Khó Khăn Gì Khi Làm GAP ? Lúa GlobalGAP Khó Mở Rộng Diện Tích
Mô hình thành công
Vào tháng 8/2008, lần đầu tiên 15 hộ nông dân HTX Mỹ Thành, xã Mỹ Thành Nam (Cai Lậy, Tiền Giang) SX lúa trên 11,4 ha và chế biến gạo đạt tiêu chuẩn GlobalGAP với sự hỗ trợ của Sở KH- CN Tiền Giang, Cty SGS, Cty TNHH ADC, Phòng NN- PTNT huyện Cai Lậy.
Thành công ban đầu vang dội khắp vùng, nông dân Mỹ Thành Nam làm lúa vượt qua hơn 250 tiêu chí bắt buộc. Cty ADC bao tiêu toàn bộ sản phẩm, đảm bảo nông dân có lãi cao hơn 20% so với lúa cùng loại ngoài thị trường. Gạo GlobalGAP mang nhãn hiệu “Gạo Tứ Quý” là gạo sạch, an toàn, có giá trị cao.
Đây là lần đầu khái niệm thực hành SX nông nghiệp tốt (Good Agricultural Practics, viết tắt là GAP) được gọi là EurepGAP và sau này là GlobalGAP, có nghĩa là an toàn, sạch và có chất lượng cao theo một tiêu chuẩn thống nhất áp dụng chung cho toàn cầu, được nước SX lúa gạo VN đạt chứng nhận GlobalGAP.
Căn cứ theo GlobalGAP, nước ta có tiêu chuẩn VietGAP áp dụng trên lúa và các loại rau quả cây trồng khác, quy định những tiêu chuẩn và thủ tục nhằm phát triển nền SX nông nghiệp bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng, an toàn cho người lao động, an toàn cho môi trường và có những căn cứ có thể truy nguyên nguồn gốc của sản phẩm.
Theo đà nối tiếp thắng lợi, hàng trăm hộ nông dân HTX Mỹ Thành đăng ký SX mở rộng lên gần 90 ha. Tỉnh Tiền Giang kỳ vọng từ điểm sáng này sẽ mở rộng vùng SX lúa của huyện Cai Lậy trước khi nhân ra các huyện trong tỉnh. Mục tiêu nhằm SX lúa chất lượng cao, an toàn, gia tăng lợi nhuận cho nông dân. Tiếp sau Tiền Giang, tỉnh An Giang có hai vùng SX lúa được công nhận đạt tiêu chuẩn GlobalGAP là xã Bình Chánh, huyện Châu Phú (37 ha) và hơn 31,5 ha của Tổ hợp tác SX nông nghiệp Tân Tiến, xã Vĩnh Khánh, huyện Thoại Sơn. Tại Sóc Trăng, nông dân làm giống lúa thơm đặc sản ST trên hai mô hình đều thành công đạt tiêu chuẩn chứng nhận GlobalGAP gồm: 20 ha của HTX Hòa Lời, xã Ngọc Đông, huyện Mỹ Xuyên và 32,6 ha của HTX Vĩnh Tiền, xã Vĩnh Biên, huyện Ngã Năm.
Nâng cao giá trị
Nông dân tham gia mô hình làm các giống lúa ST theo tiêu chuẩn GlobalGAP của HTX Vĩnh Tiền thừa nhận: Ban đầu mới mẻ và muốn được công nhận là rất khó. Hệ thống quản lý chất lượng của HTX đòi hỏi phải đạt 141 điểm kiểm soát và SX lúa phải đạt đến 214 điểm. Mặt khác, trong sử dụng thuốc BVTV phải tuân thủ quy định không gây độc hại và tồn lưu trên sản phẩm; đất và nước của vùng SX không bị ô nhiễm các kim loại nặng hoặc vi sinh vật gây bệnh; sản phẩm sau SX phải được kiểm nghiệm và công nhận. Tuy nhiên sau khi mô hình 32,6 ha lúa của HTX được cộng nhận đạt tiêu chuẩn Global GAP có thể nhận ra sự khác biệt: Năng suất cao, bình quân đạt 7,2 tấn/ha, giá lúa bán cao hơn lúa thường trong cùng thời điểm 1.700 đồng/kg và lợi nhuận cao hơn so với ruộng lúa đối chứng trong vùng hơn 12,2 triệu đồng/ha.
Anh Mai Văn Chánh, Chủ nhiệm HTX lúa- tôm Hòa Lời sau lần đầu làm 20 ha lúa ST5 thực hiện theo quy trình GlobalGAP cho biết: Năng suất đạt khoảng 5,5- 6 tấn/ha, nhưng chi phí giảm khoảng 700- 800 đ/kg, vì lúa áp dụng triệt để IPM, 60 ngày đã dứt phân, không dùng thuốc diệt cỏ... Hơn nữa, lúa đạt GlobalGAP HTX sẽ bán cho Cty Gentraco bao tiêu theo hợp đồng cao hơn giá thị trường 25%.
Qủa thực làm lúa đạt tiêu chuẩn GlobalGAP cực công nhưng bán giá cao hơn và đặc biệt nông dân cùng nhau làm tốt nên nâng cao ý thức cộng đồng. TS Lê Hữu Hải, Trưởng phòng NN- PTNT huyện Cai Lậy - người trực tiếp khởi xướng nông dân HTX Mỹ Thành SX lúa GloalGAP cho rằng: Mô hình SX lúa đạt tiêu chuẩn an toàn đã giảm được sử dụng phân bón, thuốc BVTV nhưng không giảm năng suất, nâng cao giá trị hạt gạo, ND làm lúa có lãi cao hơn lúa thường.
