Mùa Dâu Trên Đỉnh Thiên Cấm Sơn

Khi màn sương còn giăng trên các sườn núi, ánh mặt trời còn khuất sau những mái lá thì nhiều nhà vườn đã tất bật chở những giỏ dâu chín mọng vừa hái xuống tận chân núi Cấm (Tịnh Biên - An Giang) để giao cho các chủ vựa. Đó là một ngày bận rộn của người dân nơi đây khi mùa dâu về trên xứ núi.
Lên Thiên Cấm Sơn (núi Cấm) trong những ngày này, mọi người sẽ bắt gặp hình ảnh du khách tay xách, nách mang từng bọc dâu to tròn về làm quà cho người thân hoặc bạn bè. Ngồi một góc gần con đường lên núi, anh Nguyễn Hữu Thọ (30 tuổi, ngụ xã An Hảo, Tịnh Biên) đang cẩn thận đổ giỏ dâu vừa “đèo” từ trên núi xuống.
Một lúc sau, chúng tôi đã thấy tấp nập người đến mua và trả giá. Lau giọt mồ hôi lăn trên má, anh Thọ cười nói: “Tôi trồng và chăm sóc vườn dâu rộng lớn hơn 200 gốc cho một người anh bà con ở gần chùa Phật lớn. Mỗi mùa cho thu hoạch hàng chục tấn, chúng tôi chở giao không xuể, nhiều lúc cũng phải thuê thêm người với giá chở 1.000 đồng/kg dâu.
Trung bình một ngày, tôi bán và giao cho thương lái từ 400-500 kg dâu. Năm nay, cả núi ai cũng trúng mùa dâu nhưng lại bị mất giá hơn vụ trước. Mùa rồi, thu hoạch xong, trừ hết các khoản chi phí, chúng tôi cũng “bỏ túi” hơn chục triệu đồng, còn giờ chắc không bằng rồi!”.
Dâu là loại cây trồng có từ lâu đời trên các đỉnh núi ở vùng Thất Sơn. Nhiều năm trước, người dân chỉ trồng duy nhất một giống dâu mà cha ông để lại là dâu núi. Nhưng nay, một số người đã mạnh dạn mua thêm các giống dâu khác như: Dâu xanh Gia Bảo, dâu bòn bon da vàng ở các tỉnh khác về.
“Tôi trồng hơn 100 gốc dâu các loại được 5 năm. Vườn dâu của tôi vừa cho thu hoạch đợt thứ hai, mùa rồi chỉ cho trái chiến nên năng suất đạt không nhiều. Vụ này, dâu đã “sai trái” hơn. Dù chỉ mới bắt đầu thu hoạch khoảng hai ngày nay với vài chục gốc dâu nhưng mỗi ngày tôi đem giao cho thương lái cũng từ 150-200 kg dâu.
Giá thương lái thu mua dâu xanh Gia Bảo 4.000 đồng/kg, dâu bòn bon da vàng từ 3.000 – 3.500 đồng/kg, dâu núi giá thấp nhất, chỉ 1.500 – 2.000 đồng/kg. Nói thật, với giá đó, chúng tôi lời rất “meo” vì còn phải vận chuyển từ vườn xuống giao cho bạn hàng nữa!” – anh Võ Tấn Đạt (xã An Hảo, Tịnh Biên) tâm sự.
Theo anh Đạt, cây dâu chỉ trồng được trên độ cao từ giữa núi lên đến đỉnh, nhưng thích hợp nhất là ở đỉnh núi, vì nhiệt độ và độ ẩm nơi đó có thể giúp cây phát triển và cho trái tốt nhất. Dâu trồng khoảng 4 năm mới bắt đầu thu hoạch.
Những người trồng dâu nơi đây vẫn thường gọi vui đó là giống cây “trời nuôi”. Bởi, chỉ cần ươm xuống đất cây sẽ tự phát triển, không cần đến bàn tay chăm sóc của con người. Đã thế, dâu lại ít bị sâu bệnh nên chẳng mất công phun xịt thuốc. Điều quan trọng là phải có mưa thì dâu mới ra hoa và cho trái ngọt.
“Tôi định sang năm sẽ mở rộng thêm diện tích trồng dâu trên núi, vì tôi rất có lòng tin vào cây dâu xứ mình. Dù có hơi bấp bênh về giá nhưng nhiều năm nay, nó vẫn giúp người trồng cải thiện kinh tế rất nhiều” – anh Đạt nói.
Càng về trưa, nhà vườn chở dâu xuống núi càng đông. Cái nắng gay gắt của buổi trưa làm mồ hôi chảy ướt đẫm cả vai áo họ. Tuy vậy, chúng tôi vẫn thấy nụ cười và giọng nói giòn tan luôn thường trực trên môi mỗi người.
Bà Nguyễn Thị Bé Tư (51 tuổi, ngụ xã An Hảo), một chủ vựa dâu lớn tại chân núi Cấm, cho biết: “Có thể nói, nơi này là đầu mối cung cấp dâu lớn nhất của vùng Bảy Núi. Nhiều thương lái ở Long Xuyên, Châu Đốc, kể cả Campuchia… đều đến đây lấy hàng.
Mỗi ngày, tôi thu mua từ 3-4 tấn dâu các loại từ nhiều chủ vườn trên núi. Giá dâu thấp nên tôi bán cũng không lời nhiều, chỉ khoảng vài trăm ngàn đồng/ngày. Nhiều khi dâu bị tồn của ngày trước, tôi phải bán rẻ để kịp lấy dâu mới về”. Đa phần, người ăn thích chọn mua giống dâu xanh Gia Bảo hơn các loại dâu khác vì trái to tròn, vỏ căng bóng và có vị ngọt hơn.
Khi được hỏi có thấy nản vì giá dâu thấp? “Làm ăn mà, phải có lúc vầy lúc khác! Dù thế nào thì tôi vẫn sẽ gắn bó với nó như hàng chục năm qua đã từng bám trụ. Chừng nào, cây dâu không còn mọc trên ngọn núi này, lá dâu không còn rơi thì tôi mới không tiếp tục gắn bó với trái dâu!”- bà Tư trả lời.
Phó Chủ tịch UBND xã An Hảo Lê Thành Đạt cho biết: “Hầu như những hộ dân trên núi Cấm đều trồng dâu, diện tích hơn 107 héc-ta. Đây là loại cây lâu đời, cũng có nhiều người đã ăn nên làm ra từ đó. Hiện nay, giá dâu hơi thấp nhưng mọi người vẫn quyết định bám trụ với nó, thậm chí còn muốn mở rộng diện tích trồng vì nguồn lợi cây dâu mang lại không hề nhỏ đối với bà con”.
Related news

