng niềm vui không được trọn vẹn.
Bởi đàn gà khoảng 500 con gần bán thì đột ngột chết gần hết nên đợt này thua lỗ nặng.
Bây giờ tôi muốn tiếp tục nuôi tập trung thì cũng không có đủ vốn để đầu tư như trước”.
Được biết, vào tháng 10-2014, anh đăng ký tham gia Đề án 1.000 với mục đích muốn cải thiện kinh tế gia đình được tốt hơn.
Vì thế, khi được Ban chỉ đạo đề án thẩm định xong, anh Tùng mạnh dạn đầu tư mua con giống gà tàu lai về nuôi.
Nhằm chuẩn bị vụ nuôi được tốt, anh đã thiết kế chuồng trại thông thoáng và đúng quy trình kỹ thuật để giúp gà mau lớn.
Sau 3 tháng nuôi, mỗi con đạt trọng lượng bình quân trên 1kg, bất chợt đàn gà bị bệnh Gumboro, chết hơn phân nửa.
Đến khi chữa khỏi bệnh thì chỉ còn khoảng 100 con.
Theo anh Tùng, nếu giữ được số lượng như ban đầu, với giá 75.000 đồng/kg thì lợi nhuận mang về gần 60 triệu đồng.
Cho nên sau khi bán hết số lượng gà còn lại với giá 80.000 đồng/kg, anh chỉ thu về hơn 11 triệu đồng, trong khi đó, chi phí đầu tư chăn nuôi lên đến 28 triệu đồng, tính ra anh lỗ ngót 15 triệu đồng.
Tương tự, hộ anh Trần Trung Hiếu, ở ấp 2, xã Hòa An, huyện Phụng Hiệp, cũng bị thâm vốn vì nuôi heo.
Tháng 4 năm nay, anh Hiếu đã đăng ký tham gia Đề án 1.000 để mở rộng quy mô nuôi heo của mình.
Bởi, anh có hơn 10 năm kinh nghiệm và cũng có phương pháp nuôi riêng cho gia đình mình.
Đó là anh nuôi heo theo hình thức dây chuyền, bán nối tiếp để quay đồng vốn nhanh.
Anh Hiếu bộc bạch: “Nuôi heo theo hình thức này, tôi sẽ có heo bán đều đều suốt năm.
Đồng thời, hạn chế được phần nào khi gặp rủi ro.
Thế mà tôi vẫn bị lỗ”.
Anh Hiếu đầu tư nuôi đợt này khoảng 30 con heo, chia làm nhiều lần bán.
Tính đến nay anh đã bán hai lần, mỗi lần 6 con heo thịt, bán với giá 37.000 đồng/kg heo hơi, anh thu về khoảng 22 triệu đồng, nhưng lần bán nào anh cũng đều thâm hụt gần 2 triệu đồng.
Nguyên nhân là do xuất bán rơi vào thời điểm giá heo sụt giảm, trong khi chi phí đầu tư nuôi tăng cao như: tiền mua con giống, thức ăn trên 4 triệu đồng/con heo thịt.
Do đó, cũng như nhiều hộ chăn nuôi trên địa bàn huyện Phụng Hiệp, anh Hiếu dự tính thời gian tới sẽ tiếp tục nuôi nhưng chỉ ở mức nguồn vốn cho phép.
Đồng thời mong muốn ngành chuyên môn hỗ trợ thêm kỹ thuật nuôi để bà con được vững tâm hơn trong chăn nuôi, cũng như biết cách phòng, chống dịch bệnh kịp thời khi gặp điều kiện bất lợi xảy ra.
Đối mặt với thua lỗ đáng kể nên những hộ chăn nuôi theo đề án ở huyện Vị Thủy dè dặt hơn trong việc đầu tư nuôi heo với số lượng nhiều.
Theo ông Lê Văn Chiến, ở ấp 6, xã Vị Đông, huyện Vị Thủy, Đề án 1.000 đã đem lại cho gia đình ông một nguồn sống mới.
Bởi, sau khi vay được vốn, cộng thêm đàn heo có sẵn trong tay thì ông đinh ninh đợt này sẽ trúng to.
Thế nhưng, giá heo hơi ngoài thị trường liên tục sụt giảm, gặp thêm thương lái hẹn lần hẹn lựa, thậm chí không muốn mua nên ông đã bán tháo đàn heo con với giá trên 1 triệu đồng/con để mong gỡ gạc lại chút đỉnh.
Vậy mà bán gần hết 30 con, ông chỉ thu về trên 40 triệu đồng, trừ hết chi phí chăn nuôi, ông lỗ khoảng 18 triệu đồng.
