Home / Tin tức / Mô hình kinh tế

Mua cau bất thường

Mua cau bất thường
Publish date: Thursday. May 14th, 2015

Giá cao ngất ngưởng

Gần một tháng nay, người dân tại ấp Thạnh Hòa 2, xã Hỏa Tiến, thành phố Vị Thanh, xôn xao với việc có nhiều người lạ mặt đến hỏi mua cau non về tiêu thụ. Bà Nguyễn Thị Ba, ở ấp Thạnh Hòa 2, cho biết: “Khi nghe thương lái hỏi mua cau non thì hầu hết người dân đều cảm thấy bất ngờ.

Bởi, phần lớn những hộ trồng cau thường thu hoạch khi cau đã già, phục vụ cho cưới hỏi. Còn với cau non có ruột màu trắng, có nước ở giữa trái, rất khó có thể sản xuất ra sản phẩm hoặc dùng vào việc gì. Thế mà cau càng non thì giá lại càng cao”.

Thông thường, với mỗi buồng cau già, đẹp, nếu bán giá cao nhất cũng chỉ được 2.000-3.000 đồng/chục (12 trái) và người dân phải tự hái. Còn hiện tại, khi được bà con đồng ý bán cau non thì thương lái tự leo lên bẻ từng buồng và cân với giá từ 10.000-20.000 đồng/kg (cân cả buồng, không phân biệt cuống hay trái). Chính giá cả hấp dẫn và việc dễ dãi trong cách thu mua nên đa phần người dân đều bán hết cau non cho thương lái.

Theo người dân địa phương, cứ cách nhau từ 1-2 ngày là có 4 thương lái chạy xe Honda chở theo 2 chiếc giỏ xách rảo quanh ấp để hỏi mua cau non. Ngoài hình thức thu mua lạ đời, khi người dân gạn hỏi việc mua cau non để làm gì và tiêu thụ ở đâu thì thương lái chỉ mập mờ nói nơi tiêu thụ và đưa ra nhiều lý do như: mua cau dùng để xoay mâm trầu trong cưới hỏi; cho chùa làm từ thiện; dùng ruột cau phơi khô để trộn với cà phê hay dùng để chữa một số loại bệnh;...

Bà Lê Thị Nhang, ở cùng ấp Thạnh Hòa 2, thông tin: “Ban đầu, một vài thương lái nói là mua cho chùa làm từ thiện nên tôi chỉ cho không. Thời gian gần đây, số lượng người đi mua ngày càng đông nên tôi mới biết là họ mua để bán lại nhưng không rõ dùng để làm gì”.

Hiện tại, không riêng gì ở xã Hỏa Tiến, thành phố Vị Thanh, mà các thương lái còn đi sâu vào các vùng quê ở xã khác của huyện Châu Thành và Châu Thành A để thu mua cau non. Họ mua rất nhiều nơi và mua rất nhiều loại cau, kể cả cau kiểng non. Theo tìm hiểu của chúng tôi (PV), ngoài Hậu Giang, tình trạng mua cau non cũng diễn ra khá sôi nổi ở nhiều địa phương khác như: Tiền Giang, Bến Tre, Sóc Trăng, thành phố Cần Thơ. Trong đó, huyện Phong Điền, thành phố Cần Thơ được xem là một trong những địa phương diễn ra mạnh nhất khi nhiều điểm thu mua cau già ở đây đã trở thành nơi tập kết cau non từ các địa phương khác chuyển về.

Cần nâng cao cảnh giác

Hiện tượng thu mua kiểu bất thường như trái cau không chỉ diễn ra lần đầu tiên trên địa bàn tỉnh. Trước đó, cũng có nhiều thương lái đến các nhà vườn đặt mua lá khoai mì và gần nhất là mua lá mãng cầu xiêm để xuất sang Trung Quốc. Vấn đề đặt ra là, khi bán những sản phẩm trên thì cả nông dân và thương lái chỉ quan tâm vấn đề chính là lợi nhuận trước mắt mà chưa hiểu rõ mục đích sâu xa. Và việc tận thu cau non hiện nay đã đặt ra những nghi vấn trong cộng đồng dân cư.

Với góc độ suy nghĩ của người dân, ông Mai Văn Đấu, ở ấp Thạnh Hòa 2, xã Hỏa Tiến, cho rằng: “Mặc dù các thương lái đưa ra nhiều lý do trong việc mua cau non, riêng tôi có một suy nghĩ khác. Thông thường, cau ở miền Nam thường chuyển ra miền Bắc để tiêu thụ (chủ yếu là cau khô) với giá thành không cao.

Tuy nhiên, với tình trạng tận thu cau non ở các tỉnh ĐBSCL như thế này thì đến một lúc nào đó sẽ hết nguồn cung, khi đó, giá cau khô sẽ tăng đáng kể bởi những nơi nào có cau sẽ trở nên độc quyền. Đây không loại trừ khả năng nằm trong kế hoạch tính toán của thương lái Trung Quốc”.

