Home / Tin tức / Mô hình kinh tế

Mòn Mỏi Chờ Bán Lúa

Mòn Mỏi Chờ Bán Lúa
Publish date: Saturday. January 26th, 2013

Vụ lúa đông xuân sớm tại các địa phương thuộc vùng Đồng Tháp Mười đã bắt đầu thu hoạch rộ. Thế nhưng khác mọi năm, lúa chín đầy đồng nhưng vắng bóng thương lái trong khi giá lúa chỉ còn dưới 5.000 đồng/kg.

Ông Huỳnh Văn Bé Tư, nông dân xã Phú Điền, huyện Tháp Mười (Đồng Tháp), cho biết hơn một tuần qua, hơn 1,3ha lúa nhà ông đến kỳ thu hoạch, kêu thương lái đến mua ai cũng lắc đầu. Chờ hoài không được, cuối cùng ông phải kêu máy gặt rồi thuê xe chở 10 tấn lúa về phơi khô chất đầy nhà. “Một vụ lúa ba tháng trời chỉ toàn mua thiếu, từ phân bón đến thuốc trừ sâu rồi thuê máy gặt. Bây giờ rất cần bán lúa lấy tiền trả nợ, mua sắm tết nhưng không ai mua mới chết chứ” - ông Tư than thở.

Tình cảnh này cũng xảy ra ở nhiều xã thuộc huyện Tân Hồng. Khác với mọi năm thương lái thu mua tại ruộng ngay khi vừa thu hoạch xong, năm nay do lúa bán không được, nhiều nông dân phơi xong rồi vô bao chờ thương lái. Thậm chí, nhiều người chất lúa tại ruộng rồi mắc mùng giữ hết ngày này qua đêm khác.

Còn với những người may mắn bán được lúa thì phải chấp nhận mức giá giảm thê thảm. Ông Lâm Văn Tẩu (nông dân xã Thông Bình, huyện Tân Hồng, Đồng Tháp) nói như khóc: “Năm nay lúa thất hơn năm rồi, gia đình tui làm gần 3 ha lúa mà thu hoạch chỉ có 20 tấn. Cách đây hai tuần, giá lúa ở mức 5.800 đồng/kg, vậy mà đến lúc thu hoạch thương lái chỉ trả 5.000 đồng/kg. Thấy giá thấp nên tui trữ lại vài ngày để chờ giá. Nào ngờ thương lái đến sau ra giá còn 4.900 đồng/kg. Vì túng quá tui bấm bụng bán hết, tính ra không có lời bao nhiêu cả”.

Ông Nguyễn Ngọc Nhi, ấp 2, thị trấn Tràm Chim, huyện Tam Nông (Đồng Tháp), cho biết đã thu hoạch lúa một tuần rồi mà vẫn chưa bán được. Hiện thương lái chỉ trả lúa hạt dài 4.900 đồng/kg. “Với giá này tui chỉ lời khoảng 10 triệu đồng/ha” - ông Nhi nói. Riêng lúa IR50404 hiện nhiều nơi giá chỉ còn 4.400 đồng/kg.

Theo ông Phan Thanh Xuân - phó Phòng nông nghiệp & phát triển nông thôn huyện Tân Hồng, đến thời điểm này giá lúa đã giảm 1.000 - 1.500 đồng/kg so với cuối năm 2012. Với giá quá thấp như hiện nay, nếu các ngành chức năng không có giải pháp thu mua tạm trữ thì tới đây khi thu hoạch rộ vụ lúa đông xuân giá lúa còn giảm hơn nữa. Vụ này năng suất bình quân chỉ có 6,5 tấn/ha, tính ra nông dân không có lãi bao nhiêu. Điều đáng lo là diện tích lúa đông xuân thu hoạch từ nay đến sau tết sẽ ngày càng tăng, nên giá hoàn toàn có thể còn giảm nữa.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Văn Đôn, giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng (Tiền Giang), giải thích sở dĩ giá lúa liên tục lao dốc là do các hợp đồng xuất khẩu tập trung chưa có nhiều. Ngoài ra, nguyên nhân chính là do đến nay kế hoạch mua tạm trữ vẫn chưa triển khai, mặc dù trước đó ngày 16-1 Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý chủ trương của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn thu mua tạm trữ lúa gạo năm 2012, tối đa là 1 triệu tấn quy gạo. “Doanh nghiệp không có nhiều nhu cầu thu mua gạo để xuất khẩu trong khi sản lượng lúa thu hoạch ngày càng nhiều thì đương nhiên giá sẽ giảm” - ông Đôn phân tích.