Khó mở rộng
Một số cán bộ nông nghiệp trực tiếp theo dõi hướng dẫn làm điểm mô hình lúa GlobalGAP tại các địa phương cho rằng: SX lúa theo tiêu chuẩn GlobalGAP đòi hỏi đáp ứng nhiều điều kiện khắt khe. Dù khó mấy nông dân cũng đáp ứng và làm được, nếu lúa đạt giá trị cao hơn và tiêu thụ tốt. Điều này chứng tỏ nông dân hoàn toàn có khả năng làm lúa sạch, an toàn đạt tiêu chuẩn quốc tế. Tuy nhiên, sản phẩm GAP đầu tư ban đầu cao, tốn kém chi phí công nhận. Do đó nếu không được sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương, DN; nhất là việc tiêu thụ sản phẩm gặp khó khăn, mô hình lúa GAP càng khó nhân rộng.
Thực tế HTX Vĩnh Tiền làm hơn 30 ha lúa đạt chuẩn GlobalGAP thông qua một dự án triển khai từ 1/2010 đến tháng 5/2011 đã tiêu tốn tổng kinh phí hơn 757 triệu đồng, trong đó vốn ngân sách KHCN của tỉnh Sóc Trăng trên 554 triệu đồng và vốn đối ứng của nông dân gần 203 triệu đồng. Một DN yểm trợ mô hình và bao tiêu sản phẩm lúa GlobalGAP cho biết, riêng chi phí xét công nhận trên diện tích 30 ha khoảng 100 triệu đồng/năm.
TS Lê Hữu Hải nhận xét: Mô hình làm lúa GlobalGAP ở HTX Mỹ Thành tuy thành công nhưng chưa thể nhân rộng. Dù được chính quyền địa phương ủng hộ, tỉnh Tiền Giang đã chi gần 2 tỉ đồng cho ND vay lãi suất 0% và mãi đến nay chưa thu hồi hết được. Bên cạnh đó, Cty ADC hỗ trợ chi phí chứng nhận và trang bị điều kiện rất nhiều cho mô hình này nhiều năm qua, mỗi năm hơn 100 triệu đồng. Trước đây SX lúa OM6162 gạo trắng tiêu thụ chậm. Vụ ĐX này chuyển sang làm 30 ha giống lúa cẩm. ND có lãi, nhưng lại khó đầu ra. Dự tính vụ HT sắp tới sẽ trở lại làm giống lúa gạo trắng. Song, cái khó trong làm lúa GlobalGAP là cần có DN chuyên ngành lúa gạo có kênh tiêu thụ sản phẩm mạnh.
Bà Lưu Thị Lan, PGĐ Cty Gentraco nói: Sau khi hỗ trợ phí chứng nhận tiêu chuẩn GlobalGAP cho HTX Hòa Lời 100 triệu đồng/năm, Gentraco vẫn tiếp tục duy trì kế hoạch hỗ trợ vùng SX lúa thơm đặc sản ST này để làm cao cấp thương hiệu Ngọc Đồng. Gạo GlobalGAP bán cao hơn gạo SX thường 20% tại các siêu thị. Đây là phân khúc thị trường gạo ngon cao cấp. Song song đó, Gentraco đang phối hợp cùng dự án DANIDA xây dựng vùng SX lúa Jamine 50 ha theo tiêu chuẩn GlobalGAP tại huyện Vĩnh Thạnh (Cần Thơ). Bà Lan hy vọng bước chuyển trong thị trường tiêu thụ gạo sạch, an toàn chất lượng quốc tế.
Qua chuyện làm lúa GAP, có thể thấy rằng sau khi được Nhà nước khuyến khích và tạo điều kiện hỗ trợ mô hình, vấn đề còn lại là DN và ND làm sao duy trì và phát triển SX theo xu hướng mới.
Related news
Đây là ý kiến của ĐBQH Ma Thị Thúy (Tuyên Quang) tại phiên thảo luận tình hình kinh tế xã hội 2013 về vấn đề phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM hiện nay. NTNN xin trích đăng một phần ý kiến của đại biểu Thúy.
Mỗi năm huyện Giá Rai có hơn 2.000 nông dân sản xuất giỏi các cấp. Nhiều hộ nhờ cần cù, chịu khó, áp dụng khoa học - kỹ thuật trong quá trình sản xuất, chăn nuôi và thực hiện tốt chủ trương đa cây, đa con, nên đã trở thành giàu có. Ông Nguyễn Văn Hiền ở ấp 10A (xã Tân Phong) là một điển hình.
Ấp Mỹ 1 (xã Vĩnh Phú Đông, huyện Phước Long) được mệnh danh là “con đường bắp”. Bởi tại đây, nhiều người bày bán bắp luộc ở hai bên đường.
Ngày 6/6, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh tổ chức nghiệm thu đề tài “Nghiên cứu sử dụng thức ăn chế biến để nuôi thương phẩm cá thát lát còm” do tiến sĩ Lam Mỹ Lan, Trường Đại học Cần Thơ làm chủ nhiệm.
Ngày 6.6, Hội đồng khoa học Sở Khoa học công nghệ Quảng Nam tổ chức hội thảo nghiệm thu và đã thông qua đề tài “Thử nghiệm phương pháp tiêm phòng cùng lúc vắc xin lở mồm long móng và tụ huyết trùng trên bò” của Chi cục Thú y tỉnh.