Mặc dù thua lỗ nhưng ông Chiến vẫn nói chắc nịch: “Sắp tới đây, tôi vẫn tiếp tục tái đàn, nhưng nuôi theo hình thức nhỏ lẻ vì không còn đủ vốn để nuôi với số lượng lớn.
Mặt khác, cũng muốn kiếm lại chút vốn để trả nợ vay”.
Ông Võ Xuân Tân, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh, đánh giá: “Giá cả thị trường không ổn định không riêng về năm nay.
Nhất là bà con nuôi rơi vào thời điểm giá cả thị trường sụt giảm, trong khi chi phí chăn nuôi tương đối cao nên khó tránh khỏi tình trạng thua lỗ.
Ngoài ra, trong quá trình nuôi, một số bà con còn áp dụng theo kinh nghiệm nuôi truyền thống mà chưa quan tâm kỹ trong việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi.
Đặc biệt là những hộ chăn nuôi gà thì việc áp dụng khoa học kỹ thuật phải càng sâu sát, tiêm phòng vắc-xin đúng định kỳ, tránh bỏ cữ tiêm phòng để hạn chế thiệt hại khi “trái gió trở trời” xảy ra.
Hướng tới để giúp bà con chăn nuôi yên tâm hơn, đơn vị sẽ cùng chính quyền địa phương thẩm định lại tình hình chăn nuôi của người dân.
Ngoài ra, sẽ hỗ trợ cho bà con xây hầm biogas trên 1 triệu đồng/hộ, đệm lót sinh học nuôi heo trên 4 triệu đồng/hộ, đệm lót nuôi gà hơn 600.000 đồng/hộ.
Bênh cạnh đó, mở những lớp tập huấn về quy trình kỹ thuật chăn nuôi heo, gà trên đệm lót sinh học để giúp cho người chăn nuôi yên tâm hơn trong những lần nuôi tiếp theo”.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển tỉnh, Đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2014-2016 và định hướng đến 2020 (gọi tắt là Đề án 1.000) có 4 hợp phần, trong đó, hợp phần 4 là chuyển đổi chăn nuôi heo, gà nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung.
Theo đó, những hộ nuôi heo với quy mô 30 con/lần thì được vay vốn trên 100 triệu đồng/hộ; hộ nuôi gà với quy mô 500 con/lần thì được vay vốn 30 triệu đồng/hộ và được hỗ trợ 50% lãi suất trong vòng 6 tháng.
Hiện hợp phần 4 có khoảng 122 hộ đủ điều kiện tham gia và được giải ngân hơn 10 tỉ đồng.
Trong đó, huyện Phụng Hiệp có 13 hộ, giải ngân trên 1 tỉ đồng và huyện Vị Thủy có 3 hộ, giải ngân 160 triệu đồng.
Số còn lại nằm ở những huyện, thị xã khác trong tỉnh.
Related news
Trong những năm qua, huyện Pác Nặm luôn xác định phát triển chăn nuôi là một trong những hướng đi quan trọng giúp người dân xoá đói, giảm nghèo và thực tế đã cho thấy đây là hướng đi đúng đắn. Tuy nhiên, công tác phát triển chăn nuôi hiện nay ở Pác Nặm còn gặp nhiều khó khăn, cần có những giải pháp hữu hiệu để thúc đẩy hơn nữa.
Ngày 22/5/2013, Ban chỉ đạo thí điểm bảo hiểm tôm nuôi tỉnh Bạc Liêu (Ban chỉ đạo tỉnh) tổ chức hội nghị triển khai thực hiện thí điểm bảo hiểm tôm nuôi năm 2013 trên địa bàn.
Để thả nuôi 3.900 ha tôm sú và 120 ha tôm he chân trắng vụ xuân - hè năm 2013 theo kế hoạch, các chủ ao đầm trong tỉnh Thanh Hóa có nhu cầu 250 triệu con giống tôm sú và 190 triệu con giống tôm he chân trắng.
Vụ tôm xuân hè 2013 vừa qua, nhiều mô hình nuôi tôm thâm canh ở Nghi Xuân (Hà Tĩnh) đạt năng suất, sản lượng cao, mang lại giá trị kinh tế cho người dân.
4 năm qua người nuôi tôm đã mất hẳn nụ cười. Và cũng chừng ấy thời gian, câu hỏi “vì sao tôm chết ?” vẫn còn bỏ ngỏ và bài toán đang đặt ra là làm thế nào để cứu hàng loạt ruộng tôm đang rơi dần vào cõi chết.