Tại đồng bằng sông Cửu Long, giá thu mua cá tra nguyên liệu đang tăng nhẹ, dao động từ 24.500 đến 25.500 đồng/kg (cao hơn so với cùng kỳ năm 2013 từ 2.900 đến 3.600 đồng/kg). Với mức giá này, người nuôi bắt đầu có lãi.

Tưới phun sương cho vườn rau là kỹ thuật mà gia đình bà Nguyễn Thị Quyên (thôn Hiệp An, xã Cư An, huyện Đak Pơ - Gia Lai) đang áp dụng cho vườn rau của mình. Sau 6 tháng sử dụng, hệ thống này đã đem lại hiệu quả cao, đáng để các nhà nông học theo.

Phong trào nuôi ba ba đã xuất hiện ở xã Vị Bình (huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang) đang lan rộng. Ông Đinh Chí Tính – cán bộ khuyến nông xã Vị Bình cho biết: “Hiện toàn xã có 19 hộ nuôi ba ba, trong đó tập trung ở ấp 9a1 (12 hộ) và ấp 4.

Ông Kiều Văn Cang, Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật thuộc Sở NN-PTNT, cho biết: Trong vụ Hè Thu năm nay, được sự hỗ trợ kinh phí của Tổ chức SNV (Hà Lan), Chi cục đã phối hợp với một số địa phương trong tỉnh triển khai sản xuất 7 mô hình thâm canh lúa cải tiến chống biến đổi khí hậu, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất (gọi tắt là phương pháp SRI) với diện tích 507 ha.

Đẩy mạnh tiêu thụ trong nước, đặc biệt các tỉnh phía Nam, là giải pháp giúp loại trái cây nổi tiếng này có đầu ra ổn định lâu dài, giảm lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc.