Home / Tin tức / Mô hình kinh tế

Một Nhà Vườn Ăn Nên Làm Ra

Một Nhà Vườn Ăn Nên Làm Ra
Publish date: Tuesday. June 18th, 2013

Từ nhiều năm nay, người dân ở thôn Thái Xuân, xã Tam Hiệp, huyện Núi Thành rất kính trọng ông Bùi Xuân Danh, 55 tuổi, công an thôn bởi ông là người biết tính toán làm ăn, đi lên từ mô hình cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn và làm giàu chính đáng ngay tại địa phương vốn nghèo khó này.

"Sống ở một vùng quê vốn nghèo, nếu mình không biết tạo đột phá trong cung cách làm ăn thì cả đời phải chịu cảnh cơ cực thôi anh à”. Đó là lời bộc bạch của ông Danh khi mở đầu câu chuyện với tôi về công việc làm ăn của ông. Ngồi dưới bóng mát của một tán cây xum xuê trong vườn, rồi dần theo câu chuyện, tôi biết ông Danh sinh ra và lớn lên ở vùng cát trắng của làng Đại Phú.

Cảnh quê quê nghèo, gia đình nghèo, nên năm 1978, ông phải dẫn bầu đoàn thê tử vào vùng kinh tế mới thuộc huyện Đức Linh, Bình Thuận để mưu kế làm ăn. Lập nghiệp trên vùng đất mới trong khi vốn liếng không có, con đông, lại không hợp với khí hậu, nước non, thổ nhưỡng của vùng đất lạ nên mấy đứa nhỏ ốm đâu triền miên. Cuộc sống gia đình vẫn mãi trong khốn khó.

Rồi tình cờ vào năm 1991, trong một chuyến về thăm quê ông được bà con mách bảo: ở thôn Thái Xuân đất đồi hoang hoá còn nhiều, về lên đó mà lập nghiệp. Thế là ông vào Nam, dẫn ngược gia đình về quê, lên vùng đất này khai hoang, lập vườn. Với bản chất của một người nông dân chăm chỉ, ông quyết chí làm ăn, mong tìm ra một cảnh sống sung túc, đủ đầy.

Ông ra sức vỡ đất, khai hoang xây dựng nên một khu vườn rộng đến 6.000m2. Gặp thuận lợi khu vườn nhà ông lại nằm kề bên con kênh dẫn nước từ hồ Thái Xuân về tưới cho các xã Tam Hiệp, Tam Giang. Đây là một thuận lợi rất lớn để ông xây dựng mô hình “ Vườn – ao - chuồng”.

Bước đầu ông trồng các loại cây nông nghiệp cơ bản là cây lương thực, rau quả ngắn ngày để lo cho cái ăn trước mắt. Rồi dần chuyển qua cây công nghiệp. Sau khi nghe đài, đọc báo và sự hướng dẫn của Hội Nông dân ông nhận thấy việc cải tạo vườn tạp, xây dựng vườn kinh tế, phát triển mô hình kinh tế trang trại là cơ hội để gia đình ông vươn lên xoá đói giảm nghèo.

Sẵn có mảnh vườn tạp rộng gần 6.000m2 ông mạnh dạn đầu tư kinh phí tập trung cải tạo lại mảnh vườn làm kinh tế. Đến nay, trong khu vườn nhà ông có 2 hồ cá với tổng diện tích mặt nước 500 m2, 6 hồ xi măng nuôi ếch với tổng diện tích 200m2, 100 trụ tiêu và một số cây ăn quả khác.

Ông cho tôi biết ếch có thời gian sinh trưởng rất ngắn, chỉ 3 tháng là xuất nên một năm ông làm được hai vụ, mỗi vụ ông thu được 1 tấn với giá xuất bán là 40 triệu đồng/ tấn. Cùng với ếch mỗi năm ông kiếm thêm 30 triệu tiền cá, gần 10 triệu tiền hồ tiêu chưa kể các khoản thu từ chăn nuôi heo, gà và các loại hoa quả khác.

