Mùa chế biến cá cơm người dân lại lo ô nhiễm
Hàng trăm cơ sở chế biến nguy cơ gây ô nhiễm
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có khoảng 250 cơ sở chế biến cá cơm, hải sản, kho đông lạnh tập trung chủ yếu tại phường Mũi Né, TP. Phan Thiết (127 cơ sở), xã Tân Bình, thị xã La Gi (70), xã Phước Thể, huyện Tuy Phong (16)… Hầu hết các cơ sở chế biến cá cơm thuộc hộ đăng ký kinh doanh nhỏ lẻ, tự phát, lại nằm xen lẫn trong khu dân cư; số tự phát thì không có bản cam kết bảo vệ môi trường được xác nhận. Theo phân cấp quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, các cơ sở trên thuộc thẩm quyền quản lý của UBND cấp huyện.
Thông thường, thời điểm hoạt động nở rộ của cơ sở cá cơm từ tháng 6 đến tháng 11 hàng năm đã trực tiếp ảnh hưởng đến môi trường xung quanh, gây bức xúc dân cư, cử tri thường xuyên phản ánh tình trạng gây ô nhiễm do mùi hôi, nước thải. Tại xã Tân Bình, theo phản ánh của nhiều hộ dân về tình trạng trên, Sở Tài nguyên & Môi trường (TN & MT) cùng Phòng TN & MT La Gi trong một đợt khảo sát 39 cơ sở chế biến ở đây cho thấy, hầu hết các cơ sở không có hệ thống thu gom, xử lý khí thải, chất thải; nước thải được thu gom xử lý sơ bộ bằng hố ga, xả trực tiếp ra khu vực xung quanh, chảy ra biển hoặc cho tự thấm.
Sở TN & MT đã lấy 10 mẫu nước giếng đào, giếng khoan 5 cơ sở chế biến cá cơm và 5 hộ dân xung quanh khu vực này phân tích. Kết quả, 2 mẫu nước giếng đào chỉ tiêu Amoni vượt quy chuẩn cho phép (QCCP) 0,62 lần, Coliforms vượt QCCP 0,6 lần; 8 mẫu nước giếng khoan còn lại chỉ tiêu nằm trong giới hạn cho phép. Chất lượng nước ngầm tại khu vực chế biến cá cơm so quy định Bộ TN & MT hầu hết nằm trong giới hạn QCCP; riêng một số thông số khác “báo động đỏ” như: COD vượt QCCP từ 0,5 - 11,1 lần, Amoni vượt 0,2 - 47,7 lần, Coliform vượt 0,3 - 79 lần.
Do đó, chất lượng nước ngầm ở khu vực khảo sát chỉ phù hợp dùng cho mục đích phục vụ sản xuất nhưng phải áp dụng công nghệ xử lý. Đối với nguồn nước giếng cũng phải áp dụng công nghệ xử lý mới đảm bảo trước khi sử dụng ăn uống, sinh hoạt. Theo nhận định của sở, trong thời gian qua, còn khá nhiều cơ sở chế biến cá cơm ở đây thiếu biện pháp xử lý chất thải, nhất là nước thải, về lâu dài sẽ gây ô nhiễm nguồn nước ngầm tại khu vực…
Đối với 3 khu vực “nhạy cảm” trên (Mũi Né, Tân Bình, Phước Thể), Sở TN & MT đã nhiều lần phối hợp lực lượng Cảnh sát môi trường, địa phương thường xuyên tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật bảo vệ môi trường cho hàng trăm cơ sở, cũng như tổ chức kiểm tra, xử lý vi phạm, nhưng tình trạng ô nhiễm môi trường chưa có chuyển biến tích cực, nước thải chưa được thu gom, xử lý triệt để.
Sớm xây dựng cụm công nghiệp, thu hút cơ sở chế biến
Để giải quyết vấn đề trên, liên sở TN & MT, Công Thương đã có tờ trình được UBND tỉnh thống nhất di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp (chế biến cá cơm…) vào cụm công nghiệp, khu sản xuất tập trung theo quy hoạch ở từng địa phương. Hiện tại, Tuy Phong đã quy hoạch mở rộng khu làng nghề chế biến hải sản có mùi tập trung hơn 10 ha tại xã Phú Lạc, bước đầu huyện hỗ trợ 1 tỷ đồng tạo điều kiện di dời 16 hộ chế biến cá hấp ở xóm Cồn, xã Phước Thể vào làng nghề trong năm nay.
Còn ở TX. La Gi, Cụm công nghiệp Tân Bình 1 do một công ty cổ phần trụ sở tại TP. Hồ Chí Minh làm chủ đầu tư đã khởi công xây dựng hơn 1 năm nay chưa hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng khu 10 ha ban đầu trong tổng thể 50 ha, nên chưa thu hút 70 cơ sở cá cơm. Các ngành chức năng, địa phương ở đây đang tiếp tục vận động hàng chục cơ sở đăng ký vào cụm công nghiệp để khi cụm hoàn thành thuận tiện di dời, theo kế hoạch của tỉnh trong 2 năm (2015, 2016).
Đối với TP. Phan Thiết, UBND tỉnh chỉ đạo UBND thành phố chủ trì, phối hợp sở ngành, địa phương sớm triển khai quy hoạch, mời gọi chủ đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp chế biến thủy sản, xây dựng lộ trình di dời 127 cơ sở chế biến cá cơm, hải sản đang nằm xen kẽ trong khu dân cư địa bàn thành phố. Tỉnh yêu cầu trước mắt các cơ quan chức năng huyện, thành phố tăng cường giám sát, kiểm tra để xử lý nghiêm, kể cả đình chỉ hoạt động các cơ sở chế biến hải sản gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đang trong mùa vụ chính đến cuối năm…
Related news
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản tháng 9 ước đạt 2,15 tỷ USD, đưa giá trị xuất khẩu của ngành 9 tháng năm 2015 lên 21,65 tỷ USD, giảm 5% so với cùng kỳ năm 2014.
Thời gian qua, thịt gà nhập khẩu đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến ngành chăn nuôi trong nước. Có thời điểm giá đùi gà nhập khẩu xuống còn từ 18.000 đồng/kg, trong khi giá thành sản xuất trong nước là 28.500 đồng/kg.
Mặc dù Lào Cai đã hết mùa từ tháng 7, song, gần hai tháng nay, dọc các tuyến phố ở Hà Nội, mận tím khủng Sapa (Lào Cai) vẫn được bày bán tràn lan.
Cây sim mọc hoàn toàn tự nhiên trên vùng đồi trống và dưới tán rừng được bà con thu hái bán phổ biến với mức giá từ 9.000 - 12.000 đồng/kg.
Tính đến hết tháng 9, khối lượng xuất khẩu gạo đạt khoảng 4,47 triệu tấn với giá trị 1,92 tỷ USD, giảm 10,1% về khối lượng và giảm 15,7 về giá trị.