Theo ông Đôn, đây là thời điểm cần triển khai thu mua tạm trữ ngay. Trong đó, sản lượng mua tốt nhất là 1,5 triệu tấn gạo và giá lúa tối thiểu phải trên 5.000 đồng/kg. Khi doanh nghiệp được phân bổ chỉ tiêu thu mua tạm trữ họ sẽ đồng loạt mua vào, lúc đó giá lúa gạo sẽ tăng trở lại đúng với giá trị thực.

"Bây giờ rất cần bán lúa lấy tiền trả nợ, mua sắm tết nhưng không ai mua mới chết chứ" - Ông Huỳnh Văn Bé Tư.

Sớm tạm trữ để giữ giá lúa

Theo Hiệp hội Lương thực VN (VFA), giá lúa gạo trong nước ở mức thấp do xuất khẩu gạo VN trong đầu năm 2013 gặp nhiều khó khăn. Lượng hợp đồng xuất khẩu ký được rất thấp. Hiện một số khách hàng chỉ trả giá gạo 5% tấm của VN ở mức 385 - 390 USD/tấn, thấp hơn nhiều so với gạo cùng loại của Ấn Độ, Pakistan, Thái Lan...

Tuy nhiên, theo ông Trương Thanh Phong - chủ tịch VFA, tình hình giá lúa thấp chưa đến mức đáng ngại vì chưa vào thời điểm thu hoạch rộ. Hiện thị trường đang có nhu cầu gạo khá lớn để chuyển ra khu vực phía Bắc nên tình hình giá lúa sẽ khả quan hơn trong thời gian tới. Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2) cũng đang chỉ đạo các doanh nghiệp thành viên ở các địa phương tích cực mua lúa gạo để kéo giá lúa lên. Cũng theo ông Phong, VFA vừa đề nghị Bộ NN&PTNT kiến nghị Chính phủ sớm thông qua kế hoạch mua tạm trữ lúa gạo vụ đông xuân 2013 (tối đa 1 triệu tấn quy gạo) để giữ giá lúa trong nước thời gian tới.


Related news

Tiền Giang đạt năng suất lúa xuân hè cao nhất trong 5 năm qua Tiền Giang đạt năng suất lúa xuân hè cao nhất trong 5 năm qua

Tuy chịu ảnh hưởng của nguồn nước mùa khô khan hiếm, sâu bệnh tấn công nhưng năng suất vụ lúa này ở tỉnh Tiền Giang đạt trên 7 tấn/ha.

Wednesday. June 3rd, 2015
Vì tin đồn, lúa Hồng Ngọc tồn kho Vì tin đồn, lúa Hồng Ngọc tồn kho

Giống lúa Hồng Ngọc được nhiều nông dân đưa vào sản xuất trong mấy năm trở lại đây nhằm thay thế giống chịu mặn, mang lại hiệu quả kinh tế khá cao. Tuy nhiên, trong 2 tháng qua, các HTX của huyện Phú Vang (Thừa Thiên Huế) sau khi thu hoạch lúa đều không bán được hoặc giá thấp thê thảm do ảnh hưởng của… tin đồn.

Wednesday. June 3rd, 2015
Nhiều diện tích ngô ở Anh Sơn, Nghi Lộc bị chết cháy Nhiều diện tích ngô ở Anh Sơn, Nghi Lộc bị chết cháy

Trong đợt nắng nóng kéo dài hơn 10 ngày qua đã làm cho nhiều diện tích ngô ở xã Tường Sơn (Anh Sơn) và Nghi Văn (Nghi Lộc - Nghệ An) bị chết.

Wednesday. June 3rd, 2015
Khoai lang tím Nhật giá thấp chưa từng có, nông dân méo mặt Khoai lang tím Nhật giá thấp chưa từng có, nông dân méo mặt

Từ đầu vụ thu hoạch rộ (khoảng tháng 3 đến nay) khoai lang liên tục rớt giá. Hiện chỉ ở mức 100.000 - 150.000 đ/tạ (tạ/60kg)- mức giá thấp nhất từ trước đến nay.

Wednesday. June 3rd, 2015
Nuôi kiến vàng để diệt sâu bệnh trên cây điều tại sao không? Nuôi kiến vàng để diệt sâu bệnh trên cây điều tại sao không?

Không phải bây giờ mà từ rất lâu người dân đã biết đến lợi ích của kiến vàng trong tiêu diệt các loại rệp không chỉ trên cây điều mà ở trên các loại cây trồng khác. Sử dụng kiến vàng có thể gián tiếp giúp nông dân loại bỏ nấm bệnh, sâu bệnh, từ đó giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật xuống mức thấp nhất, đồng thời tiết kiệm được nhân công, giảm chi phí trong chăm sóc vườn điều. Tuy nhiên, trong thực tế, người nông dân có nghĩ vậy?

Wednesday. June 3rd, 2015