Có điều tôi ngạc nhiên và thích thú là kiểu thiết kế trong vườn nhà ông đã tạo ra một phong cảnh rất hữu tình, nên thơ, hồ cá, lối đi, bóng trúc, cầu, cây cảnh và có cả nhà đọc sách. Ông thiết kế cả hòn non bộ, hồ cảnh trồng sen sứ trông thật tao nhã như chốn thiền viên.

Vào vườn nhà ông chẳng khác nào đi giữa một công viên. Các loại cây cây cảnh như lộc vừng, sanh si…của ông có giá trị lên đến gần 500 triệu đồng.Vào những ngày nghỉ cuối tuần hoặc những ngày hè học sinh trong thôn thường hay đến vườn ông vui chơi và xin mượn đọc sách, báo. Ngoài việc làm vườn cho gia đình, hiện nay ông còn được các công ty ở khu Công nghiệp Bắc Chu Lai hợp đồng chăm sóc cây cảnh. Anh khoe hôm nào đi làm thì thu nhập thêm được 100.000 đồng/ngày.

Không chỉ biết làm giàu cho bản thân mà ông Bùi Xuân Danh còn luôn sẵn sàng tư vấn kỹ thuật, hỗ trợ kinh phí cũng như những kinh nghiệm tích lũy được trong quá trình lao động cho bà con hàng xóm. Ông tích cực tham gia vào công tác xã hội, hiện ông là công an thôn và đã thâm niên trong “nghiệp” này hơn 10 năm.

Từ đức tính cần cù, biết tính toán làm ăn mà mảnh vườn tạp um tùm gai góc năm nào giờ đây đã trở thành một vườn nhà kinh tế mang lại hiệu quả kinh tế cao cho thu nhập mỗi năm gần 100 triệu đồng. Nhờ đó cuộc sống của gia đình ông Bùi Công Danh bắt đầu khấm khá, đã có của ăn của để, nhà cửa xây dựng kiên cố, khang trang, con cái có điều kiện học hành đến nơi đến chốn...

Với cách làm ăn này bản thân ông vinh dự được cấp trên công nhận là nông dân sản xuất giỏi cấp xã nhiều năm liền và mới đây ông còn được biểu dương tại hội nghị tổng kết phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi của địa phương.


Related news

Xuất khẩu thủy sản giảm mạnh cả lượng và giá Xuất khẩu thủy sản giảm mạnh cả lượng và giá

Trước những bất lợi về giá, sức tiêu thụ kém của thị trường nhập khẩu từ đầu năm đến nay, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) dự báo: Xuất khẩu (XK) thủy sản năm nay giảm khoảng 15% so với năm 2014.

Friday. November 13th, 2015
Hà Tĩnh đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sinh học trong nông nghiệp Hà Tĩnh đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sinh học trong nông nghiệp

Hà Tĩnh đã đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất cây giống, chế phẩm sinh học xử lý chất thải chăn nuôi…, góp phần nâng cao năng suất cây trồng, bảo vệ môi trường.

Friday. November 13th, 2015
Phát hiện doanh nghiệp trộn chất gây ung thư vào thức ăn chăn nuôi Phát hiện doanh nghiệp trộn chất gây ung thư vào thức ăn chăn nuôi

Một công ty ở Hải Dương đã bị phát hiện sử dụng chất vàng ô có thể gây ung thư vào sản phẩm thức ăn chăn nuôi.

Friday. November 13th, 2015
Đánh thức kinh tế vườn từ tiêu chí số 20 Đánh thức kinh tế vườn từ tiêu chí số 20

Trên đà thắng lợi của chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), Hà Tĩnh đã mạnh dạn xây dựng thêm tiêu chí thứ 20 “khu dân cư NTM kiểu mẫu, vườn mẫu’’.

Friday. November 13th, 2015
Tập trung soát xét, tháo gỡ khó khăn trong giao đất, giao rừng Tập trung soát xét, tháo gỡ khó khăn trong giao đất, giao rừng

Sáng 12/11, Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đình Sơn chủ trì cuộc họp nghe tiến độ giao đất gắn với giao rừng (GĐGR), đo vẽ bản đồ địa chính và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) lâm nghiệp, nông nghiệp, đất ở đô thị. Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thị Nữ Y cùng dự.

Friday. November 13th, 2015