Ngoài suy nghĩ của ông Đấu, một số nông dân khác thì cho rằng: Với thủ đoạn hiện nay thì người đứng phía sau sự việc chỉ cần bỏ ra một số tiền nhỏ cũng đã làm người dân lao đao vì cái lợi nhuận nhỏ trước mắt mà quên đi những lợi ích lâu dài, không khéo, nhiều người sẽ chuyển sang trồng cau để chạy theo phong trào…

Trước tình trạng tận thu cau non với giá cao đang diễn ra bất thường, vấn đề quan trọng trong lúc này là cần có sự vào cuộc của cơ quan chức năng nhằm thông tin kịp thời, chính xác và có định hướng trong việc mua bán cau non tới nông dân. Kiên quyết không để bà con bị lôi kéo, dụ dỗ chuyển sang trồng cau để rồi sống dở, chết dở như nhiều giống cây trồng khác đã từng xảy ra trước đây, mà điển hình là cây sương sáo…

Ông Lê Văn Đạt, Phó Chủ tịch UBND xã Hỏa Tiến, thành phố Vị Thanh, cho hay: Hiện nay, cau không phải là cây trồng cho nguồn thu nhập chính của người dân địa phương mà chỉ có số ít hộ trồng rải rác để làm hàng rào trước nhà. Tuy nhiên, trước thông tin có nhiều người đến địa phương thu mua cau bất thường như thời gian qua, hiện UBND xã đã làm việc và chỉ đạo các ấp tiếp tục theo dõi và nắm tình hình, nhất là chú ý đến những đối tượng lạ đến mua cau để kịp thời xử lý khi có những sai phạm...


Related news

Nuôi Rắn Mối, Mô Hình Mới Ở Bình Thuận Nuôi Rắn Mối, Mô Hình Mới Ở Bình Thuận

Mô hình nuôi rắn mối tại xã xây dựng nông thôn mới trên địa bàn Bình Thuận được Trung tâm Thông tin và Ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN) tỉnh triển khai cách đây chưa lâu. Kết quả cho thấy, con nuôi này có thể đem lại nguồn thu nhập ổn định cho lao động nông nhàn, bởi vốn đầu tư không lớn và cũng không tốn nhiều công sức…

Saturday. December 7th, 2013
Dinh Dưỡng Hiệu Quả Cho Tiêu Sạch Dinh Dưỡng Hiệu Quả Cho Tiêu Sạch

Trong khi, theo khuyến cáo của các nhà khoa học thì lượng phân vô cơ bón cho 1ha tiêu để đạt năng suất cao nhất và hiệu quả kinh tế là từ 200 – 400kg N, 100 – 200kg P2O5, 225 – 400kg K2O trong mỗi năm, tùy theo chân đất và loại trụ trồng tiêu. Việc bón bổ sung phân hữu cơ hoặc phân bón lá đã cung cấp thêm một lượng dinh dưỡng khoáng đa lượng, trung và vi lượng cho cây tiêu. Phân gà và phân hữu cơ chế biến có tác dụng tốt trong phòng trừ bệnh chết nhanh do nấm Phytophthora capsici.

Friday. December 27th, 2013
Nguồn Cung Thực Phẩm Dồi Dào Cho Cuối Năm Nguồn Cung Thực Phẩm Dồi Dào Cho Cuối Năm

Nhu cầu về thực phẩm vào dịp Tết dự tính tăng khoảng 30%, tuy nhiên, Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) cho biết, với việc tăng đàn gia súc, gia cầm hiện nay, nguồn cung sẽ được đảm bảo.

Saturday. December 7th, 2013
Vú Sữa Tím Tín Hiệu Vui Cho Nhà Vườn Vú Sữa Tím Tín Hiệu Vui Cho Nhà Vườn

Sau một thời gian bị lãng quên, hiện vú sữa tím được nhiều nhà vườn ở xã Xuân Hòa (Kế Sách - Sóc Trăng) quan tâm vì đây là loại cây cho lợi nhuận cao nhờ cho thu hoạch sớm hơn 1-2 tháng so với vú sữa Lò Rèn, có thể vận chuyển xa và được thị trường chấp nhận.

Friday. December 27th, 2013
Tái Đàn Chăn Nuôi Sau Lũ Tái Đàn Chăn Nuôi Sau Lũ

Sau lũ, nông dân xã Tịnh Đông (Sơn Tịnh - Quảng Ngãi) khẩn trương vệ sinh môi trường, phòng trừ dịch bệnh, chuẩn bị con giống để tái đàn và phát triển chăn nuôi. Đây là một trong những địa phương bị thiệt hại nặng trong đợt lũ lụt vừa qua.

Saturday. December 7th, 2013